Nghịch lý bóng đá Tây Á

HUY ĐĂNG 09/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - Cả 3 đội cùng bảng D với tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019 đều đến từ Tây Á, và nếu thầy trò HLV Park Hang Seo đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp, đối thủ của họ nhiều khả năng lại là một đội Tây Á nữa.

CĐV các quốc gia Tây Á rất cuồng nhiệt dù bóng đá là môn thể thao gây nhiều tranh cãi trong đạo Hồi. Ảnh: Footynions
CĐV các quốc gia Tây Á rất cuồng nhiệt dù bóng đá là môn thể thao gây nhiều tranh cãi trong đạo Hồi. Ảnh: Footynions

 

12/24 đội bóng tham dự VCK Asian Cup 2019 đến từ khu vực này. Nhiều thập niên qua, bóng đá Trung Đông luôn áp đảo về số lượng ở châu Á.

Tin mừng cho VN?

Vùng Tây Á áp đảo ở Asian Cup đến mức có nhiều ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng đã đến lúc nên tách châu Á làm hai - Tây Á và phần còn lại. Đây không phải chuyện lạ của bóng đá thế giới, bởi châu Mỹ cũng chia làm hai liên đoàn và giải vô địch khu vực là Nam Mỹ (Conmebol) và Bắc Mỹ - Caribê (Concacaf). Điều này nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực yếu hơn, khi các đội bóng ở đó hầu như không có cơ hội giành vé đến với những giải đấu cao nhất của châu lục và thế giới.

Nhưng đến nay, dự định này chưa thể thành hiện thực. Hồi tháng 6 rồi, LĐBĐ Tây Nam Á (SWAFF) đã ra đời, nhưng chuyện tách hẳn châu Á ra làm hai giải vô địch (như châu Mỹ) vẫn là chuyện khó có thể xảy ra. Bởi lẽ, bóng đá vùng Trung Đông - hay Tây Á - tuy áp đảo về số lượng nhưng không hề mạnh hơn phần còn lại của châu lục nếu xét đến chất lượng.

Trên bảng vàng Asian Cup, Iran, Saudi Arabia, Iraq cùng Kuwait đã mang về cả thảy 9 chức vô địch cho vùng Trung Đông. Trong khi đó, Nhật Bản 4 lần vô địch, Hàn Quốc 2 và Úc 1 lần. Nhưng tính từ năm 2000 đến nay, bóng đá Tây Á chỉ có mỗi Iraq từng vô địch. Thành tích này kém xa vùng Đông Á.

Nếu xét thành tích World Cup, Tây Á lại càng lép vế. Iran tuy đã 5 lần dự giải vô địch thế giới nhưng chưa một lần vượt qua vòng bảng. Saudi Arabia cũng mới vượt qua vòng bảng 1 lần. Trái lại, Nhật Bản và Hàn Quốc tuy đến với World Cup muộn màng nhưng lại thành công hơn hẳn.

Nếu người Hàn Quốc tự hào về chiến tích huyền thoại lọt vào bán kết ở World Cup 2002 thì Nhật Bản lại duy trì phong độ ổn định khi vượt qua vòng bảng đến 3/6 lần tham dự. Ngay cả Triều Tiên cũng từng vào tứ kết World Cup 1966.

Một điều kỳ lạ nữa của bóng đá vùng Tây Á là các đội tuyển ở đây là bại tướng quen thuộc của... VN. Ở Asian Cup 2007, VN từng thắng UAE và cầm hòa Qatar. Tại Asiad 2014, thầy trò HLV Toshiya Miura tạo nên cơn địa chấn với chiến thắng 4-1 trước Iran.

Rồi đến VCK U-23 châu Á 2018, các cầu thủ VN dưới sự dẫn dắt của HLV Park vượt qua một loạt đội bóng Trung Đông gồm Syria, Iraq và Qatar để vào đến chung kết. Tất cả những đội bóng đó đều được đánh giá cao hơn hẳn VN trước khi vào cuộc. Vì sao lại có nghịch lý này?

Nan đề Tây Á

Thật ra, bóng đá vùng Trung Đông chưa bao giờ được đánh giá cao về sự bài bản. Để đánh giá sự phát triển thực thụ của một nền bóng đá, người ta căn cứ vào giải vô địch quốc gia, hệ thống đào tạo trẻ cùng chương trình bóng đá học đường. Xét những tiêu chí này, hầu như không quốc gia nào ở Tây Á sánh được với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí là Thái Lan.

Chiến tranh và bất ổn liên miên khiến điều kiện chơi bóng của trẻ em Iraq hay Syria là cực kỳ khó khăn. Việc các quốc gia này kém phát triển về hệ thống đào tạo trẻ và bóng đá học đường là điều dễ hiểu.

Ngay cả ở những quốc gia giàu có như Saudi Arabia, Qatar, UAE, nền bóng đá cũng không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Giải vô địch những quốc gia này có tổng giá trị (dựa trên giá trị chuyển nhượng cầu thủ) rất lớn, ngang ngửa J-League hay K-League nhờ việc các đội bóng vung tiền mua về ngôi sao nước ngoài. Nhưng kết quả gặt hái thì hoàn toàn không tương xứng.

24/34 chức vô địch AFC Champions League thuộc về các CLB Đông Á, trong khi Tây Á chỉ có 7 danh hiệu.

Tất cả những mặt trái của bóng đá Tây Á khiến người ta liên tưởng đến một thế lực trong làng bóng đá thế giới - châu Phi. Thật vậy, phần lớn những quốc gia bóng đá hùng mạnh của lục địa đen như Nigeria, Cameroon, Senegal, Ai Cập... cũng không có nổi một nền bóng đá phát triển đúng nghĩa. Nhưng họ vẫn cứ mạnh, một phần quan trọng vì các cầu thủ Phi châu có rất nhiều tố chất bẩm sinh để chơi bóng hay.

Cầu thủ Tây Á khá tương đồng với châu Phi về thể trạng. Trong bóng đá, thể trạng và thể lực đương nhiên đóng vai trò quan trọng, dù không phải là tất cả. Trên thực tế, nhiều đội bóng châu Phi đủ sức gây khó dễ, thậm chí là đánh bại các đại gia châu Âu và Nam Mỹ, nhưng cũng chưa có đội tuyển nào của lục địa đen lọt vào bán kết World Cup.

Điểm lại những chiến thắng của bóng đá VN trước các đối thủ vùng Trung Đông, có thể thấy một điểm tương đồng: đối thủ thường đánh giá thấp chúng ta, để rồi vào trận ào ạt xông lên như muốn “làm gỏi” đội bóng có thể hình nhỏ bé hơn hẳn. Nhưng khi vấp phải sự chống trả quyết liệt và khôn ngoan, họ lại bắt đầu nao núng, sốt ruột, rồi hoảng loạn trước những đợt phản công...

Ở Asian Cup, HLV nổi tiếng của tuyển Iran Carlos Queiroz đã sớm phủ nhận VN khi tuyên bố các học trò của ông Park chỉ là đội bóng lót đường. Ngay cả khi VN hiện tại khó lặp lại kỳ tích đè bẹp Iran 4-1 thời ông Miura, khi bóng chưa lăn, việc coi thường đối thủ luôn là dấu hiệu của một kết quả tai hại! ■

Bóng đá là tôn giáo thứ 2

Trong cuốn The Turbulent World of Middle East Soccer (tạm dịch: Thế giới hỗn loạn của bóng đá Trung Đông), tác giả James Dorsey gọi bóng đá là tôn giáo thứ 2 của người dân khu vực này. Theo Dorsey, những người Hồi giáo bảo thủ lên án bóng đá vì cho rằng trò chơi đó “gây ra thù hận và căm ghét”, và cho rằng đó là một món giải trí lạc loài du nhập từ phương Tây. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Bóng đá trong khu vực đã thực sự là trò chơi gắn kết những người dân nghèo, và đôi khi là cả quốc gia, nhất là ở những nước đa dạng về chủng tộc, tôn giáo và chia rẽ như Iraq hay Syria.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận