Điều kiện cơ quan rộng hẹp như thế nào thì sếp Nghĩa cũng phải ở một phòng riêng, bởi cái phòng của ổng ta nói... không thể nói nổi! Miễn bàn về sự sắp xếp và những “đồ đạc” kỳ lạ mà sếp sưu tầm, thì từ căn phòng sếp, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh lạ lẫm rất “bắt lỗ tai”: Khi thì là những tràng cười ha hả, khi thì những tiếng khóc giả diễn, khi thì những tiếng la tào lao vu vơ câu gì đó, nghe là phải bụm miệng cười!
Từ ngày sếp phát hiện ra căn bệnh ung thư, những âm thanh phát ra thường là câu ngâm nga với giọng trào lộng: “Trời hỡi khi nào ta chết đây...?”. Lúc ấy chưa ai trong phòng biết sếp có bệnh. Mình là đứa hay làm thơ tếu táo, chọc vui về sếp. Và 4 câu thơ mình nhắn chuyền cho cả phòng đọc, bắt đầu từ cái câu mà sếp cứ “la làng” hằng ngày ấy:
“Trời hỡi khi nào ta chết đây...?”
Thì chừng nào chết chừng đó hay
Đi tới đi lui, la chộn rộn
Quần lỏng mơ-tuya, tuột có ngày!
Nhiều lắm những bài thơ, mấy tản văn viết tếu táo về sếp, mà khi nghỉ hưu, mình chép từ máy cơ quan vô USB, nó bị lỗi, mất tiêu! Loáng thoáng còn nhớ mấy câu mình viết chọc khi sếp đi vắng dài ngày:
Sếp đã đi rồi sao sếp ơi!
Bàn sếp giờ không có “đứa” ngồi
Im re ỉm rẻ… ta nói… đã!
Vắng sếp, phòng vui quá xá trời!
.... ....
(và câu kết cũng còn có hậu):
Đi đã rồi về nghen sếp ơi!
Nói xấu sếp là nói chơi thôi
Sếp như dây nhợ đời lính vậy
Không sếp, thân diều lính sẽ rơi!
Hồi đó cả phòng “oán” sếp, giận sếp, ức sếp lắm bởi vì cái lệnh cấm đi làm ngày nghỉ. Làm báo nên cơ quan có chế độ: Nếu vào dịp nghỉ lễ mà ai vẫn sắp xếp đi làm được thì sẽ nhận lương gấp 3 ngày bình thường. Cả đám ham tiền, chỉ mong được đi làm ngày lễ, nhưng sếp không cho, sếp bảo ngày nghỉ phải ở nhà sum họp vui vẻ với gia đình. Cả đám ấm ức nghỉ, trong khi sếp thì vẫn đi làm! (Sau này mới thấu điều sếp bảo và... hiểu tâm trạng sếp!!!).
Khi sếp về hưu, cả phòng xúm lại làm một cái clip để tặng sếp (mà rốt cuộc thì không dám tặng). Trong đó cảnh thằng Thuần (nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần) ngồi đeo mặt nạ, giả làm sếp, lần lượt mỗi người đi đến nói một câu với sếp. Mình thì nói câu tếu táo như vầy: “Thôi, nói vậy chớ thương lắm! Về hưu rồi ráng ngồi viết văn cho giỏi bằng tui nghen!” xong kéo cái tay “sếp” ra, khoắng cây viết lên đó: “Cho chữ ký trước nè!” rồi gõ vô mặt nạ cái cốc, bỏ đi! Hahaha... Sau này mình gởi cái đoạn clip này cho sếp, ổng hông chửi mà chỉ cười!
Sếp về hưu, hằng ngày vô thư viện cơ quan ngồi viết, mỗi sáng mình pha trà xanh, thường bưng qua cho uống, có bữa sếp đi vắng, không báo trước, mình mang trà qua ngồi nói xấu sếp với mấy em thư viện. Sếp nhắn tin bảo: “Xin lỗi, tui đi vắng vài hôm mới về, phiền nhà thơ quá... Khi nào về tui qua xin, đừng nhọc công mang qua làm tui tổn thọ...”. Mình nhắn trả lời: “Haha... Nếu làm được đại ca tổn thọ thì cả đám hùn lại làm à!”. Anh nhắn lại: “Trời ơi tui bị ghét quá ơ. Bi giờ mới biết. Cũng hoan hỉ luôn!”. Mình ngậm ngùi: “Đời còn bao lâu để uống trà cùng nhau. Năm tới anh cũng không còn thấy em ở cơ quan nữa rồi. Em về rừng luyện sư tử...”. Và anh cũng ngậm ngùi: “Người quen dần dần đi hết...!”.
Và bữa nay tới lượt anh đi...
Trong những câu thơ mình viết vui về anh, có lẽ câu này là... hổng vui:
Văn Nghĩa hay bất giác cười
Để Không-Không-Thấy(*) cuộc đời lẻ loi.
Anh làm báo Cười, viết trào phúng, bạn bè đầy nhóc, chiều chiều thường lê la uống bia, phiếm chuyện... Vậy mà sao anh có cái dáng đi buồn tàng ẩn thế?!!
Mong anh sẽ có một cuộc bắt đầu mới, với nhân quả của những niềm vui mà anh mang lại cho nhiều người từ những trang viết của anh.
Thu Nguyệt
-----------
(*) Tên một nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận