Vừa nghe hát bài "Cháu yêu bà" và "Cháu đi mẫu giáo" để tặng mẹ nhân ngày 20-10, bà Cúc vừa vỗ tay tán thưởng. Với bà, thanh âm bài hát ngọng nghịu phát ra từ miệng người con trai 34 tuổi ấy là món quà 20-10 vô giá.

Món quà hôm nay là ròng rã gần ba năm trời người mẹ dẫn con đi qua năm cuộc phẫu thuật và sáu bệnh viện khác nhau.

Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM sáng giữa tuần, những người bước qua bạo bệnh đang tập tễnh tập đi, tất cả đều cố gắng để có thể trở lại cuộc sống đã từng.

Dáng một người phụ nữ sấp ngửa lao nhanh về phía cổng bệnh viện, ông bảo vệ la với theo: "Từ từ thôi, té thì không ai chăm thằng nhỏ".

Một lúc sau bà tất tả bước vào: "Tôi mới dẫn con đi châm cứu và tập vật lý trị liệu về. Vội chạy đi xin cơm từ thiện nhưng hết mất".

Bà là (67 tuổi, thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi).


Nghìn ngày cứu con - Video: HOÀNG ĐÔNG

Dáng đi bà không bao giờ bình thường, bước chân lúc nào cũng gấp gáp.

"Tôi vào nhanh chớ để thằng Thanh một mình trong đó lỡ co giật thì chết dở", bà vừa nói vừa lao đi. Hai bàn tay bắt chéo ôm lấy đôi vai. Bóng dáng thật khắc khổ.

Đúng với lo lắng của bà Cúc, dù đi rất nhanh nhưng vào đến phòng bệnh đã thấy Thanh gật gù như có lò xo đẩy. May quá, đó chỉ là cơn co giật nhẹ. Bà Cúc xoa bóp khắp người một lúc thì anh ổn lại.

Đã 34 tuổi nhưng Thanh nói, cười, đi lại đều rất khó khăn.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 2.

Cho đến giờ, bà Cúc vẫn ám ảnh và sợ hãi mỗi lần tiếng chuông điện thoại vang lên.

Chuyện bắt đầu từ cuộc điện thoại lúc 0h của gần ba năm về trước. Người ta báo tin Thanh bị tai nạn giao thông ở TP Vũng Tàu.

Hành trình cứu con của bà bắt đầu cũng từ cuộc điện thoại ấy.

Kể về con, với bà Cúc chỉ toàn nỗi chua chát. Số mệnh đứa con khỏe mạnh, sức vóc như một lực sĩ của bà thay đổi chỉ sau một cú điện thoại.

"Tôi đang ngủ thì nghe chuông điện thoại reo. Bên kia hỏi có phải là người thân của Lê Văn Thanh không. Tôi bảo đúng, tôi là mẹ Thanh. Rồi họ nói Thanh bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu, người nhà phải vào Vũng Tàu gấp".

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 3.

Linh tính của một người mẹ đủ cho bà Cúc cảm nhận có điều không lành. Nhưng mọi thứ còn kinh khủng hơn suy nghĩ của bà.

Vào tới Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu, bà lao vào phòng cấp cứu nhưng bảo vệ ngăn lại.

Nhìn qua tấm kính phòng bệnh, thân thể Thanh lấm lem, quần áo rách toạc, máu loang khắp người. Máy thở và các ống chuyền dịch khắp cơ thể là thứ duy nhất trấn an bà Cúc rằng con bà vẫn còn sống.

"Tôi cố hỏi tình hình, nhưng bác sĩ chỉ thông báo Thanh bị vỡ xương hộp sọ, hiện tại sự sống vẫn còn nhưng chưa thể can thiệp mổ xẻ. Trước mắt phải ổn định tinh thần đã. Chưa nói trước được gì", bà Cúc kể.

Bà khóc, hồi ức về con khiến bà thêm nghẹn ngào. Mấy giờ trước khi xảy ra tai nạn Thanh còn điện thoại về động viên mẹ giữ sức khỏe. Rồi còn khoe mới cân được 73kg, công việc tốt, ít hôm có lương sẽ gửi về cho mẹ chữa bệnh. Nào ngờ...

Hai hôm sau đó, bác sĩ thông báo không thể tiến hành mổ, bà nên đưa con về.

"Không, bác sĩ ơi, con tôi không chết được", bà Cúc gào lên rồi gục ngã.

Y bác sĩ ôm lấy bà. Ai đó dúi vào tay bà 200.000 đồng bà cũng không nhớ. Lúc đó bà cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc băng ca đẩy bệnh nhân từ phòng cấp cứu ra tiền sảnh.

"Tôi sợ nhất là những lần băng ca phủ mặt. Thấy là tôi lao đến mở ra xem. May quá không phải thằng Thanh", bà kể.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 4.

Chiều hôm đó, Thanh được đưa ra khỏi phòng bệnh, bác sĩ vẫn còn để nguyên máy thở và ống truyền dịch. Lời khuyên của bác sĩ vẫn là đưa về Quảng Ngãi cho kịp.

Hồi tưởng lại giây phút tuyệt vọng ấy, bà Cúc thoa đầu con cùng nụ cười âu yếm tiếp lời: "Chẳng hiểu sao, lúc đó tôi vẫn tin cứu được con. Tôi không đưa con về quê mà hướng lên Bệnh viện Chợ Rẫy".

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 5.

Những xét nghiệm nhanh chóng được triển khai, kết quả hoàn toàn giống với bác sĩ ở Vũng Tàu thông báo: Thanh bị chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ, nội và ngoại thương toàn thân. Tình trạng rất nặng, có mổ cứu được cũng sống đời thực vật.

Nhưng bà Cúc gật đầu: "Vậy cũng được". Rồi bà ký vào tờ giấy mà bà bảo chẳng biết ký cái gì. Bây giờ thì bà phỏng đoán có thể là giấy cam kết để tiến hành ca mổ.

Nhân viên y tế thông báo xong thủ tục và chìa cho bà tờ giấy ứng viện phí để tiến hành ca mổ. Nhìn con số 30 triệu đồng bà Cúc choáng váng bởi trong túi lúc đó chỉ còn chưa đầy 3 triệu đồng.

Bà bật khóc: "Bác sĩ có thể mổ cho con tôi rồi tôi trả tiền sau được không. Tôi xin bác sĩ".

Lời van xin của người mẹ làm động lòng tất cả mọi người. Ca mổ được tiến hành mà không cần ứng viện phí. Bốn giờ sau đó, anh Thanh được đẩy ra khỏi phòng mổ. Đó là ca mổ thành công.

Bà lại khóc, nỗi lắng lo tiền bạc không còn chỗ trong giờ phút đó. Bốn ngày sau, chồng bà ở quê gửi 40 triệu đồng vào sau khi bán cả bò mẹ lẫn bê con.

Mọi khó khăn tạm xong, bà Cúc chập chờn giấc ngủ dưới sảnh thì nghe loa thông báo "mời người nhà Lê Văn Thanh vào có việc cần".

"Tôi phát hoảng, tay chân run hết, có thang máy mà quýnh quá leo thang bộ lên tầng 3. Vừa leo vừa khóc. Tới nơi tôi hỏi dồn thằng Thanh sao mà kêu tôi lên vậy bác sĩ. Ông ấy bảo không sao cả, Thanh tiến triển tốt nên đưa ra khỏi phòng hồi sức tích cực, chuyển xuống phòng bình thường để mai chuyển qua Bệnh viện quốc tế City. Thiệt, lúc đó tôi mới hoàn hồn", bà nhớ như in.

Bà Cúc xin ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy vì chi phí bên đó quá đắt, trong khi cuộc chiến cho con còn lâu dài. Vị bác sĩ thương người mẹ quê ân cần giải thích rằng đắt nhưng an toàn hơn. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy quá nhiều bệnh khác nhau, sợ Thanh nhiễm bệnh khác phải chuyển lên phòng đặc biệt thì chi phí mỗi ngày đến hơn 7 triệu đồng.

"Lần này tôi nghe lời bác sĩ, chuyển con đi", bà kể.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 6.
Nghìn ngày cứu con - Ảnh 7.

Ở Bệnh viện quốc tế City, bà Cúc hạnh phúc khi mỗi ngày nhận được tin tốt từ con. Nhưng dù đã dự trù chi phí đắt đỏ, bà cũng không ngờ sau hơn một tháng ở đây, số tiền hơn 150 triệu đồng vay mượn đã vơi đi quá nửa, trong khi những ca mổ tiếp theo cho con đã được lên lịch.

Bà xin ra viện, thuê phòng trọ để hai mẹ con ở, mỗi ngày tần tảo làm thuê cho các quán ăn gần bệnh viện để trang trải chi phí mỗi ngày của hai mẹ con chờ đến ngày mổ.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 8.

Ở trọ được một thời gian Thanh bỗng lịm đi. Bà tá hỏa đưa con vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Lại phải mổ cấp cứu. Ca mổ đó đến nay vẫn còn để lại vết sẹo dài từ ngực xuống bụng Thanh.

"Bác sĩ nói nôm na cho tôi hiểu là sắp xếp lại tim gan phèo phổi cho thằng Thanh vì còn chất dịch ở trong. Ca mổ trước chỉ là cấp cứu phần chấn thương sọ não và lấy xương sọ đi nuôi", bà Cúc kể.

Ca mổ đó, bà không nhớ rõ tốn thêm bao nhiêu tiền nữa, nhưng tính tất cả thì trong túi bà còn chưa đến 10 triệu đồng.

Bà lại xin ra viện.

Thanh vẫn cần chăm sóc y khoa, chờ ba ca mổ tiếp theo. Bà Cúc tính đưa con về Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chăm tạm, nhưng rồi lại sợ "nước xa không cứu được lửa gần".

Trong lúc sấp ngửa nỗi lòng bà Cúc nhận được cuộc điện thoại, một người thân ở Đà Lạt bảo bà Cúc đưa con lên Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng và hứa giúp bà chăm sóc Thanh, xin việc cho bà làm.

Như đuối nước vớ được phao, bà Cúc tìm đến "thiên đường du lịch" Đà Lạt. Nhưng rồi bà chỉ xin việc làm thêm, còn Thanh thì không ai giúp đỡ. Mình bà lại tần tảo nơi xứ người. Suốt ngày quanh quẩn trong bệnh viện và quán ăn cách đó 200m.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 9.

Hai ca mổ tiếp theo đến, Thanh tỉnh lại. Không nói được nhưng vẫn nuốt được cháo loãng, dù một phần đầu khuyết xương bị hóp sâu vào.

Ca mổ cuối cùng là lắp hộp sọ để chuyển qua Bệnh viện Phục hồi Chức năng TP.HCM trị liệu bà xin khất lại mà không hẹn trước bao giờ sẽ đưa con tiến hành.

Khoảng nợ 150 triệu đồng treo lơ lửng trong khi đến con gà mái - tài sản cuối cùng trong nhà cũng đã bán đi. Bà đưa con về Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục điều trị một thời gian rồi đưa về nhà nằm.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 10.
Nghìn ngày cứu con - Ảnh 11.

Có lẽ ông Trời đã cảm phục tấm lòng của bà Cúc. Cuộc đời đã thôi trêu đùa hai mẹ con. Những người bệnh từng chứng kiến và cảm phục tấm lòng người mẹ ấy đã đăng thông tin lên mạng xã hội. Bà được biết đến.

Những cánh tay yêu thương chìa ra nâng hai mẹ con bước qua ngày chông chênh. Những khoản tiền được quyên góp. Từ quê nhà Quảng Ngãi đến tận Sài Gòn đều có người thông báo sẽ chờ đón hai mẹ con. Tất cả muốn nối dài cổ tích trước tình mẫu tử thiêng liêng.

Ca mổ cuối cùng được thực hiện ba tháng trước ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Một hộp sọ nhân tạo được ghép thay cho hộp xương sọ nuôi cấy quá lâu sẽ nguy hiểm.

"Tôi mang ơn những người đã giúp đỡ tôi. Nhờ đó mà tôi chuyển được con lên đây (Bệnh viện Phục hồi Chức năng TP.HCM) trị liệu, giờ con tôi có thể đi lại được rồi", bà Cúc nở nụ cười.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 12.

Thiên chức và bản năng của người mẹ là sức mạnh vô ngần để sức vóc yếu đuối của phụ nữ làm nên điều kỳ diệu. Những ngày tuyệt vọng nhất bà Cúc đã nguyện cầu trời phật phù hộ cho con mình tai qua nạn khỏi.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 13.

Để minh chứng lòng thành tâm, bà Cúc nguyện sẽ ngủ dưới nền đất cho đến khi nào con hết bệnh. Nền đất lạnh lẽo dù kéo sức khỏe bà lao dốc nhanh chóng bà cũng cam lòng. Hơn hai năm trời, bà Cúc đã làm điều ấy.

Càng xót hơn khi biết bà Cúc còn hứng chịu cơn đau, di chứng để lại của một vụ tai nạn giao thông hơn 15 năm trước.

Bị gãy xương cả hai tay, hai vai và xương cẳng chân phải gắn đinh y học để sắp lại xương, nhưng thời điểm đó, cái nghèo khó cùng ba đứa con đang tuổi ăn học, bà Cúc gượng đau không đến bệnh viện mổ tháo đinh như chỉ định.

Rồi cũng đến ngày những chiếc đinh hành hạ, bà đi mổ thì đinh đã nát ở vai trái, bác sĩ phải gắp ra. Vai phải xương cũng không ổn, bác sĩ phải lắp đinh mới cố định trở lại.

Đến bây giờ, ba chiếc đinh ở vai phải vẫn chưa được lấy ra dù đã trễ hạn chỉ định gần ba năm. Cơn đau đến, bà lại cố chịu đựng, dành tất cả tiền bạc cho con trai. Với bà Cúc, nếu được đánh đổi cả cái chết cho Thanh khỏe mạnh bà cũng sẽ làm.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 14.

Ngày 20-10 cận kề, hỏi bà ước mơ gì thì điều ước đầu tiên bà vẫn dành cho con mình, bà ước Thanh sẽ khỏe mạnh trở lại. Thứ hai, có sức khỏe để cày cuốc trả nợ đã mượn. Cuối cùng là khi dư dả sẽ đến viện tháo ba chiếc đinh đã trồi ra như những khối u ngay dưới lớp da tàn tạ làm những cơn đau cứ chập chờn đến đi và khiến bà thường xuyên bị sốt.

34 tuổi, Thanh bỗng trở lại những tháng ngày ngây ngô như đứa trẻ. Nhưng trong khoảnh khắc mẹ kể về ba chiếc đinh anh đã nhìn bà Cúc bằng đôi mắt buồn thăm thẳm.

"Con thương mẹ lắm", Thanh ngọng nghịu nói. Như có điều gì đó suy tư, một lúc sau chàng trai bất ngờ hóa trẻ nhỏ sau thảm kịch nói tiếp: "Mẹ đi mổ đi. Sẽ đau đó".

Nước mắt túa ra trên khuôn mặt bà Cúc. Bà nhớ lại cuộc điện thoại cuối cùng trong đời Thanh điện cho bà, lúc đó anh nói có lương sẽ gửi về cho mẹ chữa bệnh và việc "chữa bệnh" chính là để mổ lấy ba chiếc đinh này.

Nào ngờ, người con thất hứa mãi mãi và người mẹ lại hứng chịu nỗi đau còn hơn cả thể xác bị hành hạ mỗi ngày. Nỗi đau của người mẹ bất lực khi thấy con mình tàn tạ dần.

Buổi trưa, hai mẹ con ngồi dưới tán cây trong khuôn viên Bệnh viện Phục hồi Chức năng TP.HCM ăn cơm. Nhìn cách bà âu yếm động viên con mà nát ruột. Càng thương hơn khi phần cơm thừa còn lại trong tô, bà ăn nốt cho đỡ tốn tiền.

Những tháng ngày theo con, bà vẫn ăn phần cơm còn lại của con.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 15.
Nghìn ngày cứu con - Ảnh 16.

Vài hôm nữa, mẹ con bà Cúc sẽ rời khỏi Sài Gòn, trở về quê nhà. Bà rất muốn chữa trị thêm cho con nhưng chi phí đã cạn dần.

Phía tương lai của người mẹ đã ngấp nghé 70 tuổi là nỗi lo toan vật chất phải giải quyết, trước khi tiếp tục một hành trình phục hồi thân thể tàn tạ của con trai.

Tôi đã từng đến nhà bà Cúc ở Quảng Ngãi. Lúc đó anh Thanh nằm trên chiếc ghế xếp ngay bên cạnh chiếc cửa sổ đã cũ mục theo tháng năm.

Thanh không nói hay làm được bất cứ điều gì, chỉ nằm đó với phần hộp sọ khuyết sâu.

Nghìn ngày cứu con - Ảnh 17.

Lần này trở về, chắc chắn bà sẽ đỡ mệt hơn khi con đã tự đứng, đi lại một đoạn ngắn. Rồi đây, ngôi nhà bên dòng sông Trà Khúc sẽ thấy được hình ảnh một người mẹ tảo tần dẫn con tập đi mỗi ngày. Nhưng chẳng biết rồi bà có còn đủ sức khỏe khi tuổi đời trôi đi...

"Mẹ vĩ đại lắm", Thanh lại ngọng ngịu nói. Câu nói của người con là hành trình nghìn ngày đầy kiên cường và yêu thương của mẹ.


TRẦN MAI

Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: Thanh Phạm Thị Cúc
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên