Công trình nghiên cứu của PGS.TS.BS Trần Thị Bích Hương (nguyên phó khoa thận Bệnh viện Chợ Rẫy) cùng cộng sự đã giúp tăng thêm cơ hội sống cho người suy thận tiến triển nhanh. Trong ảnh: bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Ròng rã suốt 4 năm (từ 2014-2018), PGS.TS.BS TRẦN THỊ BÍCH HƯƠNG (nguyên phó khoa thận Bệnh viện Chợ Rẫy) cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu nguyên nhân tiến triển nhanh (STTTN) - một nhóm bệnh được coi là hiếm gặp.
Đề tài nghiên cứu này vừa được trao giải kiến tạo của Ủy ban giải thưởng KOVA lần thứ 16-2018. Đây được xem là công trình quy mô đầu tiên tại Việt Nam chứng minh việc tích cực chẩn đoán nguyên nhân và điều trị bệnh căn nguyên giúp bệnh nhân ngưng chạy TNT và hồi phục chức năng thận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hương nói: "Đề tài này nhằm nhắc lại một khái niệm mà bao lâu nay bị bỏ quên - đó là có nhóm bệnh nhân bị STTTN. Trong y văn thế giới từ trước đến nay chỉ chú ý đến hai nhóm bệnh là suy thận cấp và suy thận mạn.
Các bác sĩ đều có xu hướng đơn giản hóa việc điều trị bởi quan niệm một khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo (TNT) tức là quả thận đã chết, điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân buộc phải gắn bó phần đời còn lại với TNT".
Với nghiên cứu này chúng tôi đã ngăn chặn được gần 90% bệnh nhân bị suy thận sắp chạy TNT không phải chạy TNT. Đối với nhóm đã chạy TNT ít nhất 3 tháng chúng tôi hồi phục được 60% bệnh nhân không còn lệ thuộc TNT
BS TRẦN THỊ BÍCH HƯƠNG
Thận suy chưa hẳn là thận đã chết
PGS.TS Trần Thị Bích Hương chia sẻ về quá trình khám chữa cho bệnh nhân suy thận - Video: DUYÊN PHAN
* Vì đâu bác sĩ quan tâm đến đề tài này?
- Từ năm 2010, tôi gặp một trường hợp bệnh nhân nam rất trẻ, là sinh viên chuẩn bị đi du học nước ngoài bị viêm thận lupus. Lần ấy chúng tôi chỉ điều trị cứu được tính mạng nhưng không thể cứu được thận của bệnh nhân. Điều này khiến tôi thực sự day dứt.
Thế rồi năm 2012 chúng tôi bắt đầu đặt vấn đề với hội đồng y đức của Bệnh viện Chợ Rẫy xin được sinh thiết thận ở những trường hợp bệnh nhân suy thận, đang chạy thận để làm đề tài "Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hồi phục chức năng thận ở bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh".
Để đi đến đề tài nghiên cứu này, chúng tôi phải trải qua một công trình khoa học cấp cơ sở. Lúc đó có 80 bệnh nhân, trong đó 14 bệnh nhân được chỉ định phải chạy thận, đang chạy thận và thật may mắn quá trình điều trị, phục hồi chức năng thận cho tất cả 14 bệnh nhân này đều không có biến chứng.
* Điều gì khiến bà tin rằng có một nhóm bệnh nhân STTTN và quả thận của họ còn có thể cứu chữa được?
- Quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có một nhóm suy thận rất đặc biệt, không giống với suy thận cấp và suy thận mạn. Tiêu chuẩn làm cho chúng tôi tin rằng thận vẫn còn sống là kích thước quả thận trên siêu âm hoàn toàn bình thường, thậm chí là khá to.
Thông thường bác sĩ sẽ không sinh thiết một khi bệnh suy thận nặng vào giai đoạn chạy TNT. Nhưng khi tiến hành sinh thiết trên 123 bệnh nhân, chúng tôi có bằng chứng chắc chắn rằng quả thận vẫn còn "sống", một nửa số đó đang phải chạy TNT.
Và các mẫu sinh thiết đều cho kết quả trên 90% các đơn vị thận còn nguyên vẹn, hoạt động bình thường. Đây chính là minh chứng khẳng định ngay cả khi bị suy rất nặng quả thận không phải chết hoàn toàn, nó vẫn còn khả năng cứu chữa.
Bệnh nhân suy thận điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: L.ANH
* Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân của bệnh STTTN, vốn được xem là "không tồn tại" và bị "bỏ quên" bấy lâu nay?
- Trong những bệnh nhân suy thận nặng phải chạy TNT lần đầu chúng tôi tìm ra một nhóm nguyên nhân chưa được công bố ở nước ta. Đó là khoảng 80% số bệnh nhân có bằng chứng trên lâm sàng (thông qua xét nghiệm máu nhiều lần) bị nhóm bệnh vi mạch huyết khối.
Bệnh này xảy ra ở bệnh nhân STTTN do sự hiện diện của các cục máu đông ở những mạch máu rất nhỏ. Nó có thể "khởi động" khi bệnh diễn tiến nặng hoặc khi bệnh nhân rơi vào những đợt nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhân rơi vào nhóm bệnh này có trên 90% ở nhóm tuổi rất trẻ, từ 25-35 tuổi. Và đáng sợ hơn khi có tới 90% nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp điều trị.
*Đề tài nghiên cứu này được đánh giá có quy mô, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Là người tiên phong bà có chịu khó khăn áp lực gì không?
-Việc mở rộng cho nhiều đối tượng rất khó khăn bởi một khi bệnh nhân vào giai đoạn STTTN họ thường kèm theo tổn thương đa phủ tạng (suy tim, viêm phổi, nhiễm trung huyết nặng…).
Đặc biệt, hầu hết các trường hợp đều kèm theo rối loạn đông máu. Chức năng thận suy sẽ làm cho toàn bộ hệ thống miễn dịch của người bệnh trở nên mong manh, chỉ cần một chút xíu sơ suất bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh.
Do đó khi làm bất cứ một can thiệp, thủ thuật phải rất cân nhắc, tỉ mỉ. Thận trọng đến nỗi kết quả sinh thiết sau khi được chuyên gia trong nước đọc, để "chắc ăn" chúng tôi tiếp tục gửi qua Úc cho các giáo sư đọc lại một lần nữa để đảm bảo chính xác tuyệt đối.
* Đâu là điểm khác biệt trong quá trình điều trị STTTN so với cách điều trị trước đó, thưa bà?
- Trước kia đối với bệnh nhân suy thận, đặc biệt STTTN chỉ được chạy TNT, họ được chỉ định ngưng toàn bộ điều trị. Hoặc do không nhìn thấy nhóm bệnh STTTN nên người bệnh chỉ đơn thuần được sử dụng corticosteroid (corticoid) uống thông thường hoặc truyền tĩnh mạch liều cao. Điều này dẫn đến việc người bệnh mất cơ hội thoát khỏi chạy TNT, xa hơn là mất cơ hội duy trì sự sống.
Nghiên cứu lần này chúng tôi chứng minh nếu chỉ dừng lại ở việc uống corticoid hoặc dùng corticosteroid liều cao thì hầu hết bệnh nhân đều không đáp ứng (80%), không thể hồi phục chức năng thận. Do đó để điều trị tốt nhất đòi hỏi phải chuyển sang một bước điều trị phức tạp hơn rất nhiều.
Cụ thể, đối với bệnh nhân bị vi mạch huyết khối thay vì không điều trị gì hết chúng tôi theo dõi thay huyết tương (toàn bộ thể tích dịch trong cơ thể). Đồng thời sử dụng thuốc ức chế miễn dịch mạnh kèm theo dùng kháng đông toàn thân, kết hợp với chạy TNT nếu bệnh nhân được chỉ định chạy TNT.
Phác đồ thay huyết tương không theo "lối mòn" mà dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, thường thay ít nhất 5 lần và cao nhất 9 lần. Mỗi bệnh nhân có tổng thời gian theo dõi phải ít nhất một năm.
PGS.TS Trần Thị Bích Hương - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người bệnh có cơ may không phải chạy thận nhân tạo
* Bà có kỳ vọng trong tương lai đề tài này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn để ngăn chặn căn bệnh được ví là cái chết thầm lặng?
- Với nghiên cứu này chúng tôi đã ngăn chặn được gần 90% bệnh nhân bị suy thận sắp chạy TNT không phải chạy TNT. Đối với nhóm đã chạy TNT ít nhất 3 tháng, chúng tôi hồi phục được 60% bệnh nhân không còn lệ thuộc TNT.
Như vậy không chỉ tiết kiệm được chi phí chạy TNT, chúng tôi "kéo" người bệnh khỏi... án tử, tăng tuổi thọ và đặc biệt cải thiện đáng kể chất lượng sống của họ. Bởi một khi chạy TNT hẳn nhiên chất lượng sống, tuổi thọ của người bệnh sẽ giảm ít nhất 30 năm. Điều này là một kỳ tích ngoạn mục.
Chúng tôi hi vọng đây là một bước tiến chứng minh rằng chúng ta có khả năng đi sâu tìm hiểu cơ chế, căn nguyên của bệnh STTTN. Từ đó tác động đến bệnh lý căn nguyên nhằm điều trị hồi phục được một nhóm bệnh, mà nếu bị bỏ qua sẽ làm cho người bệnh tổn hại vĩnh viễn.
* Thời gian để một bệnh nhân STTTN hồi phục khi áp dụng phương pháp điều trị này là bao lâu, thưa bà?
- Tôi muốn nhấn mạnh đến một nhóm rất đặc biệt có khả năng hồi phục rất cao là nhóm viêm thận lupus xảy ra ở nữ, trẻ tuổi. Những bệnh nhân này thường có tâm lý chấp nhận "sống chung" với bệnh suốt đời nên thường ngưng thuốc để sinh con. Khi họ ngưng thuốc thì bệnh bùng phát, điều này có thể dẫn đến tình trạng STTTN.
Người bị viêm thận lupus phải vào chương trình điều trị tấn công bằng liệu pháp ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng, định kỳ mỗi tháng phải truyền thuốc. Tổng thời gian điều trị cho một trường hợp bệnh này là khoảng 2 năm. Đặc biệt lưu ý, hiệu quả hồi phục tối ưu là với bệnh nhân STTTN chưa chạy TNT hoặc chạy TNT dưới 3 tháng.
* Bà trăn trở và hạnh phúc nhất điều gì khi công bố nghiên cứu này?
- Kể từ khi kết thúc việc nghiên cứu, việc áp dụng phương pháp điều trị vẫn tiếp tục nhận bệnh nhân mới điều trị. Đặc biệt, trong năm 2018 chúng tôi nâng tỉ lệ bệnh nhân STTTN chạy TNT hồi phục lên 80%. Có nghĩa từ việc nghiên cứu và áp dụng thực tế kỹ thuật, chất lượng điều trị được cải thiện đáng kể.
Có thể nói chúng tôi là nhóm đầu tiên ở Việt Nam thử sức vào một lĩnh vực thận học rất chuyên sâu, khó. Đề tài đạt được hai mục tiêu quan trọng là bảo toàn tính mạng cho người bệnh và bảo toàn chức năng thận.
Và dù đây là tâm huyết của tôi nhưng là giải thưởng của tập thể bởi nếu không có sự quyết tâm của cả một tập thể thì không thể cứu được những người bệnh quá nặng thế này.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng - Ảnh: M.VINH
PGS.TS Vũ Đình Hùng (chủ tịch hội đồng nghiệm thu đề tài Sở KHCN TP.HCM):
Nên nhân rộng ở tuyến y tế cơ sở
Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên được đầu tư bài bản, chuyên sâu tại nước ta về bệnh STTTN mà lâu nay bị bỏ quên. Sự đóng góp này là rất lớn cho cộng đồng và riêng ngành thận học.
Tôi nghĩ rất cần phổ biến phác đồ điều trị này ở các tuyến y tế cơ sở nhằm cảnh báo phối hợp xử trí kịp thời để cứu người bệnh.
TS Nguyễn Bách (trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM):
Cần bổ sung vào bài giảng
Đề tài nghiên cứu của nhóm bác sĩ Hương rất có giá trị thực tiễn bởi không chỉ cứu được bệnh nhân còn cứu được thận cho họ. Điều này khá xa lạ ở nước ta khi chưa có nhiều bác sĩ thực sự quan tâm điều trị khiến nhiều bệnh nhân rơi vào suy thận giai đoạn cuối một cách quá uổng phí.
Ngoài giá trị thực tiễn mang lại, tôi nghĩ đề tài này cần được bổ sung vào chương trình giảng dạy học để các bác sĩ tương lai bổ sung kiến thức, khơi dậy cách nhận biết để xử trí cho người bệnh.
PGS.TS Trần Thị Bích Hương - Khoa Thận, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
PGS.TS Trần Thị Bích Hương thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị thận tại BV Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
PGS.TS Trần Thị Bích Hương thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị thận tại BV Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận