Ở tuổi 28, Henzhao có được công việc sản xuất video mơ ước không chỉ của chính mình mà biết bao người tại CNBC, một kênh truyền thông lớn tại Mỹ. Mỗi sáng thức dậy, cô lao vào công việc mà bản thân nghĩ rằng "mình sinh ra để làm". Tuy nhiên, đến lúc cơ thể "rung chuông", "báo hiệu" kiệt sức, Henzhao mới có một quyết định táo bạo để "chữa lành": nghỉ việc ở tuổi 32.
Tháng 8-2022, cô mua chiếc vé một chiều đến Peru để bắt đầu hành trình khám phá các quốc gia Nam Mỹ và châu Á. Mỗi ngày với Henzhao bây giờ đích thực là một cuộc phiêu lưu, bao gồm cả những lựa chọn tốt và xấu. Cô học được nhiều bài học về sự cân bằng.
Dưới đây là những điều hối tiếc đã được Henzhao đúc kết sau chuyến đi 18 tháng của mình.
1. "Chữa lành" mà lo lắng tiền bạc đến mức bỏ lỡ trải nghiệm "có 1 không 2"
Tháng 12-2022, Henzhao đến Rio De Janeiro (Brazil). Tuy nhiên, cô ước ao vẫn ở Buenos Aires, thủ đô Argentina, để cùng ăn mừng chiến thắng World Cup của đội tuyển quốc gia nước này cùng bạn bè của mình.
Cô đặt vé máy bay từ Argentina đến Brazil sớm vài tuần vì sợ tăng giá. Ngay khi đến Rio De Janeiro, cô tiếp tục đặt chuyến bay rẻ nhất tới Bogotá, Colombia. Tuy việc này giúp Henzhao giảm kha khá chi phí di chuyển nhưng cô gái trẻ lại tiếp tục bỏ lỡ lễ hội đón năm mới tại đây. Cuối cùng, Henzhao chỉ có thể xem bạn bè tiệc tùng qua tính năng Story trên Instagram trong khách sạn.
Từ thời điểm đó, cô gái trẻ nhận ra cần phải ít nhất có một kế hoạch, có thể tùy biến dựa theo tình hình thực tế. Lo lắng quá sẽ khiến chuyến đi vơi bớt những niềm vui.
2. Tiêu gần như "sạch váy" khiến phải trì hoãn việc sinh con
Henzhao đã tiêu 34.000 USD (hơn 860 triệu đồng), là một phần đáng kể trong khoản tiết kiệm của mình, cho chuyến đi 18 tháng. Hiện tại, cô vẫn còn một chút trong tài khoản, nhưng chẳng đủ để đặt cọc mua nhà ở Los Angeles hay sinh con.
Mặc dù không hối hận về chuyến đi lẫn số tiền đã chi tiêu cho nó, nhưng Henzhao tiếc vì thiếu chuẩn bị kỹ càng, khiến cô lâm vào tình thế phải lựa chọn giữa thỏa mãn cá nhân và đảm bảo tài chính.
Lúc này, cô mới nghĩ lại: "Giá như mình đã tiết kiệm từ lúc học trung học hay lập kế hoạch chi tiết nghề nghiệp thì bây giờ đã có thể nghỉ phép tẹt ga mà chẳng nao núng".
3. Ngừng đầu tư chứng khoán hoàn toàn
Henzhao bắt đầu "chơi" cổ phiếu vào năm 2020. Cô cực kỳ phấn khởi khi thị trường liên tiếp đạt mức cao. Nhưng sau khi thị trường sụt giảm vào năm 2022, cô mất hết phần tiền lời trước đó, thậm chí "âm" vào số tiền đầu tư.
Thời điểm bắt đầu thực hiện chuyến đi, Henzhao ngừng hẳn việc đầu tư chứng khoán. Và đó là điều khiến cô cảm thấy hối tiếc khi bỏ lỡ cơ hội làm giàu "chắc mười mươi" của mình.
Nếu tiếp tục "chơi" chứng khoán trong suốt chuyến đi, chỉ cần bỏ ra 200 USD/tháng vào một quỹ chỉ số vốn hóa lớn, tiền lời chắc chắn có thể xoa dịu nỗi sợ hết tiền sau kỳ nghỉ phép. Thậm chí, số tiền này còn có thể giúp Henzhao mua thêm quần áo, những ly cocktail thơm ngon hay lựa chọn nhà hàng đẹp để ăn tối.
4. Bất cẩn với đống hành lý
Henzhao từng bật khóc nức nở bên lề đường đông đúc ở Phnom Penh, Campuchia. Hai phút trước đó, cô đi bộ qua một điểm du lịch với điện thoại đặt ở túi sau, chìm đắm trong những thanh âm trong tai nghe và cảm tưởng mình đang trên "đỉnh" của thế giới.
Đột nhiên, một bàn tay thò vào túi và giật đi chiếc iPhone chỉ mới được "hai tháng tuổi" của Henzhao. Thủ phạm bỏ chạy bằng một chiếc xe máy.
Cựu nhân viên văn phòng này cảm thấy suy sụp, bất lực và cô đơn khi không có một chiếc điện thoại. Điều quan trọng, Henzhao mất tất cả hình ảnh đã chụp ở những nơi từng qua. Ngày hôm sau, cô phải trả 800 USD cho một chiếc điện thoại mới.
Xuyên suốt chuyến đi, Henzhao từng nhiều lần mất đồ đạc và mỗi lần như vậy cô đều phải "đóng phí" để tìm mua vật dụng thay thế. Mặc dù rất tỉ mỉ về danh sách các việc cần làm và chuyến bay, nhưng cô gái trẻ lại quá bất cẩn về đồ đạc trong nhiều trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận