TTCT - Chỉ trong vài thập niên nữa, Facebook sẽ trở thành “mảnh đất lắm người nhiều ma” theo đúng nghĩa đen: tài khoản của người đã qua đời nhiều hơn người còn sống. Những gì thuộc về ta trên không gian ảo sẽ trở thành “di sản”, nhưng ai sẽ là người thừa hưởng chúng? Ảnh: FarmWeek Facebook hiện có khoảng 2,3 tỉ người dùng thường xuyên mỗi tháng và 1,52 tỉ người dùng mỗi ngày. Giả sử số người dùng này không thay đổi và thông tin tuổi tác họ khai trên Facebook là thông tin thật, đến năm 2100, ít nhất 1,4 tỉ tài khoản Facebook sẽ là của người đã khuất. Nghĩa địa số Đó là dự đoán của các chuyên gia tại Viện Internet Oxford (Đại học Oxford, Anh) công bố trên tuần san Big Data & Society ngày 23-4. Với cách tính toán này, chỉ trong vòng 50 năm tới, tức năm 2070, số lượng tài khoản Facebook thuộc về người không còn trên đời này nữa sẽ nhiều hơn số tài khoản của người còn sống. Nhóm nghiên cứu cũng tính toán một kịch bản thứ hai, khi lượng người dùng Facebook tiếp tục tăng trưởng như hiện tại (trung bình 13%/năm), và kết quả là đến cuối thế kỷ này sẽ có khoảng 4,9 tỉ tài khoản Facebook thuộc về người đã chết. Vấn đề đáng quan tâm nhất khi mạng xã hội thành “nghĩa trang ảo” chính là “di sản” của những người dùng Facebook khi họ mất đi sẽ ra sao. “Ai có quyền tiếp cận chỗ dữ liệu này? Trang Facebook và các dữ liệu liên quan của một người đã chết sẽ phải được quản lý như thế nào để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho gia đình, bạn bè họ? Và liệu các sử gia (tương lai) có thể tiếp cận chúng để nghiên cứu về quá khứ hay không?” - Carl Öhman, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Internet Oxford, đặt vấn đề. David Watson, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết Facebook là nơi tập hợp dữ liệu về văn hóa và hành vi con người lớn nhất trong lịch sử. Nắm được kho tư liệu này là nắm được lịch sử, và vì thế chỗ dữ liệu này dứt khoát không nên giao cho một công ty hoạt động vì lợi nhuận. Watson cho rằng cần đảm bảo các thế hệ sau này có thể sử dụng “di sản số” mà chính chúng ta ngày nay để lại trên Facebook để tìm hiểu lịch sử. “Facebook có thể mời các sử gia, nhà lưu trữ, khảo cổ học và dân tộc học tham gia vào quá trình quản lý khối lượng dữ liệu tích lũy khổng lồ trên Facebook mà chúng ta để lại khi chúng ta qua đời” - Watson gợi ý. Dữ liệu về đâu khi ta mất đi? “Di sản số” của một người, tất cả các tài khoản email, mạng xã hội và thông tin, dữ liệu của họ trên Internet sẽ ra sao khi người đó chết đi không phải là vấn đề mới. Elaine Kasket, một chuyên gia tư vấn tâm lý hiện sống tại London, đã viết quyển All the Ghosts in the Machine: Illusions of Immortality in the Digital Age (tạm dịch: Mọi hồn ma nằm trong các cỗ máy: Ảo giác về sự bất tử trong thời đại số), để phân tích các vấn đề kỹ thuật và đạo đức xoay quanh dữ liệu do ta tạo ra khi ta về trời. Trong một bài phỏng vấn với Kasket đăng trên The Guardian, tác giả Ian Tucker đã đặt vấn đề: “Giả sử ngày mai tôi bị xe buýt cán chết thì điều gì sẽ xảy ra với tài khoản Gmail và Facebook của tôi?”. Câu trả lời có thể khiến chúng ta ngạc nhiên. Theo Kasket, trong khi những người ruột thịt, thân thích nhất vẫn thường được phép tiếp quản đồ vật của người đã khuất như quần áo, thư từ, tranh ảnh, các công ty công nghệ không áp dụng điều này cho “di sản số”. Cụ thể, các nền tảng công nghệ sẽ vẫn đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu của một người ngay cả khi người đó không còn sống nữa. Vậy nếu người nhà của một người vừa mất liên hệ trực tiếp với các công ty công nghệ và yêu cầu được cấp quyền truy cập vào tài khoản của người ấy thì sao? “Các công ty sẽ từ chối và đáp rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền riêng tư của người đã khuất” - Kasket trả lời. Điều này dẫn đến tình trạng chính chúng ta phải trở thành “tin tặc”, cố gắng đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của người đã khuất, đôi khi chỉ là để có thể đăng một dòng tin thông báo rằng họ không còn trên đời nữa. Đây thật sự là vấn đề nan giải, bởi chính chúng ta khi đang còn sống, mấy ai chuẩn bị sẵn danh sách các tên đăng nhập và mật khẩu vào nhiều trang khác nhau, để phòng một mai ta không còn trên đời nữa? “Chính tôi cũng không cảm thấy thoải mái nếu phải để lại mật khẩu của mình cho người khác biết - Kasket nói - Ngay cả với những người không lưu giữ bí mật gì, việc này cũng không dễ dàng”. Nữ chuyên gia cũng dẫn ví dụ ngay cả khi nhờ sự can thiệp của luật pháp, việc gia đình tiếp quản tài khoản mạng xã hội của người mất cũng không đơn giản. Kasket dẫn trường hợp Hollie Gazzard, một thợ làm tóc người Anh, bị bạn trai cũ đâm chết hồi năm 2014. Trên Facebook của Gazzard có nhiều hình ảnh cô chụp thời còn mặn nồng với kẻ đã giết cô, và dĩ nhiên gia đình nạn nhân không muốn những bức ảnh đó tồn tại. Thế nhưng, Facebook từ chối yêu cầu xóa các bức ảnh đó vì mạng này phải “bảo vệ quyền riêng tư của Gazzard” và không cho phép trang Facebook của cô bị chỉnh sửa tùy tiện bởi ai khác ngoài cô, ngay cả khi cô đã chết. Facebook cũng cần “sắp xếp hậu sự” Nếu chúng ta từng nghĩ đến việc một mai mất đi, cần chuẩn bị, sắp xếp những gì cho người ở lại, thì Facebook hiện cũng khuyến khích người dùng chuẩn bị “hậu sự” cho tài khoản của mình trước khi khuất bóng. Facebook hiện cho phép chuyển tài khoản thường sang “tài khoản tưởng niệm” (memorialized account), với dòng chữ Remembering (tưởng nhớ), nếu chủ tài khoản đó đã chết. Facebook cho biết các nội dung người đã mất từng chia sẻ như hình ảnh, bài viết sẽ được giữ lại và hiển thị như bình thường trên tài khoản tưởng niệm của họ. Mạng xã hội này khuyến khích người dùng chọn “legacy contact” - tạm gọi là “người liên lạc coi sóc di sản” - để chăm lo tài khoản Facebook của ta khi qua đời. Người dùng cũng có thể chọn xóa hẳn tài khoản Facebook sau khi chết. Facebook nhấn mạnh sẽ không cung cấp thông tin đăng nhập vào tài khoản của người đã mất cho bất kỳ ai vì “đăng nhập vào tài khoản không phải của mình là vi phạm chính sách của Facebook”. Thay vào đó, người dùng có thể thông báo để Facebook biết chủ một tài khoản đã qua đời để mạng này xác nhận và chuyển thành trang tưởng niệm. Đã đành Facebook không muốn giảm số thành viên “đương còn tại thế” vì họ là mỏ vàng dữ liệu để bán quảng cáo, nhưng người đã khuất thì có mua bán được gì không? Theo Kasket, Facebook vẫn muốn giữ các tài khoản đó để người thân, bạn bè của người đã khuất có một nơi tưởng nhớ họ - dù là trên không gian ảo. “Một lý do khác là ngay cả khi một người không thể mua sắm gì nữa, dữ liệu của họ vẫn còn hữu ích với các công ty theo nhiều cách khác nhau” - Kasket cho biết. Sau cùng, nếu bạn muốn chuẩn bị trước việc ai sẽ chăm sóc tài khoản Facebook của mình khi về thế giới bên kia, một lời khuyên từ chuyên gia Kasket là hãy để di sản ảo của bạn càng gọn gàng càng tốt. Đâu ai muốn người thân phải lục tung hàng núi dữ liệu, thông tin không quan trọng mới thấy được những gì quý giá nhất, quan trọng nhất bạn đã để lại trên Facebook hay Gmail? Nhưng lời khuyên quý giá hơn cả, theo Kasket, là “nếu thứ gì thật sự quan trọng với bạn, thứ mà bạn muốn truyền lại cho con cháu đời sau, hãy lưu giữ chúng ở dạng hữu hình. Bạn đâu thể tin tưởng các tập đoàn sẽ bảo vệ dữ liệu của mình”.■ Trước đây ta có thể cảm thấy người đã khuất như vẫn còn đây mỗi lần đến nghĩa trang hay nhìn hũ tro cốt của họ trên bàn thờ. Trong thời đại số, người đã mất dường như vẫn hiện diện khắp nơi vì họ vẫn “sống” trong thế giới ảo. Dữ liệu của họ ở khắp chốn: không kể bài đăng trên Facebook hay Instagram, còn có bài viết nhận xét trên các trang thương mại điện tử, bình luận trên diễn đàn, những email đã gửi cho nhau... Với những người “không liên quan”, khi ta đọc một bài giới thiệu điểm đến trên TripAdvisor hay lời khuyên nên đọc quyển này quyển kia trên Goodreads, ta không thể biết người viết chúng còn hay mất. Thậm chí ta còn có thể trả lời và cảm ơn họ, như thể họ vẫn còn thực sự ở đó. Facebook rõ ràng có lý khi tạo ra tài khoản tưởng niệm. Việc nhớ đến ai đó và vào Facebook của họ, viết vài dòng tâm sự để khuây khỏa là một nhu cầu có thật. Thế nhưng vì mọi thứ đều tự động hóa, Facebook không tránh khỏi những sai sót có thể khiến những người ở lại phật lòng. Facebook từng khiến người dùng nổi giận vì hiển thị hình ảnh của người đã khuất trong phần nhắc lại “ngày này năm xưa”, làm gợi lại ký ức đau buồn. Hay như việc người dùng vẫn được Facebook nhắc sắp đến sinh nhật của người đã mất. Facebook hồi đầu tháng 4 tuyên bố đã dùng trí tuệ nhân tạo để khắc phục các vấn đề này. Tên tài khoản tưởng niệm sẽ không hiển thị trong phần tìm kiếm, gợi ý kết bạn hay nhắc sinh nhật. Tags: FacebookNghĩa địa sốNghĩa trang Facebook
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.