Ngày mai (6-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sẽ kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.
Đề nghị Chính phủ cố gắng thực hiện
Gửi tham luận đến sự kiện này, Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho biết theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có tổng số 15 nhiệm vụ lập pháp về quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh phụ trách theo dõi, đôn đốc với tiến độ được xác định cụ thể.
Trong 7 nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31-12-2022, có 2 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát, 5 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, xây dựng mới. Chính phủ đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ tiếp tục thực hiện.
Cụ thể là nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò là thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho biết qua hoạt động rà soát, Chính phủ cho rằng tổ chức và hoạt động, gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã có quy định tại một số luật, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Quốc phòng...
Tuy nhiên quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước chưa được toàn diện, nhiều quy định chưa cụ thể. Chính phủ đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để có kiến nghị cụ thể trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia… chỉ mới quy định mang tính nguyên tắc về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò là thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Các luật, pháp lệnh được xây dựng, thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV không có quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò là thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Về nhiệm vụ này, mặc dù Chính phủ đã hoàn thành việc rà soát nhưng lại chưa có báo cáo cụ thể.
Do đó thường trực ủy ban đề nghị Chính phủ có báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát về nhiệm vụ này. Đồng thời, nghiên cứu về việc xây dựng một đạo luật chuyên ngành để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều văn bản luật, nên đề nghị Chính phủ cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hoặc trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI như kế hoạch đã xác định.
Dự kiến trình Quốc hội sửa Luật Nghĩa vụ quân sự vào kỳ họp thứ 9
Đối với việc nghiên cứu, rà soát Luật Nghĩa vụ quân sự, theo thường trực ủy ban, Chính phủ đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát luật này.
Sau 6 năm thi hành, luật hiện hành và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân, bảo đảm đủ chỉ tiêu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên qua thực tiễn thi hành, luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Chính phủ đang chỉ đạo các bộ tiến hành lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thường trực ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về xây dựng dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025).
Đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát quy định về nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân để bảo đảm thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận