Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985), nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Mở đầu sự kiện là những thước phim tài liệu về Xuân Thủy - nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Phim tài liệu với thời lượng 15 phút đã tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Chuyện thú vị của nhà báo Xuân Thủy khi làm báo trong tù
Nhiều câu chuyện gần gũi được các diễn giả đưa ra trong toạ đàm. Đặc biệt là chuyện nhà báo Xuân Thủy làm báo "Suối reo" trong nhà tù đế quốc được GS.TS Tạ Ngọc Tấn, phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương kể lại.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết ngay từ lúc ngoài 20 tuổi, nhà báo Xuân Thủy đã là ký giả, có bài đăng trên các báo Tin tức, Đời nay, là thông tin viên cho tờ Trung Bắc Tân văn và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí.
Bút danh Xuân Thủy ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông cho đến khi qua đời. Từ năm 1938 -1943, vì những hoạt động chống thực dân nên ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày.
Trong nhà tù Sơn La, ông cùng bạn tù là nhà báo bí mật làm tờ Suối reo. Để tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục, có khi các nhà báo phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu vực... hố xí để viết. Trong hoàn cảnh đó, chủ bút Xuân Thủy đã xuất khẩu thành thơ tếu rằng: "Đi theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn chương phải nặng mùi!"
Trong hồi ký "Suối reo năm ấy," nhà báo Xuân Thủy kể lại rằng, để "xuất bản" báo Suối reo, ông và đồng đội phải khéo léo mắc một ngọn đèn điện nhỏ vào góc nhà xa cửa ra, bịt kín lại chỉ để một lỗ nhỏ cho ánh sáng hắt xuống các trang giấy viết. Một người tù phải phục ngay cạnh cửa để sẵn sàng báo động nếu có bọn gác ngục đi tới.
Đầu năm 1944, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà, được Đảng đón đi hoạt động bí mật, phụ trách báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Từ đó, ông dành nhiều tâm sức cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc với những bài báo, trang báo, số báo nóng bỏng khí phách cách mạng, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nghiên cứu dựng tượng nhà báo Xuân Thủy
Với những công lao, đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề xuất nên nghiên cứu, dựng tượng nhà báo Xuân Thủy.
"Ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã dựng tượng nhà báo Trần Lâm, vị giám đốc, tổng biên tập đầu tiên của Đài, vậy nên thời gian tới chúng ta nên nghiên cứu dựng tượng nhà báo Xuân Thủy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc Hội Nhà báo Việt Nam. Việc này cần làm sớm để tri ân ông và cũng để giáo dục truyền thống với những người làm báo hôm nay" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Điều đặc biệt là, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi tổ chức toạ đàm cũng nằm ngay trên con đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).
Cũng tại toạ đàm, hơn 30 tài liệu, hiện vật gốc được trưng bày, kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với Báo Cứu quốc, với Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris...
Đặc biệt, nhiều tư liệu, hiện vật quý được trưng bày như: Trang phục, đồ dùng của nhà báo Xuân Thủy trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên Báo Cứu quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 8-3-1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận