Phóng to |
PGS.TS Nguyễn Văn Huy |
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, với mong muốn tìm lại những vẻ đẹp nguyên thuỷ của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này, Bảo tàng đã mời 15 phường rối dân gian của đồng bằng Bắc Bộ biểu diễn trong một chương trình kéo dài từ tháng 3 đến hết năm 2006.
* Bảo tàng Dân tộc học tập hợp 15 phường rối từ các làng quê, mời họ lên Hà Nội biểu diễn trong một chương trình “dài hơi” như vậy, nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Trước đây, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 28 phường rối dân gian thường xuyên biểu diễn với hàng trăm tích trò. Nhưng do chiến tranh kéo dài, và sau này là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, các phường rối này không còn được duy trì nữa.
Phóng to |
Tập điều khiển con rối |
Chính hai đoàn chuyên nghiệp này đã mang rối nước VN đến với bạn bè thế giới. Họ thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài, và ngay tại Hà Nội thì sân khấu rối nước của hai nhà hát này vẫn luôn luôn sáng đèn mà vẫn không đủ phục vụ khách du lịch.
Trong khi đó, các phường rối dân gian lâm vào tình cảnh khó khăn. Từ 28 phường, sau mười năm cố gắng phục hồi, giờ đây còn 15 phường. Các phường rối dân gian hiện vẫn đang trong quá trình phục hồi, và còn nhiều gian nan.
Họ hầu như không có đất diễn và không có khán giả.
Vì vậy, mục đích chính của Bảo tàng khi mời 15 phường rối biểu diễn trong một chương trình kéo dài như vậy, là mong muốn giúp họ tìm lại công chúng, không chỉ là khách du lịch nước ngoài, mà chủ yếu là người VN, đặc biệt là đối tượng trẻ em, học sinh để các cháu có thể tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa của cha ông.
Hơn nữa, qua một thời gian biểu diễn kéo dài, nghệ nhân các phường rối cũng có thể nâng cao tay nghề, dần dần học cách biểu diễn chuyên nghiệp hơn sau những giao lưu, học hỏi.
* Thưa ông, hiện nay nội dung các vở diễn và kỹ thuật của các phường rối dân gian này có gì khác nhau và có gì khác với múa rối chuyên nghiệp?
- Điều đáng buồn là khi tìm cách khôi phục, các phường này đều phải học lại những tích rối, cách diễn từ các đoàn chuyên nghiệp. Kết cục là nội dung và kỹ thuật trình diễn của các phường đều na ná như nhau và về cơ bản thì cũng giống với múa rối chuyên nghiệp. Đó là một vấn đề đang đặt ra đối với công tác bảo tồn múa rối nước.
Thực ra thì các phường rối đều có những bí quyết riêng, do các nghệ nhân nhiều tuổi nắm giữ. Tuy nhiên, để khôi phục thì cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kinh phí vì nó liên quan cả việc tạo con rối mới, khôi phục kịch bản và thời gian tập luyện. Trong khi đó, các nghệ nhân già thì cứ lần lượt ra đi, còn lớp nghệ nhân mới hiện chỉ có thể học qua những gì có sẵn của múa rối chuyên nghiệp và các phường bạn.
Một số phường trong thời gian gần đây cũng cố gắng sáng tạo một vài tích trò riêng, nhưng chưa được đầu tư chiều sâu nên kịch bản và khâu kỹ thuật biểu diễn nói chung còn yếu.
* Như ông nói, nội dung biểu diễn của các phường rối này thì cơ bản là giống nhau và giống các đoàn chuyên nghiệp, còn kỹ thuật biểu diễn lại yếu hơn họ, vậy điều gì có thể tạo nên sức hấp dẫn để thu hút người xem đến với chương trình biểu diễn này?
Nghệ nhân Phạm Thế Toàn, Trưởng phường múa rối Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định): Ngoài việc chọn lọc và tập theo các vở của 14 phường bạn, chúng tôi cũng đã sáng tạo được một vài trò riêng cho mình. Đó là những vở diễn ngắn liên quan đến đời sống đương đại như các đề tài về dân số, HIV. Phần âm nhạc thì chúng tôi sử dụng làn điệu chèo cổ, và tự sáng tác lời. Con rối của chúng tôi có một vài điểm khác, chẳng hạn như sư tử ở các phường khác thì chỉ có mỗi cái đầu, nhưng chúng tôi có cả thân và khi điều khiển phải khéo léo hơn. Việc khôi phục các vở cũ do lớp nghệ nhân già nắm giữ rất khó khăn vì thiếu kinh phí. |
Hơn nữa, những ai biết chút ít về múa rối thì đều thấy rằng xem múa rối ở đây sẽ thú vị hơn nhiều khi môi trường biểu diễn gắn liền với cảnh quan ngoài trời, chung quanh là mái nhà Việt, hồ nước, cây xanh… gần với môi trường của rối nước nguyên thuỷ là đồng ruộng, cây đa bến nước ở làng quê.
Đặc biệt, khán giả cũng có điều kiện giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nghệ nhân, tìm hiểu thêm về nghệ thuật múa rối cũng như những băn khoăn nghề nghiệp của họ.
Đối với các em nhỏ, đến đây ngoài việc thưởng thức múa rối, còn được khám phá môn nghệ thuật này qua việc được tự mình học cách điều khiển con rối trên sân khấu thu nhỏ.
Đối với khách du lịch nước ngoài thì khi đến đây, họ cũng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và đầy đủ hơn với một nét văn hoá truyền thống độc đáo của Việt Nam. Họ có thể xem biểu diễn, tìm hiểu kỹ thuật cũng như nhiều mặt khác về múa rối qua các nghệ nhân.
* Nhưng thưa ông, sau chương trình này, liệu các nghệ nhân có được tiếp tục biểu diễn thường xuyên không, hay lại trở về với ruộng đồng và cả năm chỉ đợi để diễn một lần trong ngày hội làng?
- Năm 2006 chỉ là năm khởi đầu của chương trình này, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục mời họ biểu diễn dài kỳ trong những năm sau. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu với khách du lịch đến tận các làng quê nơi có phường rối dân gian. Du khách có thể trực tiếp thưởng thức múa rối trong chính môi trường sống của nó.
Tuy vậy, phải công nhận cái hạn chế của các phường rối dân gian là họ chưa có được lịch diễn đều đặn, và đó là công việc đang đặt ra đối với những người làm công tác bảo tồn văn hóa. Chúng ta không những phải khôi phục những giá trị đã mất của múa rối dân gian, mà chúng ta còn phải tìm lại công chúng cho nó nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận