27/02/2018 11:25 GMT+7

Nghịch lý tiếng mẹ đẻ - Lẫn lộn Gia Long với Càn Long

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTO - Liên tục trong hơn 90 phút của gala Ngày trở về năm thứ 8, khán giả rất khó lòng rời mắt khỏi màn hình và không ít lần phải rơi lệ!

Nghịch lý tiếng mẹ đẻ - Lẫn lộn Gia Long với Càn Long - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, Daniel Hoài Tiến đã quyết chí học tiếng Việt cho thành thạo, lưu loát - Ảnh: VTV

Chương trình mang chủ đề "Cội nguồn thương nhớ", phát sóng trên VTV vào những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018. 

Một cuộc kể chuyện bằng hình ảnh về hành trình đi xuyên qua cảnh ngộ và thời cuộc, của những con người nơi xứ xa đau đáu một lòng tìm về cội nguồn đất mẹ Việt Nam.

Nghịch lý tiếng mẹ đẻ - Lẫn lộn Gia Long với Càn Long - Ảnh 2.

Hai cụ già người Kinh tại Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) - Ảnh: VTV

"Đêm nằm mơ thấy mình nói tiếng Việt"

Đó là Emma Phạm Thị Chín, rời Việt Nam năm 1973, ở tuổi lên bốn lên năm, từ cô nhi viện sang nước Úc với đôi mắt mù lòa bẩm sinh. Đó là Daniel Hoài Tiến mang dòng máu Việt nhưng sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. 

Đó là nhà văn Senegal Anne - Marie với ký ức về người mẹ Việt theo chồng là người lính viễn chinh trở về đất nước Tây Phi xa xôi và món nem rán của quê nhà.

Đó là thế hệ con cháu của những người phu mộ Việt Nam tại những đồn điền trên đảo quốc Nam Thái Bình Dương Vanuatu (Tân Đảo) từ những năm đầu của thế kỷ trước. 

Đó là những làng phố người Kinh ở Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) vốn đã rời Đồ Sơn, Hải Phòng đến đây lập làng, lập nghiệp từ 500 năm nay... 

Tất cả đều một dạ không thôi hướng về, tìm về quê cha đất tổ với những nỗ lực phi thường để giữ gìn, để nuôi dưỡng ký ức gia đình, quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong cuộc trở về sâu sắc từ chiều sâu của tâm hồn này, giữ gìn tiếng Việt chữ Việt trở thành tài sản quý giá bậc nhất trong hành trang văn hóa của mỗi con người! 

Emma "đêm nằm mơ thấy mình nói tiếng Việt", và chị đã lần mò học lại tiếng Việt khi lớn lên biết mình đã quên hết tiếng Việt. Daniel đã quyết chí học tiếng Việt và đã thành thạo, lưu loát đến mức trở thành người dẫn chương trình, người kết nối các câu chuyện trong bộ phim mà anh là một nhân vật trong đó. 

Và các cụ già ở Tam Đảo đã sưu tập, đã ghi chép, đã in thành sách, đã lập nên hội đoàn để "truyền thừa" chữ Nôm, tiếng Việt, câu ca Việt cho muôn đời con cháu nơi đất khách.

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam

TTO - Bốn tuổi bị đưa sang Úc, sống trong cảnh mù lòa, ở xứ người, nhưng người phụ nữ Việt ấy vẫn không thể nào quên tiếng mưa rơi trên mái tôn, mùi đất ẩm ở quê nhà.

Thông làu tiếng Anh, bập bẹ tiếng Việt!

Xem xong, bất giác thấy lòng đớn đau trước một thực tế đang tồn tại như một nghịch lý đến mức phi lý ngay trên đất nước ta khi hiện nay có không ít những bạn trẻ "dòng máu Lạc Hồng" trăm phần trăm, cha là người Việt, mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên ngay tại Việt Nam mà không thể nói rành tiếng Việt!

Bạn có tin không? 

Thưa đó là các bạn trẻ trong những gia đình giàu có (doanh nhân, bác sĩ, giới showbiz...) được cha mẹ cho đi học trường quốc tế ngay từ lúc còn rất nhỏ, được đầu tư "ăn ngủ" với tiếng Anh từ sáng đến tối, từ trường về đến nhà, với một mục tiêu xác định: sẽ du học. 

Và giờ đây, các bạn ấy thông làu tiếng Anh nhưng tiếng Việt chỉ ở trình độ... bập bẹ!

Có nhiều điều các bạn được học từ các giáo viên nước ngoài nói bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ, nên có em đã về nhà hỏi cha mẹ: công cuộc "đồi mồi" (đổi mới) là công cuộc gì?

Và rồi chính các em cũng đang nói một thứ tiếng Việt lơ lớ không thanh điệu. Các em thường nhầm lẫn trong cách xưng hô, gọi chị bằng anh, xưng tao với bà. 

Các em thường dùng sai từ ngữ, kiểu như thằng (con) bò trên đồng / đám (bầy) gà trong sân. Các em thường nói sai trật tự ngữ pháp, kiểu như núi đỉnh (đỉnh núi), mặt rửa (rửa mặt)...

Đáng nói hơn, chính người lớn, ông bà cha mẹ của các em, không ít người tỏ ra rất kiêu hãnh về điều này, như là một biểu hiện của đẳng cấp thượng lưu trong xã hội mới. 

Chúng tôi đã từng nghe một người phụ nữ khoe rằng: Cháu tôi nói tiếng Anh như gió, gia đình phải thuê riêng một cô giáo phụ đạo thêm tiếng Việt mà cháu nó ăn nói vẫn không rành. Bà cười, bà nói bằng một giọng điệu hết sức tự hào, không e ngại, không giấu giếm.

Được biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục - đào tạo triển khai thực hiện. 

Nhưng xem ra, chúng ta còn không ít việc phải làm cho con em mình ngay trên chính đất nước mình!

Bởi vì, hồn Việt phải bắt đầu từ tiếng Việt! Và như có người đã nói, việc bảo đảm cho thế hệ trẻ nắm vững quốc ngữ, quốc văn, quốc sử cũng là một biểu hiện bảo vệ chủ quyền quốc gia trong giáo dục của một đất nước.

Lẫn lộn Gia Long với Càn Long

Một giảng viên cộng tác nhiều năm với John Robert Powers - một trường phát triển nhân cách và tài năng ở TP.HCM - có một tâm sự rất buồn.

Rằng nhiều em đến đây, đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng vốn liếng tiếng Việt, văn Việt, sử Việt rất kém. Các em không phân biệt được nói to/nói lớn với to tiếng/lớn tiếng.

Các em không biết kiểu nói "oan Thị Mầu" là một cách nói châm biếm.

Các em lẫn lộn Gia Long với Càn Long.

Các em không thuộc chút gì ca dao tục ngữ, càng không biết gì chuyện nói đùa bằng cách chơi chữ, bằng cách nói lái...

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên