Phóng to |
Tự bỏ tiền túi là chính
Để có đề tài “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên” (đoạt giải nhất Giải thưởng Eureka 2007 và giải II cấp Bộ GD-ĐT), nhóm SV ĐH Kinh tế TP.HCM mày mò gần một năm, chi hơn cả chục triệu đồng. Nguyễn Phi Tân (trưởng nhóm) cho biết toàn bộ chi phí thực hiện đề tài do nhóm bỏ ra. “Nếu không được gia đình ủng hộ về tài chính thì nhóm mình không thể nghiên cứu được” - Tân nói. Đó không phải trường hợp cá biệt. Bạn Lê Thị Ngọc Thanh, cựu SV ĐH Luật TP.HCM (giải nhất Giải thưởng Eureka 2005), cho biết nhóm cũng phải tự bỏ tiền khi nghiên cứu.
Mức hỗ trợ các đề tài NCKH của các trường cũng khác nhau, nhưng nhìn chung khá thấp. ĐH Nông lâm TP.HCM là một trong rất ít trường hiện nay có khoản kinh phí hỗ trợ SV NCKH. Nhưng PGS.TS Bùi Văn Miên, trưởng phòng NCKH ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng: “Với 2,5 triệu đồng, nhiều đề tài của SV không làm gì được, nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học rất tốn kém. Từ năm 2007 trường nâng mức hỗ trợ SV lên 5 triệu đồng/đề tài”.
Thạc sĩ Trần Đình Lý (ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết thêm: “Việc giải ngân cho SV NCKH cũng rất phức tạp. SV trường tôi thường phải mua các sản phẩm phục vụ nghiên cứu từ nông dân, làm sao có hóa đơn? Muốn được việc SV phải tự bỏ tiền túi...”.
Phóng to |
SV ĐH Công nghệ Sài Gòn nghiên cứu, phân tích thực phẩm tại phòng thí nghiệm - Ảnh: T.H. |
Rào cản tâm lý
Cũng như hầu hết trường ĐH hiện nay, ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ tạo điều kiện cho SV có đề tài được duyệt tham gia NCKH được vô thư viện sau ĐH, tiếp cận với sách nước ngoài và tham dự các lớp tập huấn phương pháp nghiên cứu. Nếu đoạt giải NCKH SV được khen thưởng, cộng điểm rèn luyện... Hoạt động NCKH của SV trường lớn mạnh trong những năm qua chủ yếu cũng chính từ sự năng động, hỗ trợ từ phía các câu lạc bộ học thuật (thuộc Hội SV trường).
Tuy nhiên, trong năm học 2007-2008 chỉ có 237 (trong số hơn 20.000 SV chính qui của trường) tham gia thực hiện đề tài. Trong số 246 đề tài đăng ký chỉ có 93 đề tài hoàn thành. Một cán bộ Hội SV trường thừa nhận: “Trọng tâm hoạt động của nhiều câu lạc bộ học thuật năm qua hướng đến đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho SV. Việc này giúp SV nâng cao các kỹ năng cần thiết nhưng lại dẫn đến tình trạng thiếu vắng các hoạt động học thuật chuyên sâu. Hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ SV NCKH của Đoàn - Hội các khoa cũng sút giảm so với các năm trước. Vì vậy SV khá lúng túng trong NCKH”.
Khi NCKH SV gặp rất nhiều khó khăn khác. Bạn Ngọc Thanh (ĐH Luật TP.HCM) nói: “Ở bậc ĐH không có môn phương pháp NCKH (chỉ có ở bậc cao học) nên SV không biết xây dựng dự án, dự trù kinh phí nghiên cứu khá lúng túng...”.
Một khó khăn nữa là vị thế của SV khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp... để nghiên cứu thực tế, xin số liệu. Hiện nay khi SV NCKH thường được cấp giấy giới thiệu của Đoàn trường đến các đơn vị. Nhưng với giấy giới thiệu đó SV rất khó được đón tiếp, giúp đỡ. “Nhiều nơi không muốn tiếp đón, có nơi từ chối thẳng thừng! Tôi nghĩ Hội SV cần có vai trò chính trong việc này” - Thanh Trà (cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM) đề xuất.
Điều đáng lo hơn là lâu nay ở không ít trường vẫn quan niệm NCKH SV chỉ là hoạt động phong trào. TS Hồ Viết Tiến, trưởng phòng quản lý khoa học - hợp tác quốc tế ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Việc chính của SV là học. Khi SV tham gia NCKH, chúng tôi chỉ kỳ vọng SV tập sự nghiên cứu. Đây chỉ là cuộc chơi tầm trí tuệ, là dạng khuyến khích SV...”. Theo ông Tiến, do SV không có nhiều thời gian nên phải lựa chọn học hay nghiên cứu. Thậm chí nhiều trường không yêu cầu SV NCKH mà chỉ cần SV có kỹ năng làm việc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận