Thông tin được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp do Văn phòng Chính phủ phát hành.
Nhà máy dùng điện sạch sẽ được cấp tín chỉ xanh
Phó thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng, hoàn thiện nghị định về các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái. Bởi đây là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, bảo đảm không được thiếu điện trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ông Hà yêu cầu nghị định cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 25-4.
Về việc phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, Phó thủ tướng lưu ý đây là hệ thống được lắp đặt dưới hình thức tự sản tự tiêu.
Hệ thống này có thể đấu nối với điện lưới quốc gia hoặc hoạt động độc lập không đấu nối, có pin lưu trữ, hoặc không có pin lưu trữ, nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export tùy theo từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống.
Tuy nhiên khi lắp đặt hệ thống này phải đảm bảo nguyên tắc phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hòa giữa các loại hình nguồn điện đã được phê duyệt trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện 8; đảm bảo tuyệt đối an toàn trong vận hành với hệ thống điện quốc gia.
Các bộ ngành phối hợp với bên liên quan xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước. Trong đó lưu ý quy định rõ quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết của từng lĩnh vực có liên quan trên tinh thần một cửa liên thông, minh bạch, công khai, cải cách và rút ngắn tối đa các hồ sơ, thủ tục.
Nhiều chính sách khuyến khích năng lượng áp mái
Nghiên cứu bổ sung các cơ chế để có thể kiểm tra, giám sát, điều khiển xa với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất lớn để đảm bảo các đơn vị điều độ thuộc EVN có thể chủ động trong việc đóng cắt từ xa đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà...
Cùng đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất… để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.
Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời áp mái nhà tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác) nếu đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp thì không giới hạn quy mô phát triển.
Phó thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch điện 8 là quy hoạch mở, vì vậy trường hợp cần thiết có thể huy động bổ sung nguồn điện năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn điện khác để bảo đảm không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Khởi động chương trình "Việt Nam xanh"
Nhằm thúc đẩy thực hiện những mục tiêu đã cam kết của Việt Nam tại COP26 (đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, phát động và truyền tải các thông điệp về chống biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm tái chế và thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, kinh tế tuần hoàn… đến cộng đồng, xã hội, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO VN) và các đơn vị tổ chức thực hiện dự án "Việt Nam xanh".
Khởi động cho tuyến chương trình "Việt Nam xanh" sẽ là hội thảo với chủ đề "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh và công bố dự án Việt Nam xanh" nhằm làm rõ những cơ hội và thách thức, hành lang pháp lý cũng như phương thức để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và lễ công bố dự án Việt Nam xanh.
Chương trình hữu ích cho các doanh nghiệp, hiệp hội, người dân, bạn đọc, học sinh, sinh viên quan tâm tìm hiểu các vấn đề về tín chỉ carbon, phát thải ròng bằng 0…
Chi tiết chuỗi hoạt động dự án "Việt Nam xanh" và đăng ký tham gia hội thảo, mời bạn đọc tham khảo tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận