Một phần còn sót lại của tuyến đường sắt cổ Phan Rang - Đà Lạt tại địa phận Đà Lạt - Ảnh: M.V.
Cụ thể, trong văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận để trả lời kiến nghị trên của cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: về chủ trương xây dựng sân bay lưỡng dụng Thành Sơn (hiện là sân bay quân sự), Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm tổ trưởng để chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá tổng thể việc chuyển sân bay quân sự Thành Sơn và một số sân bay khác thành các sân bay lưỡng dụng khai thác kết hợp quân sự - dân dụng.
Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng dự thảo trình Thủ tướng xem xét, quyết định thành lập tổ công tác. Sau khi tổ công tác được thành lập và có kết quả nghiên cứu mô hình khai thác lưỡng dụng tại các sân bay (dự kiến trong quý 3 năm 2022), căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, bộ sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 đã định hướng đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Bộ Giao thông vận tải đã giao công ty này lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến hoàn thành trước 31-12-2022. Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, đánh giá tổng thể hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai các bước tiếp theo.
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề xuất quy hoạch cảng hàng không Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha. Tổng mức đầu tư dự án sân bay Măng Đen khoảng 4.000 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.
UBND tỉnh Kon Tum đề xuất Thủ tướng giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án cảng hàng không Măng Đen theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tháng 12-2021, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện lại, trình Thủ tướng hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo dự thảo quy hoạch sẽ từng bước nâng cấp 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết) để cả nước khai thác 28 sân bay, tổng công suất 283 triệu hành khách vào năm 2030 (hiện cả nước đang khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch).
Đến năm 2050 cả nước có 31 sân bay (bổ sung sân bay quốc tế Hải Phòng và sân bay thứ 2 phía đông nam thủ đô Hà Nội).
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều địa phương đề xuất nâng công suất các sân bay hiện có, quy hoạch thêm các sân bay mới ngoài 31 sân bay nói trên.
Ngoài ra, một số địa phương đề xuất chuyển các sân bay quân sự như Biên Hòa (Đồng Nai), Thành Sơn (Ninh Thuận) thành sân bay lưỡng dụng khai thác cả quân sự và dân dụng.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, mới đây Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch tiếp thu, giải trình, hoàn thiện lại hồ sơ quy hoạch để bộ báo cáo Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận