Trong thế giới phẳng, chuyện tha hương đi muôn phương trở nên rất phổ biến. Mỗi năm, họ về thăm nhà vào dịp Tết cổ truyền trong vài ngày ít ỏi. Nếu ai kinh tế eo hẹp, hoặc ở tận nước ngoài xa xôi, có khi mấy năm trời cũng chưa thể về đoàn tụ.
Người già ngóng cháu, cha mẹ ngóng con. Thương sao những bậc sinh thành, đôi khi nhớ con cháu mà sợ làm phiền bọn nhỏ ở nơi xa, có đau ốm cũng giấu trong người chẳng kể. Tới khi con cháu nhận tin, đã là cuộc điện thoại báo tang cần chạy về nhà gấp.
Báo hiếu không phải "đường một chiều"
Tôi là dân miền Trung, ngụ cư ở TP.HCM và trở thành mảnh ghép nhỏ của nó gần một thập niên. Những vòng quay mưu sinh cứ nắng mưa nối tiếp chẳng dám ngơi nghỉ, thậm chí có ốm đau vẫn cắn răng đi làm. Dần dà, bản thân chẳng còn đủ sức để tâm tới điều gì khác.
Những cuộc gọi về cho gia đình ngày càng thưa thớt. Có mấy ngày nghỉ lễ cũng bám trụ lại thành phố để đi làm thêm kiếm tiền. Tới khi người thân gọi vào bảo về quê ngay, ba mới mất, thì trời đất tự nhiên như đổ sập.
Lần nói chuyện cuối cùng với ba đã là một tháng trước đó, qua cuộc điện thoại vội vàng. Thậm chí tôi còn chẳng biết ba mình đã bị bệnh. Cứ tự hứa trong lòng chờ mai mốt có điều kiện sẽ mua cho ba mẹ cái này cái kia, vậy mà tới khi ba xuôi tay nhắm mắt, tôi thậm chí chưa từng mua cho ba một đôi giày hay cái áo.
Thời gian sau đó tôi sống mơ màng trong nỗi hối hận cùng cực, lần tìm lại những bức ảnh cũ hoặc là bản ghi âm giọng nói của ba. Giật mình nhận ra báo hiếu không phải "đường một chiều", cũng chẳng phải đợi tới lúc mình có điều kiện mới làm.
Đôi khi đơn giản là những cuộc gọi hỏi thăm, những chuyến nghỉ ngắn ngày để đoàn tụ, nấu cho ba mẹ bữa ăn, xoa bớt nhọc nhằn trên đôi vai gầy yếu.
Chọn cách nào đây?
Đợt trước cô Tám ngoài quê phải nhập viện để phẫu thuật, và câu chuyện của cô làm tôi thêm trăn trở về mặt khác của việc báo hiếu.
Nhà cô Tám là hộ nghèo, ngoài viện phí phải lo, việc chăm sóc cô cũng được các con đưa ra thảo luận. Người phải chăm con nhỏ, người không thể xin nghỉ phép vì đặc thù công việc. Nhà lại neo người, gần như chẳng còn sự lựa chọn nào tối ưu.
Vì đã hết phép năm, con gái đầu của cô Tám đành làm đơn xin nghỉ không lương để chăm sóc mẹ, nhưng công ty từ chối vì không có người làm thay để bàn giao trong thời gian dài. Bây giờ, hoặc là nghỉ việc, hoặc là nghỉ chăm mẹ.
Theo quy định hiện nay, nghỉ việc để chăm cha mẹ ốm đau sẽ không được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như không thuộc diện nghỉ có hưởng lương hay lý do chính đáng. Trong khi đó nếu con cái dưới 7 tuổi bị ốm đau, cha mẹ được nghỉ để chăm sóc và hưởng chính sách bảo hiểm.
Phải chăng, chúng ta đang coi việc cha mẹ chăm sóc con cái là nghĩa vụ, còn con cái chăm cha mẹ là một dạng hành xử có hay không cũng chẳng sao? Nghĩ tới đó, tôi bất giác có chút xót xa.
Dẫu biết nghỉ việc chăm cha mẹ ốm đau là điều cần thiết, nhưng như nhà cô Tám, các con của cô đều ăn bữa nay lo bữa mai, tiền viện phí đang nhờ một phần vào bảo hiểm của cô Tám, một phần vay mượn bà con lối xóm. Giờ nghỉ việc ở nhà chăm cô, rồi tiền đâu ra để lo cho cô cũng là một bài toán khó.
Báo hiếu là chuyện phải làm, nhưng có nhiều người con cũng đang vật lộn để kiếm ăn từng bữa. Nếu nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ, ngoài việc không tạo được thu nhập, chi phí chữa bệnh cũng là bài toán nan giải. Đôi khi chẳng phải họ không muốn báo hiếu, nhưng cái nghèo đè nặng trên vai.
Giải pháp trung hòa nào để việc báo hiếu được trọn vẹn và để việc làm tròn đạo hiếu được nhân rộng?
Bạn có đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết này? Mời bạn đọc để lại BÌNH LUẬN dưới đây, hoặc qua địa chỉ email [email protected].
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận