Một số vụ rắc rối gần đây, gây kinh động trong xã hội đều có dính đến game. Chơi đến nỗi đem trò chơi từ game ra ngoài đời, hoặc phải đi trộm cắp, thậm chí… vượt ngục để ra quán chơi game!
Nghiện game có khác nghiện ma túy, rượu?
Nghiện game là kiểu nghiện tâm lý, hành vi; trong khi nghiện ma túy, rượu là nghiện hóa chất, sinh học. Ghiền game và ghiền mạng xã hội có vẻ “đồng đạo” nhau hơn cả. Tuy khác nhưng một số điểm thì y khuôn. Tóm lại, bộ dạng lờ đờ, nhàu nhĩ, "đếch" cần đời, thì xì ke, bợm rượu, nghiện game đều như nhau cả.
Nghiện game: bệnh tâm thần?
Còn tranh cãi, nhưng nghiện game được nhìn nhận là một rối loạn tâm thần. Qua chụp cộng hưởng từ MRI, người ta nhìn tận mắt biến đổi trên thùy trán, hồi hải mã, nơi quản chế cảm xúc, hành vi của người chơi game hàng giờ. Nghiện game, gây xấu đều cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng chính “thần hồn” mới là thứ tạo bộ mặt không hay của người nghiện như nói dối, bất tuân, hoang tưởng, trầm cảm, trộm cắp...
Đâu phải game nào cũng xấu?
Có vô số đề tài game, từ trí tuệ, giáo dục, cho đến bạo lực nhưng... vô phương rạch ròi đen - trắng. Không đánh đồng, nhưng sự tệ đang bàn, phần lớn đến từ các game, tạm gọi là thiếu hướng thiện. Nhiều game chơi theo đội, có tương tác trên mạng, gần những “chiến hữu” quá lậm game, thì chuyện “gần mực thì đen” lại càng phải tính thêm.
Trẻ nghiện game như sống trong thế giới khác?
Game nhập vai luôn hấp dẫn game thủ trẻ. Run rủi có thể dùng ngay bệnh căn “nhập vai” để giải thích lắm đổ đốn ở trẻ nghiện. Game là nơi trẻ hóa anh hùng, tráng sĩ, mỹ nhân, trùm cuối… bất chấp ngoài đời chẳng là “cây đinh gỉ” gì. Là nơi trẻ thẳng tay đập phá, giết người như ngóe, thậm chí hãm hiếp/bắt cóc, bất tuân xã hội..., mà không lo rầy rà với nhà chức trách. Chuyện bắt đầu tệ ở đoạn game over, lúc trẻ quay lại đời thường. Hẫng hụt với thực tại khiến nạn nhân mọi giá quay lại chốn huy hoàng. Xong trò, trẻ ít nhiều mang “bản thể” mới về nhà. Thời gian đầu, ranh giới đủ lớn, khiến trẻ không nhầm lẫn hư - thực, nhưng dần dà lằn ranh mỏng dần, đến một lúc nào đó trẻ thật sự sống và hành xử với “bản dạng thể” do game tạo ra. Mất phương hướng, rối loạn hành vi, và đỉnh điểm là hành động y như game...
Có quá tay không, khi nhiều đứa trẻ chơi game không tệ đến thế?
Chơi khác nghiện. Sự tệ gắn với chữ “nghiện”, tức là lúc não bộ bắt đầu thương tổn, lúc rối loạn tâm thần đặt viên gạch đầu tiên. Người ta đã đưa ra những bộ “kit” hỏi - đáp sàng lọc trẻ nguy cơ mắc nghiện trong vô số game thủ. Dù thế nào, một khi đã “nhập vai” thì “nhập tâm” chỉ là chuyện sớm muộn.
Phụ huynh phòng ngừa nghiện game thế nào cho trẻ?
Chuyện từ khuya nhưng vẫn thiên thu khó chữa?
Còn gì thuận tiện hơn “không quản được thì cấm”, nhưng đây rõ là một thất bại của uy quyền. Cơ bản, người ta khuyên phụ huynh đặt roi sắt xuống và học cách... chơi game. Chỉ khi “nhập vai” cùng trẻ, ông bà bô mới biết GTA là game giang hồ phá phách, PUBG là game bắn súng góc nhìn thứ 3, thì ăn nói mới có uy, thuyết phục trẻ mới “ăn” hơn. Vì thời gian quyết định độ sâu vết hằn trên não trẻ, quyết định lằn ranh giữa “người hùng” và “nhóc hỉ mũi chưa sạch” trong đầu cậu nhỏ, nên phải “ra tay” nhanh. Dễ làm, hãy bắt đầu với kế hoạch khống chế thời gian chơi game của trẻ. 2 giờ thường là con số đề xuất. Cơ bản thế, chi tiết đòi hỏi sự vào cuộc của phụ huynh, gọi là cuộc cân não không quá lời.
Cách nào nhận ra trẻ nghiện game?
Đây là bài toán đau đầu khác. Nhiều hướng dẫn, đôi khi chi tiết không biết đâu mà lần. Tối giản, thì hãy căn cứ hai triệu chứng “chết dí” và “bất chấp” mà phăng. Trẻ sẵn sàng bỏ ăn, bỏ học, thâu đêm suốt sáng để “chết dí” vào game. Trẻ “bất chấp” tất cả, từ trốn học, nói dối, cho tới trộm cắp, cóc cần thiên hạ nói ra nói vào... Thật ra, không quá khó nhận ra một con nghiện, có điều, đến nước lồ lộ ra thì bệnh đã trầm kha lắm rồi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận