04/05/2008 04:05 GMT+7

Nghĩa quân Đề Thám đi đày ở Guyane

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

TT - Đầu năm 1913, nghĩa quân Đề Thám bị bắt giam chật cứng Hỏa Lò Hà Nội. Đó là lúc lãnh tụ Hoàng Hoa Thám - mệnh danh Đề Thám - vừa bị tay sai thực dân Pháp ám hại hèn hạ trong rừng Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang đương thời.

ZScu2xJ2.jpgPhóng to
Anh hùng Đề Thám (chụp giữa năm 1898 và 1905)
TT - Đầu năm 1913, nghĩa quân Đề Thám bị bắt giam chật cứng Hỏa Lò Hà Nội. Đó là lúc lãnh tụ Hoàng Hoa Thám - mệnh danh Đề Thám - vừa bị tay sai thực dân Pháp ám hại hèn hạ trong rừng Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang đương thời.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trong hơn một phần tư thế kỷ kháng chiến trường kỳ, Đề Thám đã lãnh đạo nghĩa quân, chỉ huy đánh Pháp nhiều trận ác liệt, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối (12-1890) và Đồng Hom (2-1892). Pháp phải hai lần giảng hòa với Đề Thám vào năm 1894 và 1897.

Những năm 1898-1908, Đề Thám xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến vững mạnh. Đồng thời Đề Thám bí mật liên hệ với các lực lượng yêu nước ở ngoài Phồn Xương. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... đã hội kiến với Đề Thám và tìm cách phối hợp hành động.

bPip2sv8.jpgPhóng to

Nghĩa quân Đề Thám bị bắt làm tù binh

Đầu năm 1909, Pháp mở cuộc tấn công qui mô lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân, vì Pháp căm phẫn nghĩa quân Đề Thám đã liều về Hà Nội đánh thuốc độc quân nhân Pháp và mưu tính chiếm cứ thủ phủ thực dân. Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, di chuyển lên Thái Nguyên, Tam Đảo. Lực lượng nghĩa quân suy giảm dần và tới cuối năm 1909 thì tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong rừng Yên Thế, rồi bị tay sai của Pháp sát hại ngày 10-2-1913.

Từ 1909-1913, Pháp bắt bớ được nhiều nghĩa quân, kể cả cán bộ chỉ huy và thành viên gia đình Đề Thám. Pháp không phân biệt tù binh hay hàng binh mà đem nhốt chung vào nhà pha Hà Nội, rồi đưa ra xử cho có hình thức pháp lý và đưa sang đày tại Guyane.

Nhiều sách báo đã nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Đề Thám với những thông tin và hình ảnh khá phong phú. Tuy nhiên, còn cần thêm những thông tin để biết rõ thân phận các nghĩa quân bị lưu đày ở Guyane rồi một phần trở về đời sống thường nhật ra sao.

PpHoM11a.jpgPhóng to ZRyTxkhC.jpg

Tù binh Đề Thám tới hải cảng Alger

Nghĩa quân Đề Thám trên hải cảng Alger trước khi bị đưa đến Guyane

YG4B2Xep.jpgPhóng to
Một nghĩa quân trong nhóm Đề Thám bị hỏi cung

Những tấm ảnh này do ông Nguyễn Tấn Lộc, một người Việt sống tại Pháp, sưu tầm. Ông Lộc là người sưu tầm nhiều bức ảnh về quê hương, đất nước VN. Đặc biệt, mảng sưu tầm những bức ảnh về VN giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của ông rất có giá trị.

--------------

Để việc khai thác tài nguyên thuận tiện hơn, một con đường đá dài 300km được xây bằng sức lực tù nhân. 500 mạng người đổi 8km đường. Tù nhân phải đãi cát tìm vàng...

Kỳ tới:Con đường xương máu

..................................................................

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Họ đấu tranh chống ngoại xâm khi mọi thứ xung quanh đều là khó khăn và gian nan, trên hết chỉ là lòng yêu nước thương nòi. Nhiều người trong số họ đã mãi ra đi không có ngày trở về, cả xương cốt cũng bỏ lại xứ người. Những vị tiền bối đã ở thế giới bên kia hẳn sẽ siêu thoát khi biết được câu chuyện cảm động hôm nay, khi chúng ta đang nghĩ về họ và đang muốn làm một điều gì đó để tri ân họ.

Chúng tôi muốn nói đến một phần trách nhiệm của những người viết sử và dạy sử, thậm chí cả cách học "vẹt" theo lối mòn một chiều trước nay. Lịch sử là khám phá và chứng minh sự thật, sau đó bổ sung những gì đã được kiểm nghiệm tinh lọc. Nhưng qua bao lần thay đổi sách giáo khoa, hầu hết học sinh VN vẫn chỉ biết rằng những cuộc khởi nghĩa đầu thế kỷ 20 chống thực dân Pháp đều bị dìm trong biển máu, nhiều nghĩa quân, chí sĩ yêu nước bị giặc bắt lưu đày đi đảo xa. Lưu đày ở đâu? Họ đã sống và đấu tranh thế nào? Tôi đã hỏi rất nhiều học sinh, sinh viên - hầu như tuyệt đối không ai biết đến địa danh Guyane, nơi có nhà lao An Nam hà khắc!

Có thể nói là một trang bi thương của lịch sử cha ông đã bị lãng quên đây đó vừa được khơi dậy một phần nào qua loạt bài trên Tuổi Trẻ, điều này nêu bật lên một ý nghĩa là chúng ta cần phải "tôn tạo" và "trùng tu" thật công phu và kịp thời trang sử đó như thế nào. Trong thời đại công nghiệp, không có gì khai hóa lớp trẻ lớn hơn những chuyến về nguồn từ tâm linh nhân bản, và lần này lại là cuộc về nguồn đặc biệt từ hơn nửa vòng trái đất.

Chúng ta vẫn đang tiếp tục tìm hiểu chính mình, chính những kỳ tích của dân tộc Việt, trong đó có cả những thất bại cay đắng lẫn vinh quang chói lọi. Càng hiểu thêm sự mất mát, sự hi sinh không màng lợi danh, sự dấn thân bất chấp cái chết của thế hệ xưa trong thời kỳ đen tối nhất của dân tộc..., lớp trẻ sẽ càng thấm thía giá trị của cuộc sống thịnh vượng, hòa bình. Hẳn nhiên, đây chỉ là một góc của lịch sử đang được khai phá như báu vật trong truyền thống để nâng niu gìn giữ, để làm tròn đạo nghĩa với tiền nhân. Bởi mai kia có thể sẽ còn những phát hiện khác.

Từ loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane", những cánh rừng già thâm u xa xôi mang trong lòng nó một phần sử Việt đã được làm sống lại như mới hôm qua. Là người VN, chúng ta tự hào bao nhiêu thì càng có phần xót xa bấy nhiêu. Song, vẫn chưa muộn, khi chúng ta đồng lòng hướng về những vong hồn lẫm liệt ấy bằng hành động thiết thực. Tôi nghĩ đây là một dịp tốt cho nhiều người trẻ VN có thể chứng kiến trực tiếp huyền thoại của ông cha ta. Nên chăng, muốn trọn vẹn hơn trong việc tìm hiểu, sưu tầm và qui tập tất cả những di sản liên quan đến nhà lao độc đáo này, Tuổi Trẻ rất cần sự góp sức của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Tôi cũng đồng ý với các ý kiến đề xuất trước đây về bia tưởng niệm, tìm đưa thi thể những chiến sĩ ái quốc năm xưa về nước... Và nếu được, tôi hi vọng một ngày không xa, Tuổi Trẻ sẽ kết hợp các công ty du lịch đưa khách VN đến thăm viếng di tích Guyane bằng những tour đặc biệt.

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên