07/09/2013 07:11 GMT+7

Nghịch cảnh và chữ hiếu

TR.TÂN
TR.TÂN

TT - Mẹ bị liệt nửa người hơn mười năm nay, sắp bước vào kỳ thi ĐH thì bố đột ngột qua đời. Hoàn cảnh ngặt nghèo đó xảy đến với gia đình em Ma Văn Huỳnh, tân sinh viên ngành quản lý đất đai ĐH Tây nguyên (trú buôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk).

lO81iHxw.jpgPhóng to
Vừa đi học vừa đi làm, hằng ngày Huỳnh còn xoa bóp tay chân, chăm sóc vệ sinh cho mẹ - Ảnh: Trung Tân

Cụ Bàn Thị Chuôn (65 tuổi) ở đầu buôn Yuk La 3, nói bà đã sống mấy chục năm, trải qua nhiều cái khổ nhưng “chưa thấy ai khổ như nhà nó”.

Trụ cột gia đình

Chiếc xe lăn bà Ma Thị Biển (mẹ Huỳnh) đang ngồi là vật dụng được ghép bởi chiếc ghế nhựa và khung sắt giữ hai bánh xe. Bà bị bệnh hơn mười năm nay, các cơ tay, cơ chân bị co quắp, không tự sinh hoạt được. Hơn mười năm trước bà bị tai biến. Người chồng phải bán phần lớn đất đai để lấy tiền chữa trị nhưng bà cũng không qua khỏi nên đành nằm một chỗ từ đó. Mới đây, bà con thương tình mua cho chiếc xe lăn, thỉnh thoảng các con bế lên đẩy ra ngoài sân hóng mát và nói chuyện với hàng xóm cho đỡ buồn...

“Tôi làm mẹ nhưng từ khi các con còn nhỏ không thể chăm sóc, ngược lại mọi sinh hoạt từ cơm nước, giặt giũ đều do hai con lo. Thế nhưng tai họa vẫn giáng xuống gia đình nghèo, tết vừa rồi chồng tôi bị tai nạn giao thông chết khiến gia cảnh càng thêm khốn khó” - bà Biển ngậm ngùi. Bố mất, mẹ bệnh tật, em trai còn nhỏ, mọi gánh nặng gia đình đặt lên vai Huỳnh khi mà chính em cũng đang tuổi ăn học.

Hàng xóm, nhà trường và những nhà hảo tâm trong xã Đắk Liêng cũng giúp đỡ gia đình Huỳnh vượt qua những khó khăn ban đầu để Huỳnh tiếp tục đến trường. Sau mỗi buổi học, Huỳnh đi quanh khu vực tìm việc làm thuê như bẻ bắp, làm cỏ, đào hố trồng cà phê, trụ tiêu kiếm tiền lo cho từng bữa ăn. Rồi Huỳnh đậu một lúc hai ngành (ngành khoa học cây trồng và quản lý đất đai ĐH Tây nguyên), niềm vui cũng xen lẫn nỗi bùi ngùi vì nỗi lo gạo tiền, không chỉ cho Huỳnh mà còn cho mẹ và em.

“Em chỉ lo cho mẹ”

Từ khi mẹ bệnh nằm một chỗ, Huỳnh là con trai nhưng cũng như chị cả trong nhà, từ nấu cơm, giặt quần áo, vệ sinh cho mẹ. Huỳnh cho biết: chỉ những bạn bè rất thân mới biết rõ hoàn cảnh gia đình em và rất chia sẻ. “Em cũng không sợ bị bạn bè trêu chọc là phải tắm giặt, vệ sinh cho mẹ vì đó là đạo hiếu của mọi người con, không có gì phải xấu hổ cả. Em tin ai rơi vào hoàn cảnh như em cũng sẽ làm như vậy” - Huỳnh nói.

Nói về những ngày sắp tới của mình, Huỳnh cho biết sẽ kiếm việc làm thuê kiếm tiền đi học. “Mình là thanh niên sức dài vai rộng, ai thuê gì cũng làm, sẽ có cái ăn, sẽ có tiền đi học, chỉ lo mẹ và em ở nhà...”. Huỳnh làm thuê được 120.000 đồng/ngày, cũng đủ trang trải cho cuộc sống của ba mẹ con. Mấy ngày gần đây Huỳnh không đi làm thuê nữa mà đi quanh xóm, hỏi bà con láng giềng ai cần làm việc gì em đều giúp để mai mốt đi học xa, mọi người đỡ đần mẹ và em nhỏ những lúc thiếu thốn, ốm đau. “Hàng xóm quanh đây rất thương hoàn cảnh của gia đình em, nhưng đi học xa em vẫn rất lo” - Huỳnh tâm sự.

Nhẹ gánh cho sinh viên nghèo

Có mặt tại Đà Lạt, nhiều tân sinh viên nghèo nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” cho biết ngay sau khi nhận được suất học bổng sẽ lên xe về trường để làm thủ tục nhập học, chính thức trở thành sinh viên, chấm dứt những ngày lo âu không có tiền nhập học.

Tân sinh viên Đại học Luật TP.HCM Nguyễn Tiến Lưu (xã Eam Đoanl, huyện Ma Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) đến Đà Lạt nhận học bổng mang theo cả hành lý nhập học, chỉ vài bộ quần áo và 200.000 đồng. Đây là số tiền Lưu có được từ việc bán sim điện thoại trong những ngày hè. Lưu cho biết sau khi nhận học bổng sẽ đón xe đi TP.HCM nhập trường. Lưu nói: “Nếu không có học bổng chắc giờ này em còn đi vay tiền, nếu không được chắc phải nghỉ. Giờ có học bổng rồi em chỉ muốn nhập học ngay”.

Còn với tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM Lê Kế Thanh Tùng (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), suất học bổng là cơ hội để gia đình Tùng trả nợ. Tùng kể: “Để có tiền nhập học, ba mẹ phải vay nóng. Giờ nhận học bổng xong là em chuyển về cho gia đình trả nợ, sớm chừng nào tốt chừng đó”.

Đường đến giảng đường dường như rộng hơn với những bạn trẻ quanh năm sống trong khó khăn. Những suất học bổng đã đến với sinh viên nghèo ngay đúng thời điểm họ định dừng chân trước cổng trường đại học vì nghèo khó.

MAI VINH - PHAN THÀNH

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên