Nghĩa vụ của Mỹ trong mắt các đồng minh

DANH ĐỨC 24/09/2012 22:09 GMT+7

TTCT - Chuyến đi Tokyo và Bắc Kinh đầu tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta diễn ra trong lúc Nhật Bản và Trung Quốc đang quyết liệt tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư đài). Thông điệp đầu tiên của ông Panetta ở Tokyo là “các bên hãy bình tĩnh lại và tự kiềm chế”.

Phóng to
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 18-9 - Ảnh: Reuters

Ba ngày trước khi ông đến Tokyo, tuần báo Time đã vừa “dọn đường” cho ông Panetta vừa “đón võng” ông như sau: “Thách thức lớn nhất của ông không phải là thuyết phục cho được Trung Quốc rằng Mỹ sẽ hậu thuẫn trọn vẹn đồng minh lâu đời của mình trong cuộc tranh chấp đang leo thang về những hòn đảo trên biển Đông Trung Hoa, mà là thuyết phục cho được Nhật Bản...”.

Cần rõ ràng với đồng minh và với cả “đối phương”!

“Không có bàn chuyện xây căn cứ ở Philippines. Thời đó đã qua rồi. Chỉ phái quân qua luân phiên mà thôi”

Tokyo cần được ông thuyết phục những gì? Time trích lời giáo sư Yoichiro Sato của Đại học Ritsumeikan Asia Pacific của Nhật Bản: “Có một cảm nhận ở Nhật rằng sự gắn bó với những cam kết của Mỹ với Nhật là mơ hồ”. Và hậu quả của sự mơ hồ đó là “nếu Trung Quốc nghĩ rằng Nhật hoặc Mỹ còn do dự trong việc đáp trả (Trung Quốc), thì điều đó sẽ càng làm cho người Trung Quốc thêm dạn dĩ”.

GS Sato khuyến cáo: “Tốt nhất Mỹ nên phát đi một thông điệp rõ rệt vào lúc này để sau này không phải ứng phó với một điều gì đó tồi tệ hơn”. GS Sato cảnh báo: “Nếu Nhật mất mấy hòn đảo đó mà Mỹ không đến để giúp Nhật thì sự khả tín của sự liên minh với Mỹ, không chỉ của Nhật mà còn của mọi quan hệ đồng minh khác trên toàn cầu, sẽ bị tổn thương nghiêm trọng”. Nôm na mà nói: lúc đó sẽ chẳng ai còn tin vào quan hệ đồng minh với Mỹ nữa.

Có thể hiểu hàm ý của GS Sato khi thấy sáu tàu hải giám được Trung Quốc phái đến khu vực đảo Senkaku như để phản ứng việc Chính phủ Nhật vừa quốc hữu hóa các đảo này hoặc làn sóng biểu tình chống Nhật trên đại lục. Việc cả ngàn tàu cá Trung Quốc ào ào đổ vào khu vực tranh chấp càng làm dấy lên nỗi lo sợ chiến thuật biển người tràn lên các đảo này.

Từ khi chấm dứt Thế chiến thứ hai tới giờ, đây mới là lần đầu tiên mà bóng dáng thần chiến tranh lởn vởn bên người Nhật vốn đã quen yên ổn dưới “cái dù bảo vệ” của Hiệp ước hợp tác và an ninh hỗ tương Nhật - Mỹ (1) được cụ thể hóa bằng một “lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật” (USFJ) gồm 38.000 quân trên bờ và 11.000 quân trên biển thuộc hải, lục, không quân... mà hằng năm Nhật tham gia góp khoảng 2 tỉ USD binh phí. Tất nhiên, Nhật cũng có một lực lượng phòng vệ (JSDF) đầy đủ hải, lục, không quân song hoạt động và trang bị bị “trói tay” bởi một bản hiến pháp căm ghét chiến tranh.

Có không ít thí dụ về điều mà GS Sato gọi sự “mơ hồ” của thái độ của Mỹ đối với đồng minh. Dillon Zhou, một nhà nghiên cứu Mỹ đang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu xung đột trên không gian mạng (Cyber Conflict Studies Association, Virginia) cũng đã lên tiếng ngay hôm 17-9: “Trước khi một cuộc chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật, Mỹ phải quyết định mình đứng ở đâu” (2). Dillon Zhou nêu thí dụ một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ mới hôm 11-9, trong đó phát ngôn viên Nuland cứ lúng túng trong sự mơ hồ này.

Tại đó, khi một nhà báo Trung Quốc hỏi về việc Chính phủ Nhật gọi là mua lại đảo Điếu Ngư có làm thay đổi hiện trạng ở các đảo này, bà Nuland đã trả lời: “Hãy tham khảo lại bình luận hôm qua vì hôm nay không có gì mới để thêm vào”. Nhưng khi nhà báo này nhắc “tình hình đã thay đổi rồi do lẽ Trung Quốc đã phái đến khu vực đó hai tàu tuần tiễu trong đêm qua” và hỏi thẳng: “Liệu điều đó có làm thay đổi suy nghĩ của quý vị về việc Mỹ cần làm?” - thì bà Nuland cũng chỉ nói: “Quan điểm của chúng tôi vẫn như vậy, chúng tôi muốn thấy Trung Quốc và Nhật Bản cùng vượt qua điều này”.

“Rõ ràng" thế nào?

Thông điệp trên, tiếc thay, chưa được xem là thỏa đáng trước các kỳ vọng của đồng minh châu Á. Chính vì vậy mà nhà nghiên cứu Mỹ Dillon Zhou khuyến cáo: “Mỹ cần cân nhắc lập trường và đường lối chính thức của mình trong vụ tranh chấp này và đặt câu hỏi: Lập trường của chúng ta về vụ tranh chấp các đảo Senkaku có hợp lý về mặt địa chính trị khi cần phải vừa thúc đẩy các lợi ích quốc gia của chúng ta mà vẫn đảm bảo được an ninh khu vực tại châu Á?”.

Có thể thấy các tác giả trên muốn Mỹ khẳng định rõ rệt sự ràng buộc của mình với nghĩa vụ thực thi điều 5 của hiệp ước hỗ tương nêu trên, theo đó Mỹ sẽ xem bất cứ một cuộc tấn công vũ trang trong các lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật sẽ là nguy hiểm cho chính sự an bình của Mỹ... hơn là những gì mà cho đến nay phía Mỹ đang tỏ ra qua vụ khủng hoảng Senkaku.

Tác giả Dillon Zhou nói rõ: “Mỹ có một vai trò trong vụ này, chịu trách nhiệm khởi sự vụ tranh chấp bằng việc trao quyền kiểm soát hành chính các đảo Senkaku cho Nhật dưới trào Nixon. Việc Mỹ xoay trở lại châu Á đòi hỏi một nước Mỹ can dự hơn nữa vào các công việc của châu Á, tỉ như vụ tranh chấp Senkaku, bao gồm việc bảo toàn an ninh khu vực và tái lập các quan hệ với các đồng minh cùng đối tác châu Á”.

Những cảm nhận của phía Nhật về sự “mơ hồ” trong thái độ của Mỹ cũng lặp lại nơi phía Philippines. Ngay giữa cuộc khủng hoảng trên dải Scarborough, Chủ tịch Thượng viện Phi Juan Ponce Enrile đã nổi cáu phát biểu: “Nếu Mỹ không giúp Philippines trong trường hợp Philippines bị tấn công, chúng ta có thể hủy bỏ hiệp ước phòng thủ chung”. Những tuyên bố như vậy cứ tiếp diễn, do lẽ câu hỏi đặt ra là: Mỹ có thể bảo vệ Phi trên đất liền, song không chắc trên các dải đá kia!

Không phải vô cớ mà hôm 15-9, Asia Times đăng tải dự báo bi quan của Chester Cabalza, một giáo sư Học viện Quốc phòng Philippines: “Người Mỹ ăn nói ngọt ngào lắm, song người Phi không nên dựa vào khả năng quân sự của Mỹ trong trường hợp có một cuộc xung đột với Trung Quốc. Mỹ sẽ không cứu chúng ta và cũng chẳng ra tay hào hiệp. Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của chính mình với Trung Quốc”.

Gót chân Achilles của Mỹ

Mỹ kẹt gì mà cứ “mơ hồ” trong các nghĩa vụ với đồng minh? Báo cáo “Các vấn đề thương mại Mỹ - Trung Quốc” của cơ quan nghiên cứu phục vụ Quốc hội Mỹ (CRS) (3) là câu trả lời, xin trích đăng vài chi tiết.

Năm 1981, thương mại Mỹ - Trung là 5 tỉ USD; 30 năm sau lên đến 503 tỉ, trong đó Mỹ nhập 399,3 tỉ, xuất 103,9 tỉ. Năm 1990 Mỹ nhập siêu 10 tỉ, năm ngoái nhập siêu 296 tỉ. Xuất siêu bao nhiêu, Trung Quốc mua trái phiếu Mỹ để dành: Bộ Ngân khố Mỹ ước lượng Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái nắm trong tay 1.700 tỉ USD trái phiếu chính phủ và tư nhân của Mỹ, trong đó 1.300 tỉ là công trái (từ đó đến nay đã tống khứ bớt được nên nay còn khoảng 1.200 tỉ).

Các vấn đề thương mại Mỹ - Trung cần giải quyết là vô vàn, buộc Tổng thống Bush thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 9-2006 chương trình Đối thoại chiến lược kinh tế (SED), mỗi năm họp hai kỳ để mỗi bên hàng trăm chuyên viên “cò kè thêm bớt một hai” những thỏa thuận từ những cáo buộc nhau không buôn bán sòng phẳng. Trào ông Bush họp được năm lần, sang trào ông Obama họp được bốn lần, lần mới nhất vào tháng 5 vừa qua. Mỗi lần tháo gỡ được một số rào cản.

Gần đây nhất là việc phái đoàn ông Tập Cận Bình sang Mỹ tháng 2 năm nay và phía Trung Quốc đồng ý mở cửa rộng hơn nữa thị trường cho phim ảnh Mỹ. Có những tập đoàn đang mơ giành được trong vòng đối thoại tới những tháo khoán khổng lồ, tỉ như Boeing mơ rằng từ 2001-2030 sẽ bán được cho Trung Quốc 5.000 chiếc máy bay thương mại trị giá 600 tỉ USD...!

Song quan trọng hơn cả là làm sao giữ vững số nợ khổng lồ của Trung Quốc trong tầm kiểm soát của mình do lẽ, theo báo cáo của cơ quan CRS, “Việc Trung Quốc nắm trong tay số nợ đó có thể biến số nợ đó thành công cụ giúp Trung Quốc khuynh đảo việc ban hành chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ! Tỉ như đem Đài Loan làm “con tin” (mấy năm nay có tin bán F-18 cho Đài Loan song vẫn cứ gác đó!)”.

“Thời đó đã qua rồi..."

Bao mong mỏi, nhắn nhủ đều đã được đưa ra trước chuyến đi Tokyo và Bắc Kinh của ông Panetta. Thế nhưng, khi đến Tokyo ông này vẫn điệp khúc cũ: “Chúng tôi có những nghĩa vụ đối với hiệp ước. Mọi bên hãy bình tâm lại và tự kiềm chế”.

Vì thế dễ hiểu điều mà Philippines đã và đang làm: tự lực tự cường để tồn tại. George Amurao, một cựu nhà báo Philipines nay đang làm việc tại Đại học Mahidol (Thái Lan), tháng trước đã ghi nhận: “Các đồng minh truyền thống là Mỹ và ASEAN đã không hỗ trợ Philippines đủ trong việc tự vệ chống lại Trung Quốc. Điều đó đã trở thành động cơ kích thích ký kết những hiệp ước mới hoặc tăng cường với Úc và Nhật. Chính phủ Aquino cũng đang xem xét những thỏa hiệp quốc phòng mới với Malaysia, Singapore và Brunei” (4).

Hôm 14-8 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas đã phát biểu Washington sẽ không còn tìm kiếm lập căn cứ quân sự mới ở Philippines”. Lời đô đốc Samuel J. Locklear III. Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, thuật lại các cuộc gặp với các lãnh đạo Philippines khi từ Philippines trở về Honolulu hôm 18-9 giải thích sự chọn lựa đối sách của người Philippines: “Không có bàn chuyện xây căn cứ ở Philippines. Thời đó đã qua rồi. Chỉ phái quân qua luân phiên mà thôi” (5).

Trong khi người Mỹ kêu gọi hòa hoãn thì phản ứng của Trung Quốc là một thông điệp kép: huy động 2.000 tàu cá vào khu vực tranh chấp và một bài báo “lạ” của Thời Báo Hoàn Cầu hôm thứ hai để “đón” ông Panetta, khuyên dân chúng rằng “Bạo lực chỉ có thể làm suy yếu chiến dịch chống Nhật hiện nay”. Có thể thấy “nghệ thuật” sử dụng đám đông của nhà đương cục Trung Quốc. Khi cần cương thì phất cờ xanh; khi cần tạm lắng thì phất cờ đỏ. Một khi đã muốn tấn chiếm thì đâu lý gì lại dừng, nếu như không có một lưỡi gươm Damocles treo trên đầu!

Không đợi lâu, sáng thứ ba, tàu hải giám Trung Quốc vờn quanh khu vực Senkaku, chống trả sự ngăn cản của tàu tuần tiễu Nhật Bản. Vẫn lấy thịt đè người: 10 tàu hải giám chống sáu tàu Nhật! Dường như ông Panetta chưa đáp ứng mong mỏi của giáo sư Sato hay nhà nghiên cứu Dillo Zhou để làm cho phía Trung Quốc hiểu rằng Mỹ sẽ dứt khoát can thiệp!

____________

(1) http://www.learner.org/workshops/primarysources/coldwar/docs/usjapan.html
(2) http://www.policymic.com/articles/14650/senkaku-islands-dispute-before-a-war-with-china-and-japan-sparks-us-must-decide-where-it-stands
(3) http://www.fas.org/sgp/crs/row/RL33536.pdf
(4) George Amurao, Philippines arms itself with new pacts, Asia Times Aug 2, 2012
(5) Locklear Visit Reaffirms U.S.-Philippine Alliance American Forces Press Service July 18, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận