13/12/2017 05:44 GMT+7

Nghiêng về phương án miễn, giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí quốc lộ 5

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT, cho biết như vậy về phương án sẽ kiến nghị lên Thủ tướng.

Nghiêng về phương án miễn, giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí quốc lộ 5 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Giảm phí thì Nhà nước cũng phải tăng sự hỗ trợ

Trước đó, lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị được giao thu phí tại 2 trạm quốc lộ 5, đã đề xuất hai phương án giảm phí trên quốc lộ 5.

Phương án 1: giảm phí cho xe nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) từ 40.000 đồng xuống 35.000 đồng. Xe nhóm 2 (xe từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2 đến dưới 4 tấn) giảm từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng. Xe nhóm 3 (xe trên 31 chỗ ngồi, xe tải 4-10 tấn) giảm từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng. Xe nhóm 4 (xe tải từ 1-18 tấn, container 20 fit) giảm từ 125.000 đồng xuống 110.000 đồng. Xe nhóm 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40 fit) giảm từ 180.000 xuống 160.000 đồng.

Nếu áp dụng mức giảm như trên trong 3 năm, từ 2018 đến 2020, sau đó tăng giá trên cơ sở mức giá mới theo lộ trình như phương án tài chính năm 2016 (3 năm tăng 1 lần, mỗi lần 18%, với mức giá xe nhóm 1 năm 2021 là 41.300 đồng), Nhà nước phải cấp bù thêm 5.200 tỉ đồng cho giai đoạn 2021-2025 bên cạnh việc cấp đầy đủ các khoản hỗ trợ cho dự án như quyết định của Thủ tướng vào năm 2007.

Nếu việc giảm giá sau 3 năm 2018 đến 2020, rồi năm 2021 tăng bằng mức giá của năm tương ứng như quy định tại phương án tài chính (xe loại 1 vào thời điểm năm 2021 là 47.200 đồng/lượt), dòng tiền dự án sẽ bị thâm hụt 456 tỉ đồng. Nhà nước phải cấp bù khoản thiếu hụt trên. Tuy nhiên, việc tăng giá đột ngột từ 35.000 đồng lên 47.000 đồng vào năm 2021 là khó khả thi.

Phương án 2: giảm phí đối với xe nhóm 1 từ 40.000 đồng xuống 30.000 đồng. Xe nhóm 2 từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng, xe nhóm 3 từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng, xe nhóm 4 từ 125.000 xuống 110.000 đồng, xe nhóm 5 từ 180.000 xuống 170.000.

Nếu mức giảm trên được duy trì trong 3 năm, đến năm 2021 tăng 18% với xe nhóm 1 có mức giá 35.400 đồng thì Nhà nước phải cấp bù thêm 5.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Nếu năm 2021 tăng mức giá xe nhóm 1 lên 47.200 đồng thì Nhà nước phải bù số tiền thâm hụt là 528 tỉ đồng. Nhưng mức tăng gần 60% đối với xe nhóm 1 vào năm 2021 được VIDIFI đánh giá không khả thi.

Với các chủ xe gần trạm thu phí, VIDIFI đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam phương án miễn hoặc giảm cho các xe nhóm 1 không kinh doanh vận tải trong phạm vi cách trạm 5km. Giảm giá 20 % cho xe kinh doanh vận tải có địa chỉ đăng ký trong phạm vi trên.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, theo phương án tài chính gốc, Nhà nước phải hỗ trợ cho VIDIFI 39% tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong đó có quyền thu phí quốc lộ 5.

Nhưng với 2 phương án giảm phí mà VIDIFI đề xuất thì sự hỗ trợ của Nhà nước phải tăng lên bên cạnh bên cạnh phương án tài chính gốc. Bởi vì, bất kể sự giảm phí nào trên quốc lộ 5 hay cao tốc cũng đều làm tăng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thẩm quyền quyết định phương án tài chính dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo các phương án báo cáo Chính phủ. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải nghiêng về phương án miễn, giảm phí cho người dân xung quanh trạm thu phí.

Nghiêng về phương án miễn, giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí quốc lộ 5 - Ảnh 2.

Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 tại Hưng Yên bị một số tài xế phản đối thời gian qua - Ảnh: QUANG TUYỀN

Nếu mua lại dự án BOT thì không có ngân sách đầu tư trong 5-7 năm tới

Trao đổi với báo chí chiều 12-12, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết để tránh quốc lộ 5 quá tải, Chính phủ buộc phải làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để đầu tư được tuyến cao tốc này, năm 2007, Thủ tướng đã có quyết định Nhà nước hỗ trợ VIDIFI không chỉ quyền thu phí trên quốc lộ 5 mà cả tiền sử dụng đất dọc hai bên đường cao tốc và 4.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng.

Năm 2009, hai trạm thu phí quốc lộ 5 được chuyển giao cho VIDIFI. Nhưng đến năm 2012 quỹ bảo trì đường bộ ra đời, Thủ tướng đồng ý bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, với trạm thu phí đã chuyển sang hỗ trợ dự án BOT như trạm quốc lộ 5 đã có cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư bằng hợp đồng nên vẫn thực hiện theo hợp đồng. Trạm thu phí trên quốc lộ 5 gắn với phương án tài chính đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên Chính phủ vẫn giữ nguyên.

"Chính sách áp dụng trên nên tảng pháp luật khi đó và Nhà nước đã cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng. Nếu hồi tố, bỏ trạm thu phí trên quốc lộ 5 thì phá vỡ phương án tài chính đã thống nhất, Nhà nước phải lấy ngân sách để bù thì không còn ngân sách để đầu tư trong 5-7 năm tới khi ngân sách chỉ đủ trả dần nếu mua lại các dự án BOT"- ông Đông cho biết.

Ông Đông còn cho biết thêm Bộ đang rà soát các dự án BOT, dự án nào điều chỉnh được sẽ điều chỉnh, miễn giảm giá được sẽ miễn giảm, đưa trạm thu phí về vị trí hợp lý được thì sẽ đưa.

Với dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, VIDIFI đề xuất giảm phí nhưng phải báo cáo Thủ tướng vì liên quan đến phương án tài chính, thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng.

Ông Đào Văn Chiến - chủ tịch HĐQT VIDIFI:

Tài xế trả tiền lẻ hay tiền chẵn VIDIFI đều thu nghiêm túc và trân trọng sự đóng góp cho dự án. Có điều lái xe vo tiền lẻ lại, đến trạm thu phí lại vuốt từng tờ để trả, có xe trả tiền mất 30 phút, cố tình làm ảnh hưởng tới những xe, cản trở giao thông.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 44.818 tỉ đồng, đã được kiểm toán.

Theo dự án ban đầu thì nhà nước hỗ trợ 39% tổng vốn đầu tư dự án. Nhưng tiền hỗ trợ từ sử dụng quỹ đất dự tính trong 6 tháng đầu năm 2018 mới đạt 4.700 tỉ đồng. Tiền Nhà nước hỗ trợ 4.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng đến nay chưa nhận được. Trong khi một ngày chúng tôi phải trả tiền lãi 8 tỉ đồng mà chỉ thu phí được 5 tỉ đồng cả đường cao tốc lẫn quốc lộ 5.

Nếu bây giờ không thu phí quốc lộ 5 nữa thì tính đến cuối vòng đời dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày, dư nợ ngân hàng sẽ lên tới 160.000 tỷ đồng. Đó là tính toán trong điều kiện kinh tế bình tường, chưa tính lạm phát. Chưa kể nếu không thu phí quốc lộ 5 thì sẽ có ít nhất 30% xe từ đường cao tốc chuyển sang đi quốc lộ 5.

Mọi người nói chỉ đi quốc lộ 5, không đi đường cao tốc vẫn phải trả phí nhưng thực ra xe đi trên quốc lộ 5 cũng được lợi. Bởi vì nếu không có đường cao tốc thì với lưu lượng xe hiện nay, đi trên quốc lộ 5 từ Hà Nội đến Hải Phòng phải mất 4-5 tiếng thay vì 2 tiếng.

Thực tế từ khi thu phí quốc lộ 5 đến nay chưa bù đắp được phần nào cho đường cao tốc. Bởi vì chúng tôi đã chi 500 tỉ đồng sửa chữa quốc lộ 5. Sang năm 2018 sẽ chi 2.000 tỉ đồng để đại tu quốc lộ 5 vì từ năm 2020 đến nay tuyến quốc lộ này chưa được đại tu, trong khi mặt đường bê tông nhựa phải đại tu sau 13 năm.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên