Ngay sau đó, bà Vinh đã tìm cách liên lạc với những người quen biết tại Quảng Bình. Một chiếc tủ thờ mới khang trang được bà nhờ người mua và mang đến nhà liệt sĩ thay cho tấm ván ép. Ly hương và tấm ảnh thờ của liệt sĩ Quyết từ đó cũng đã có chỗ tươm tất để thờ phụng.
Tâm nguyện ân tình
Nhưng nỗi đau ở Gạc Ma không chỉ có liệt sĩ Quyết mà còn 63 liệt sĩ khác cũng đã hy sinh giữa biển khơi. Bà Hồ Thị Vinh, người phụ nữ tốt bụng, nghĩ biết đâu còn những liệt sĩ Gạc Ma khác cũng đang được thờ trên những tấm ván ép như thế. Sau đó, bà đã tự mình bắt đầu một hành trình như ân tình gửi đến các liệt sĩ Gạc Ma. Đó là hành trình thay tủ thờ cho 64 liệt sĩ.
Bà Vinh năm nay đã bước qua tuổi 61. Sức khỏe không cho phép bà theo những dặm dài đất nước để đến được với từng gia đình liệt sĩ Gạc Ma để thắp lên bàn thờ các liệt sĩ một nén nhang. Nhưng cảm xúc bi tráng trong lòng bà về Gạc Ma thì vẫn vẹn nguyên. Đó là lý do bà đã khóc rất nhiều khi nhìn hình ảnh chiếc bàn thờ bằng gỗ ép cũ kỹ của liệt sĩ Quyết.
Thời điểm đó là năm 2017, khi bà đang là trưởng Ban tuyên giáo Quận ủy quận 1. Sau khi nghỉ hưu một năm sau đó, hành trình tặng tủ thờ cho các gia đình liệt sĩ Gạc Ma như gắn chặt vào người phụ nữ này. Bà liên hệ với những người quen để tìm danh sách các 64 liệt sĩ Gạc Ma. Sau đó, bà hỏi cụ thể chuyện thờ phụng của từng gia đình liệt sĩ.
Để đủ kinh phí thực hiện tâm nguyện ân tình của mình, bà "gõ cửa" những đơn vị và cá nhân quen biết để nói rõ tâm nguyện thiêng liêng mình muốn làm. Nhiều người biết trái tim bà hướng về các liệt sĩ Gạc Ma nên đã hết lòng ủng hộ, trong đó có hội thiện nguyện Nâng đỡ ước mơ ở TP.HCM. Hơn 10 chiếc tủ thờ đã được bà trao đến các gia đình liệt sĩ theo cách như thế.
"Như đợt trao tủ thờ cuối tháng 8 này có bốn tủ thờ cho gia đình liệt sĩ ở Quảng Bình và Quảng Trị, phường Nguyễn Thái Bình ở quận 1 đã đứng ra quyên góp tặng một tủ. Nhiều người khác góp vào mua những tủ thờ còn lại. Nếu không có sự chung tay tiếp sức của nhiều cá nhân, đơn vị thì chắc chắn tôi không thể thực hiện tâm nguyện này", bà Vinh trải lòng.
Bà vẫn nhớ như in thời điểm 2022, bà kết nối tặng tủ thờ cho gia đình liệt sĩ Gạc Ma Phạm Văn Lợi tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Trong số hình ảnh gửi về cho bà có hình ảnh người mẹ của liệt sĩ đã khóc khi nhận được tủ thờ cho con. Hình ảnh cảm động này làm bà có thêm động lực để tiếp tục hành trình.
"Những liệt sĩ Gạc Ma đã nằm lại giữa mênh mông biển cả của Tổ quốc. Đa số trong đó không tìm được hài cốt để đưa về chôn cất. Họ đã thiệt thòi lắm rồi, nên nơi thờ tự ở nhà phải tươm tất chút cho các liệt sĩ được ấm lòng", bà Vinh tâm sự.
Mẹ mất con, nhưng mẹ đã có chúng con
Giữa tháng 8 vừa qua, mẹ Hồ Thị Đức - mẹ của anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) - đã qua đời.
Khi mẹ mất, chỉ một ngày sau đó là mẹ được an táng. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, một nhóm gần mười cựu binh Gạc Ma đã tức tốc từ khắp nơi về bên mẹ để gặp mẹ lần cuối.
Khúc bi tráng Gạc Ma từ ngày 14-3-1988, nhưng cơ duyên gắn mẹ với những người lính Gạc Ma trở về mới thực sự bắt đầu từ năm 2014. Thời điểm đó, một đơn vị tại Ba Đồn đã đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma tại phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương.
Ông Lê Hữu Thảo, trưởng Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma, kể ông cùng một số cựu binh Gạc Ma đã về trước phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương để dự lễ. "Chúng tôi đứng quanh mộ liệt sĩ Phương. Phía trước phần mộ là 64 ngọn nến rừng rực. Những ký ức của chiến trận ùa về. Nhưng một hình ảnh làm anh em tôi nghẹn ngào. Đó là người mẹ già ngồi trầm tư bên tấm bia", ông Thảo nhớ lại.
Người mẹ đó chính là mẹ Hồ Thị Đức. Ánh mắt của mẹ Đức đã in hằn trong tâm trí của ông Thảo và những người lính Gạc Ma thời điểm đó.
Liên tiếp những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma, những cựu binh này lại trở về trước mộ liệt sĩ Phương. Và vẫn là hình bóng mẹ già đó ngồi trước mộ con. Nhưng thời gian đã dần lấy đi của mẹ Đức sức khỏe. Mẹ không đứng lên được nữa. Mẹ phải ngồi trên xe lăn. Hết nhìn làn khói hương nghi ngút trước mộ con, mẹ lại nhìn những người đồng đội của con đang trở về ngày một đông trước mộ liệt sĩ Phương bằng sự trìu mến.
Những cựu binh Gạc Ma sau đó mỗi lần đến ngày kỷ niệm đều về trước một ngày. Tối đó, họ quây quần trong ngôi nhà của mẹ Đức để trò chuyện cho mẹ vơi bớt nỗi nhớ con. Và mẹ Đức dần trở thành sự thân thuộc với các cựu binh. Mỗi lần như thế, những cựu binh đều gọi mẹ là mẹ. Và mẹ cũng gọi anh em cựu binh Gạc Ma là con. Mẹ mất đi người con trai, nhưng mẹ như có lại cả đàn con thương mến.
Tin mẹ Đức qua đời được những người con là cựu binh Gạc Ma báo cho nhau. Vì thời gian từ khi mẹ mất đến khi an táng mẹ rất ngắn nên nhiều "đứa con" của mẹ ở các tỉnh xa như Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa không thể kịp về tiễn đưa mẹ. Ban liên lạc tại Quảng Bình vẫn tập hợp được gần mười cựu binh về với mẹ tại Quảng Phúc. "May mắn cuối cùng của chúng tôi là ra vẫn kịp nhìn thấy mẹ lần cuối", cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống nói.
Những cựu binh Gạc Ma đã từng kề vai nhau cùng sống chết để bảo vệ biển đảo Tổ quốc, nên khi may mắn sống sót trở về, những người này chưa từng tiếc với nhau hai chữ nghĩa tình. Với những đồng đội đã nằm lại giữa biển khơi, họ càng ý thức hơn về giá trị của những người đồng đội. Đó là lý do mỗi lần đến dịp kỷ niệm hải chiến Gạc Ma, những cựu binh từ khắp cả nước đều gác hết mọi việc, về trước mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Phương để cùng thắp hương tưởng niệm.
Thiếu úy Phương mất đi thì những người đồng đội đã thay liệt sĩ Phương an ủi mẹ. Và khi mẹ Đức qua đời, những cựu binh này tự hứa sẽ vẫn thay liệt sĩ Phương thường xuyên về hương khói cho mẹ để liệt sĩ Phương được ấm lòng.
Liệt sĩ Trần Văn Phương ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) là một trong những liệt sĩ Gạc Ma được bà Vinh cùng nhóm thiện nguyện Nâng đỡ ước mơ tặng tủ thờ. Có chiếc tủ thờ mới này, gian thờ liệt sĩ Phương cũng ấm cúng, tươm tất hơn để mẹ già Hồ Thị Đức ngày ngày hương khói cho con. Đến giữa tháng 8 vừa qua, mẹ Đức cũng đã qua đời vì tuổi tác và các đồng đội còn sống sẽ tiếp tục hương khói cho hai mẹ con liệt sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận