08/08/2012 10:23 GMT+7

Nghĩa trang hạng sang

D.NGỌC HÀ - SƠN LÂM - CHÍNH THÀNH
D.NGỌC HÀ - SƠN LÂM - CHÍNH THÀNH

TT - Từ năm 2006, nhiều nghĩa trang tư nhân được các công ty đầu tư bài bản lần lượt đi vào hoạt động. Các chủ đầu tư đã khéo léo áp dụng những kinh nghiệm từ nước ngoài để thiết kế lồng ghép cảnh quan theo kiểu kết hợp nghĩa trang với công viên.

uZQw1zAa.jpgPhóng to
Dãy mộ nhà rồng ở nghĩa trang Gò Đen - Ảnh: SƠN LÂM

Cái giá của một chỗ yên nghỉ “đẹp về vị trí, tốt về phong thủy”, mộ trong công viên... có khi bằng giá một căn nhà mà nhiều người dành dụm cả đời không mua được.

Giá càng cao, càng đắt hàng

Ở nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng, giá đất một huyệt mộ đơn là 170 triệu đồng (diện tích khoảng 10m2). Bên cạnh đó, khách hàng mua huyệt còn phải đóng thêm tiền công chăm sóc vĩnh viễn 20 triệu đồng và 10 triệu đồng tiền xây kim tĩnh. Sau khi chôn người chết, giá xây mộ khoảng 40 triệu đồng (mộ phổ thông). Tổng chi phí cơ bản cho một phần mộ (240 triệu), tương đương giá trị một căn nhà của người dân ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nơi nghĩa trang này tọa lạc. Nghĩa trang này còn có khu gia viên với giá gần 500 triệu đồng/lô (chôn tối đa năm huyệt) hoặc khoảng 1,1 tỉ đồng/lô (tối đa tám huyệt), kể cả tiền công chăm sóc mộ vĩnh viễn.

Giá trọn gói một lô đất mộ rẻ nhất tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương gần 20 triệu đồng. Cao nhất là giá huyệt ở khu đồi Hàm Rồng lên tới hơn 200 triệu đồng/huyệt, giá một lô huyệt mộ gia đình (dành cho năm người) khoảng 600 triệu. Ngoài ra, ở nghĩa trang này còn có những khu vực mà người bình thường có tiền tỉ cũng không vào được là khu dành cho các danh nhân và khu dành cho lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bình Dương.

Tương tự, giá huyệt mộ của Sơn Trang Tiên Cảnh ở Tây Ninh cũng không rẻ. Giá khu mộ VIP dành cho năm người là 603 triệu đồng. Khu C có giá mềm hơn với hơn 141 triệu đồng/ khu mộ dành cho ba người. Khu mộ đôi có giá từ 181-360 triệu đồng. Đắt nhất là giá huyệt mộ ở khu G với 350 triệu đồng/lô dành tối đa cho hai người.

Giám đốc một nghĩa trang tư nhân cho biết khu vực đất huyệt mộ giá cao lại bán chạy nhất. Khách mua huyệt nhà giàu thường chọn huyệt mộ trong khu vực gia viên vì đất rộng và chủ mộ được xây dựng nhà mồ, trang trí theo ý thích. Thường thì đây là những vị khách có chút tiếng tăm, muốn chỗ người thân “nằm nghỉ” cũng hoành tráng cho xứng với địa vị xã hội của chủ mộ. Có người lại chọn đất huyệt ở mặt tiền đường chính của nghĩa trang, gần những công trình tâm linh quan trọng vì quan niệm người chết nằm ở mặt tiền, gần trung tâm thì đường công danh của con cái mới thênh thang, sáng sủa. Có người mời cả thầy phong thủy đến nghĩa trang để chọn vị trí đất huyệt cho hợp tuổi của người chết, nằm đúng hướng, hoặc chọn nơi có long mạch để con cháu làm ăn phát đạt. Khi chọn được vị trí tốt thì khách nhất quyết mua dù giá cao cỡ nào.

TDqAHD8f.jpgPhóng to

Một ngôi mộ ở nghĩa trang Sơn Trang Tiên Cảnh -Ảnh: Sơn Lâm

Đi nước ngoài học làm nghĩa trang

Ông Liễu Bình Chiến, giám đốc nghĩa trang Gò Đen, kể ông đã từng khăn gói đi nước ngoài học cách làm nghĩa trang. Nhiều người lại buồn cười vì nghĩa trang Việt Nam bao đời nay vẫn là chỗ chôn người chết, nhà ai có hậu sự là tự tìm đến liên hệ. Thế đất, giờ chôn, hướng nằm... do người nhà đi xem ở thầy phong thủy, thầy cúng hoặc ở chùa. Người quản lý nghĩa trang chỉ làm mỗi việc thu tiền đất mộ, ghi chép người “vào”, người “ra” nghĩa trang. Chuyện quản lý nghĩa trang đơn giản vậy mà cũng phải đi nước ngoài học.

Thật sự các lãnh đạo tỉnh, TP đều không muốn làm nghĩa trang to để “rước” ô nhiễm về địa phương. Người dân thì phản đối mạnh khi biết ở làng mình, xã mình bị quy hoạch một nghĩa trang to đùng. Năm 2008, một tập đoàn Hàn Quốc đã thăm dò và xin chủ trương làm dự án nghĩa trang ở một xã giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Long An, nhưng cuối cùng đã không thể triển khai vì bị người dân phản đối. Ông Nguyễn Hiền Triết, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa, chủ đầu tư Hoa viên nghĩa trang Bình Dương ở xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (Bình Dương), tiết lộ ngoài hai yếu tố trên, nếu làm nghĩa trang như truyền thống thì cũng không thể “mời” được người ở nơi khác về “nằm nghỉ”. Chính vì vậy, làm nghĩa trang văn minh kết hợp với hoa viên là cách duy nhất để giải quyết cả ba vấn đề trên.

Đội ngũ nhân viên của Hoa viên nghĩa trang Bình Dương hiện có bốn kiến trúc sư với công việc thường xuyên là tư vấn, góp ý cho các thân nhân về cách thiết kế mộ, sử dụng vật liệu xây dựng, thiết kế cảnh quan, thiết kế và bố trí vị trí các công trình văn hóa, tâm linh trong khuôn viên nghĩa trang để tạo sự hòa hợp về phong thủy, thoải mái về tâm lý. Đứng đầu ban quản lý nghĩa trang là một người am tường về mỹ thuật, phong thủy, văn hóa chôn cất của các vùng miền và các tôn giáo khác nhau...

Ban quản lý hoa viên nghĩa trang cho biết khoảng 40% diện tích đất của hoa viên được sử dụng làm đường, trồng cây, làm hồ nước và xây dựng những công trình tâm linh. Khu đất bố trí huyệt mộ nằm cạnh hoặc đan xen trong những vườn cây xanh ngút mắt.

Nghĩa trang... du lịch

Kết hợp nghĩa trang với “điểm đến du lịch” là mục tiêu mà nghĩa trang Sơn Trang Tiên Cảnh do Tập đoàn Fairy Park (Malaysia) đầu tư tại huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) hướng tới. Tập đoàn này tham vọng xây dựng nghĩa trang kết hợp với những danh thắng trong truyền thuyết để thu hút khách tham quan như hồ thủy cung, hoa quả sơn, khu cổ tích...

Ngay cả ở khu chôn cất trong nghĩa trang thì mộ của người chết cũng được ý nhị “hóa trang” rất khéo để người đến viếng không cảm thấy nặng nề, u uất. Nhà mồ ốp đá hoa cương, bên trong bài trí bàn ghế đá để khách nghỉ chân, uống trà thư giãn, phần mộ người đã khuất được bố trí trang trọng ở góc nhà. Ở khu chôn cất lộ thiên thì những bia mộ ẩn trong vùng đồi cỏ xanh mướt, bên cạnh con đường bêtông uốn lượn. Chị Thảo, một nhân viên ở đây, kể: “Ban đầu, nghe nghĩa trang tuyển nhân viên tôi ớn lắm, vì nghĩ mình sẽ suốt ngày đối diện với các bia mộ lạnh tanh và không khí nặng mùi chết chóc. Nhưng khi đi dạo thử không thấy sợ như mình nghĩ. Còn bây giờ, tôi làm việc ở nghĩa trang từ 6g-17g, trưa ngủ trong nghĩa trang cũng không có cảm giác sợ”.

Còn An Viên Vĩnh Hằng nằm trên những quả đồi nhỏ ở huyện Vĩnh Cửu. Từ đỉnh đồi, hàng trăm bậc thang nối nhau “chạy” đến tận chân đồi như ruộng bậc thang vùng Tây Bắc. Donacoop (tức Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai), chủ đầu tư nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng, muốn xây dựng nghĩa trang này như một khu đô thị. Mỗi khu vực sẽ có mẫu mộ giống nhau chỉn chu, nghiêm túc khác với khung cảnh cái cao cái thấp trong các nghĩa trang truyền thống. Người mua đất huyệt sẽ được Donacoop cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Đại diện chủ đầu tư cho hay khuôn viên nghĩa trang sẽ có nhà hàng, nhà nghỉ để đón thân nhân người dưới mộ ở xa đến viếng.

Về lâu dài, chủ đầu tư đang có kế hoạch xây dựng những nhà tang lễ tại các TP lớn như Biên Hòa, TP.HCM để phục vụ trọn gói cho “thượng đế”. Chủ đầu tư còn có tham vọng sẽ quản lý nghĩa trang bằng Internet. Thân nhân người chết có thể đặt chỗ mua đất qua mạng, thanh toán bằng tài khoản, viếng mộ qua mạng hoặc đám giỗ qua mạng cũng với hình thức tương tự.

__________________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Kỳ 2: Kỳ 3:Kỳ 4:

Kỳ tới: Nghĩa trang online

D.NGỌC HÀ - SƠN LÂM - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên