Cá bướm mắt đỏ, một trong những loài cá được ghi nhận tạo ra âm thanh dưới nước - Ảnh: sciencefriday.com/Aaron Rice
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Cornell (Mỹ) phát hiện cá giao tiếp bằng âm thanh nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây, theo nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Ichthyology & Herpetology.
Từ lâu, con người đã biết cá có thể tạo ra âm thanh. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên, do thiếu công nghệ thu âm dưới nước nên các nhà khoa học không thể biết có bao nhiêu loài cá có thể tạo ra âm thanh và liệu những âm thanh này là vô nghĩa hay thực sự là cách cá giao tiếp.
Giờ đây, ông Aaron Rice - tác giả chủ trì nghiên cứu nói trên - cho biết nhóm nghiên cứu đã biết những âm thanh đó “là phương thức giao tiếp chính của cá, chứ không phải chỉ là một vài âm thanh kỳ quặc”.
Không những vậy, phân tích của nhóm ông Rice cho thấy cá tầm cổ đại lần đầu tiên bắt đầu “trò chuyện thành tiếng” từ cách đây 155 triệu năm, cùng thời điểm một số loài chim và động vật có vú bắt đầu biết giao tiếp bằng âm thanh.
Theo nhóm nghiên cứu, một số loài cá, như cá cóc, phát ra âm thanh tương tự tiếng ếch nhái, trong khi những loài khác như cá Midshipman phát ra âm thanh trầm thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận