Phóng to |
10 năm qua, 3.113 đề tài của 6.064 SV đã tham gia giải thưởng Eureka (Thành đoàn TP.HCM). Số đề tài, số SV tham gia tăng đều từng năm. Chất lượng các công trình nghiên cứu của SV ngày một tăng, được đánh giá mang tính thực tiễn cao. Nhưng có rất ít đề tài đoạt giải được chuyển giao, ứng dụng.
Bạn Nguyễn Minh Thanh Trà (cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM, giải nhất Eureka 2007), tâm sự: “Đề tài đoạt giải nhưng không thấy ai quan tâm, đánh giá ra sao và không có phản hồi hay đề nghị hỗ trợ gì...”.
PGS.TS Bùi Văn Miên, trưởng phòng NCKH ĐH Nông lâm, cho biết: “Có hàng trăm đề tài tốt nghiệp của SV nhưng rất ít đề tài được ứng dụng. Kết quả nghiên cứu đó thường dễ bị mai một, rất lãng phí!”. Một thực tế khác là hiện nay sau khi SV ra trường không còn NCKH, chỉ một bộ phận nhỏ SV học lên cao học mới có điều kiện tiếp tục nghiên cứu. Theo TS Nguyễn Tường Long: “Các đề tài nghiên cứu của SV hiện không có tính thừa kế và không có sự giao nhận. Vì thế sau khi SV ra trường, đề tài đó cũng bị quên lãng...”.
Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc SV thiếu điều kiện tham gia NCKH, hiện nay còn thiếu chính sách động viên khuyến khích các giảng viên, các nhà khoa học đóng góp tích cực cho công tác NCKH SV và chưa có cơ chế chuyển giao ứng dụng đề tài của SV vào thực tiễn... Ngoài ra, PGS.TS Trần Hoàng Ngân còn cho rằng: “Hiện nay việc chấm đề tài NCKH của SV chỉ có các thầy cô. Việc đánh giá đề tài thường ưu tiên phương pháp nghiên cứu, cách đặt vấn đề, đầu tư công sức và tính mới… mà không đặt nặng tính ứng dụng”.
“Chúng tôi chờ đợi được chất vấn”
SV Phạm Đình Tuấn (ĐH Bách khoa TP.HCM) nói: “SV chưa đủ khả năng và điều kiện để có thể làm ra sản phẩm ứng dụng ngay được. Cần phải gắn được các doanh nghiệp tham gia với nhà trường trong công tác NCKH của SV. Rất nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn cần giải quyết... Nếu có đặt hàng, chắc chắn SV sẽ nghiên cứu có trách nhiệm hơn. Việc này Hội SV có thể làm đầu mối, tiếp nhận đặt hàng, chuyển giao đề tài của SV”.
Nguyễn Phi Tân (cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM) đề xuất: “Khi SV đăng ký đề tài, nhà trường nên nhận định đề tài nào có khả năng ứng dụng cao thì có thể đầu tư nhiều hơn (xét cấp kinh phí cao). Đồng thời, Hội SV sẽ mời gọi giới thiệu cho doanh nghiệp, tìm nguồn tài trợ SV NCKH”.
Hầu hết SV đoạt giải cao trong các giải thưởng NCKH SV đều cho rằng hội đồng giải thưởng hoặc nhà trường nên hỗ trợ SV đưa công trình về các đơn vị liên quan (sở ban ngành, doanh nghiệp). Sau khi tham khảo, nghiên cứu các đề tài, nếu cần các đơn vị sẽ liên hệ với SV. “Hội đồng ban giám khảo các giải thưởng NCKH SV cần có đại diện các ngành, đơn vị doanh nghiệp liên quan để họ cùng đánh giá nghiên cứu của SV. Chúng tôi chờ đợi được chất vấn từ các đại diện ngoài thực tế...” - Thanh Trà đề nghị.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, nên nghiệm thu, đánh giá đề tài ngay tại trường. Những đề tài có tính thực tiễn cần nhân rộng. Khi tham gia NCKH SV cần hướng vào hai mục tiêu: tính ứng dụng và rèn luyện kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cho mình”.
Còn nhiều giảng viên ở các trường ĐH khẳng định: Cần đầu tư NCKH nhiều hơn nữa và phát triển sâu rộng hơn ở các trường ĐH. NCKH sẽ tạo điều kiện cho SV học và tiếp thu sâu những nội dung bài giảng trên giảng đường kèm theo đó rèn luyện nhiều kỹ năng: làm việc nhóm, thu thập và xử lý thông tin, sử dụng máy tính... Từ đó, SV có khả năng thực hiện dự án, bảo vệ đề tài trước đám đông.
“Trong từng môn học các giáo viên nên gợi mở, khơi gợi SV quan tâm những vấn đề cần nghiên cứu. Phải nhìn nhận những vấn đề nào chính thầy cũng chưa nghiên cứu xong để SV “có cửa” nghiên cứu. Giảng viên phải luôn định hướng cho SV NCKH trong sở trường của mình, để SV được vào cuộc và cần mạnh dạn khoán cho SV nghiên cứu. Đừng đánh giá thấp SV...” - PGS. TS Ngân nói.
Anh Lê Quốc Phong - Chủ tịch Hội SV TP.HCM: “Tiếp tục làm cầu nối cho SV...” Hội SV TP.HCM luôn trăn trở, mong muốn những đề tài NCKH của SV đưa vào ứng dụng thực tế. Ở góc độ Hội SV TP.HCM, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều phương thức, giải pháp để thúc đẩy phong trào NCKH trong SV, tạo điều kiện tốt nhất cho SV NCKH. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh, phát huy vai trò của hệ thống câu lạc bộ - đội - nhóm học thuật. Trên thực tế thông qua hoạt động các câu lạc bộ giúp SV củng cố kiến thức, tìm kiếm ý tưởng NCKH. Hội SV TP.HCM đặt mục tiêu trong năm năm tới, tại các trường ở mỗi khoa có một câu lạc bộ học thuật. Hội SV TP.HCM sẽ tiếp tục làm cầu nối, giúp SV tiếp cận các điều kiện NCKH (tiếp cận nguồn tài liệu, cùng các du học sinh hỗ trợ SV nguồn tài liệu), hỗ trợ SV phương pháp NCKH (trang bị kỹ năng), thậm chí kinh phí nghiên cứu…; cung cấp SV những đặt hàng của XH đồng thời giới thiệu những ý tưởng SV đến XH. Ngoài ra, trong hoạt động tình nguyện sẽ đẩy mạnh vai trò đội hình chuyên, khuyến khích SV phát huy chuyên môn của mình gắn với việc NCKH. T.H. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận