Nghiệp dĩ gác đèn

VIỄN SỰ - SƠN LÂM 07/10/2015 22:10 GMT+7

TTCT- Đèn biển Mũi Dinh ở Thuận Nam (Ninh Thuận) là ngọn đèn hiểm trở nhất trong các ngọn đèn dọc bờ biển đất nước. Ở đó có những người đàn ông đã thức canh đèn từ khi còn trai tráng đến khi tóc pha sương, miệt mài như một nghiệp dĩ trót mang.

Đèn biển Mũi Dinh                -VIỄN SỰ
Đèn biển Mũi Dinh - Ảnh: VIỄN SỰ

“Đâu nghĩ mình có thể gắn với chốn này lâu đến vậy” - anh Trần Minh Thảnh bắt đầu câu chuyện về 30 năm gác đèn của mình. Quê tận Thái Bình, thời trai trẻ hăng máu lang bạt vào đây, “tưởng chỉ gác chơi chơi vài năm, vậy mà làm một lèo nửa đời người, cưới vợ, sinh con, giờ thành dân cố cựu xứ này” - anh Thảnh kể. Câu chuyện của anh cũng là chuyện chung của những người đàn ông gác đèn trên đỉnh Mũi Dinh này.

Để ngọn đèn không tắt

Con đường đến đèn biển Mũi Dinh nay đã được rút ngắn hơn nhiều lần, nhưng để leo được lên ngọn đèn biển này vẫn phải lội qua một vùng cát bỏng trơ trụi mênh mông và leo thêm 1,5km đường núi. Khó nhọc bước trên những đoạn đường dốc đến 45 độ, chúng tôi gặp một tốp bạn trẻ đi phượt phải bỏ cuộc giữa chừng vì không leo nổi qua con dốc. Nhưng với những người đàn ông tóc pha sương trên đèn biển này, đó là con đường mà hơn 30 năm qua họ vẫn lên xuống mỗi ngày.

Một lần căng sức leo lên đèn biển Mũi Dinh mới biết sự cô đơn và buồn tẻ ở đây có lẽ còn nhiều hơn cả sóng biển đang ầm ào dưới chân núi. Hôm chúng tôi lên đèn biển đúng vào ca trực của anh Phạm Văn Cơ (trạm trưởng) và anh Nguyễn Văn Thanh, đều đã 30 năm có lẻ bám trụ đèn biển này.

Chậm rãi tháo lớp vải phủ khỏi ụ đèn, anh Cơ nói một ngày của người gác đèn chỉ thật sự bắt đầu khi mặt trời lặn. Khi đó tất cả hệ thống đều phải sẵn sàng để rơle tự động phát sáng, đèn biển bắt đầu quét những tia sáng sắc lẹm vào đêm tối trùng khơi.

Từ đó đến sáng lúc nào cũng phải có người thức để bảo đảm ngọn đèn không tắt và phát ra những luồng ánh sáng đúng chu kỳ. Thỉnh thoảng người gác đèn lại ra kiểm tra đến khi trời sáng, đèn tắt lại lau chùi và chụp vải phủ lên ụ đèn.

Năm người đàn ông gác đèn phải bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời to đùng đặt trên đỉnh núi. Nắng, mưa hay bão tố cũng phải cắm chốt, mà “trời càng bão tố thì đèn càng phải sáng” - đội trưởng Cơ nói đơn giản. Vượt qua dốc núi lên đến đèn biển này chỉ với chiếc balô nhỏ, chúng tôi tự nghĩ với mình đã là một kỳ tích.

Nhưng với những người gác đèn, ngoài nhu yếu phẩm hằng ngày, mỗi tháng họ phải đưa lên đèn biển gần 800 lít dầu để chạy máy nổ. Và nước ngọt, trong cơn đại hạn của xứ Ninh Thuận, trở thành thứ xa xỉ của những người gác đèn, phải chở lên từng lít từ chân núi.

Trong những chuyến đưa dầu, đưa nước lên núi, té ngã thành chuyện cơm bữa. Hôm chúng tôi lên đèn biển, chân phải của anh Thảnh vẫn còn nguyên một mảng phỏng pô xe máy bằng bàn tay, sưng tấy. Anh Thảnh đưa đôi chân chi chít sẹo sau 30 năm gác đèn và nói:

“Bị nhiều quen rồi, anh em trên đèn biển này ai mà chưa từng dính thương tích vì những cú ngã trên dốc núi này”. Tất cả tai ương ấy đều phải vượt qua, mà nói như những người gác đèn Mũi Dinh rằng xa vợ, xa con thì được chứ trạm đèn này không dám bỏ phút nào.

Đèn biển Trường Sa Lớn  -VIỄN SỰ
Đèn biển Trường Sa Lớn - Ảnh: VIỄN SỰ

Nghiệp dĩ

Mỗi người gác đèn mỗi quê khác nhau, anh Thảnh ở Thái Bình, anh Thanh ở Quảng Bình, anh Cường gốc Hải Phòng... Chỉ có trạm trưởng Phạm Văn Cơ là dân làng chài Sơn Hải ngay dưới chân núi. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung: tưởng chỉ gác chơi vài năm, vậy mà “dan díu” tới mấy mươi năm.

“Chưa kịp ngoảnh lại thì đã già rồi. Chắc gác đèn cho tới khi nào già gần bằng ngọn đèn này thì nghỉ” - anh Nguyễn Văn Thanh, người đã 33 năm trông đèn Mũi Dinh, tếu táo.

Hi sinh âm thầm

Ông Phạm Quốc Súy - tổng giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam - nói những người gác đèn biển ngoài lương theo bậc còn được hưởng các phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp đi biển... và những chế độ riêng của tổng công ty dành cho họ. Nhưng bấy nhiêu vẫn ít ỏi so với công sức và sự hi sinh của họ bỏ ra để những chuyến hải trình được an toàn. “Đã dấn vào nghiệp gác đèn là gắn mình với công việc buồn tẻ nhưng mệt nhọc, thiếu thốn. Công việc gác đèn biển là sự hi sinh âm thầm mà không nhiều người tường tận” - ông Súy nói.

Câu chuyện của anh Thanh, người có tuổi đời và “tuổi đèn” cao nhất trạm, cũng là chuyện chung của những người đàn ông tóc pha sương ở đây. Trạm trưởng Cơ kể hồi đó (năm 1983) anh đang học lớp 10, gặp lúc bão lớn quét qua làng chài Sơn Hải, nhà nghèo quá, cha anh Cơ xin được chân gác đèn biển ăn công nhật, vậy là nghỉ học đi gác đèn.

“Tưởng leo đèn kiếm cơm ăn đủ bữa, ai ngờ làm một lèo hơn 30 năm. Còn vài năm nữa nghỉ hưu rồi” - anh Cơ thiệt tình.

Còn anh Thảnh vốn là y sĩ quân y từ chiến trường Campuchia, khi giải ngũ được tạo điều kiện cho vào ngành hàng hải học lái tàu. Nhưng rồi ra trường anh Thảnh được phân công về đèn biển Mũi Dinh làm tạm chờ bố trí công việc.

Cũng tưởng chỉ “gác chơi” vài năm nhưng như một nghiệp dĩ, khi được cấp trên bố trí công việc khác thì duyên nợ với một cô gái làng chài Sơn Hải đã níu anh Thảnh ở lại. “Giờ cũng 30 năm rồi, con chị đã ra trường, còn thằng nhỏ cũng sắp đủ tuổi gác đèn” - anh Thảnh kể.

Mấy mươi năm chuyện đời được gói ghém trong vài câu chuyện nghe giản đơn. Nhưng lên đỉnh Mũi Dinh sống với những người gác đèn mới thấy bên trong những câu chuyện ngắn gọn ấy có rất nhiều cực nhọc và nỗi niềm...

Trạm trưởng Cơ bộc bạch: “Mấy anh em đã trót vô đây không lấy gái làng chài chỉ có ế thôi, thâm sơn cùng cốc mà...!”. Nghe câu chuyện duyên số như một sự chấp nhận này không biết nên vui hay buồn. Chỉ biết giờ đã cho ra đời một thế hệ, đẩy lên vai những người gác đèn xa xứ nhiều trĩu nặng.

Anh Cơ kể làng chài Sơn Hải quá heo hút, lương gác đèn không nhiều nhưng những người gác đèn ở Mũi Dinh đều ráng gửi con ra Phan Rang, Vũng Tàu, người đưa con về quê nội miền Bắc học hành đến nơi đến chốn. Nhưng gác đèn triền miên nên nhiều người không theo hết được chuyện học hành của con. Phía sau sự tếu táo về mấy mươi năm gác đèn, họ còn có chung cả nỗi trăn trở về nghiệp dĩ đã trót mang.

Rời Mũi Dinh, tôi về lại đồng bằng theo lối dốc núi mà những người gác đèn đã mòn chân. Đèn biển Mũi Dinh thinh lặng phía sau, như trăm năm qua đã thắp sự an bình cho những chuyến tàu ngoài khơi xa. Chỉ có những người gác đèn trên đỉnh Mũi Dinh - những người ở gần đèn biển nhất - hình như vẫn chưa một ngày thôi thấp thỏm về nỗi nhớ quê, về ngày mai của con cái... ■

 

Đèn biển Đá Lát ở Trường Sa  -NGUYÊN HUY
Đèn biển Đá Lát ở Trường Sa -NGUYÊN HUY

Gác đèn giữa Trường Sa

Có đến chín ngọn đèn biển đang thắp sáng mỗi đêm ở quần đảo Trường Sa. Ở đó, những người gác đèn biển cũng đến với nghề như một nghiệp dĩ. Nhưng họ còn khoác lên mình trọng trách của một người nơi đầu sóng ngọn gió để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và khẳng định chủ quyền đất nước.

Xa cách và hiểm trở nhất trong các đèn biển ở Trường Sa phải kể đến đèn biển Đá Lát. Khác với các đèn biển ở các đảo nổi được xây ngay trên đảo, đèn biển Đá Lát nằm chơ vơ giữa biển, cách đảo chìm Đá Lát hơn 300m. Anh Nguyễn Quốc Tiến, trạm trưởng đèn Đá Lát, nói mình đã đi khắp lượt các đèn biển ở Trường Sa nhưng chưa nơi nào nguy hiểm bằng đèn biển này. “Nằm giữa trùng khơi nên gió giật cấp 7-8 trạm rung lên bần bật. Còn đến cấp 10 anh em phải di tản khẩn cấp sang đảo khác trú tránh”. Anh Tiến kể chuyện nửa đêm sóng đánh trùm vào cả chỗ ngủ, phải co ro đến sáng không còn là chuyện hiếm. Những ngày nhiều mây, năng lượng mặt trời hạn chế thì mọi sinh hoạt trên đèn biển gần như “dừng lại” để ưu tiên nguồn điện cho đèn biển vào đêm tối.

Không khoác lên vai màu áo lính, nhưng anh Đặng Văn Thanh - trạm trưởng hải đăng Trường Sa - kể tất cả sinh hoạt của anh em ở đèn biển Trường Sa Lớn đều tuân theo và đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của đảo trưởng. Các anh ngoài nhiệm vụ gác đèn còn học kỹ năng của dân quân tự vệ, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống. Khác với những người gác đèn ở đất liền, anh Thanh kể nhiệm kỳ ra đảo của anh và các đồng nghiệp chỉ kéo dài hai năm, nhưng hầu hết những người gác đèn ở Trường Sa đều có thâm niên ở vùng biển này trên chục năm. Bản thân anh Thanh đã 22 năm gác đèn biển ở Trường Sa, cũng đi đủ chín ngọn đèn biển ở quần đảo này. “Các anh em gác đèn hầu hết đều quê ngoài Bắc, công ty thì lại ở miền Nam. Có về đất liền cũng được phân đi gác đèn biển từ Quảng Ngãi trở vào nên thôi xin ở lại luôn. Đằng nào cũng xa vợ, xa con rồi” - anh Thanh kể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận