Phóng to |
Các bạn trẻ TP.HCM tham gia chương trình "Ngọn lửa tuổi trẻ" |
Tuần qua, báo Tuổi Trẻ đã chính thức khép lại “Diễn đàn tuổi 20 của chúng ta”. Đây là một diễn đàn hết sức thành công sau thành công vang dội không chỉ về mặt xuất bản của hai cuốn “nhật ký chiến tranh” của anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thùy Trâm.
Từ đây cũng làm nảy sinh một câu hỏi vì sao trong thời buổi bị phê phán là thực dụng này mà “nhật ký chiến tranh” vẫn có một sức thu hút lớn đến như vậy?
Có thể là vì trong hai cuốn nhật ký ấy đều “có lửa”, chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp làm lay động lòng người, những thông điệp “từ trái tim”… Nhưng nếu lý giải như thế thì hóa ra trước đây chúng ta chưa có, chưa đọc được những cuốn nhật ký chiến tranh như thế sao? Tôi cho rằng hoàn toàn không phải như thế, bởi ít ra trước đây báo Tuổi Trẻ cũng đã từng có chuyên mục “Hồ sơ một thế hệ”, chuyên viết về những người anh hùng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Theo tôi hai cuốn nhật ký của anh Thạc và chị Trâm có thể trở thành “sách gối đầu giường” của nhiều người vì đã xuất hiện trong lúc mà xã hội đang trong thời kỳ “khô hạn” về giá trị sống, thời kỳ mà những chuẩn mực, những giá trị nhân văn cao đẹp như sự hi sinh, sự cống hiến cho cái chung, lòng khoan dung… có vẻ như đang khủng hoảng trầm trọng.
Quả vậy, trước khi hai cuốn nhật ký xuất hiện, công luận gần như bị choáng váng trước những ổ “lắc” liên tục được khám phá, những xìcăngđan tình dục liên quan đến những “người của công chúng”, hiện tượng “khoe thân” nơi giới trẻ, những vụ sai phạm động trời liên quan đến những “người lớn đáng kính” liên tiếp bị phát hiện...
Chính vì vậy mà khi hai cuốn nhật ký với những tư tưởng cao đẹp xuất hiện, công luận như được giải tỏa một cơn khát về những giá trị sống cao đẹp của con người. Có thể nói hai cuốn nhật ký ấy như một chiếc phao được tìm thấy giữa những cơn sóng to của cái ác, cái xấu đang ngày càng nhiều trong xã hội, và do đó đã nhận được sự hưởng ứng và đồng cảm của nhiều lớp người trong xã hội.
Bên cạnh đó, sự thành công của hai cuốn nhật ký như còn muốn nói rằng hình như đã có một biến chuyển trong nhận thức nơi giới trẻ hiện nay. Quả thật qua anh Thạc và chị Trâm, chúng ta có cảm giác hình như người trẻ hôm nay đang cần những “hình mẫu lý tưởng trong đời thường” chứ không phải là những bậc thánh nhân cao vời mà người ta chỉ có thể tôn kính chứ khó noi theo được. Anh Thạc và chị Trâm là những đàn anh đàn chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công dân của mình mà ai cũng có thể học hỏi làm theo nếu có khát vọng và quyết tâm.
Anh Thạc và chị Trâm đã thuyết phục hoàn toàn giới trẻ hôm nay, bởi cái chết vì lý tưởng đã làm cho họ có đầy đủ “tư cách phát ngôn” về những điều họ gọi là lý tưởng cao đẹp mà mỗi người trong chúng ta cần và có thể vươn tới được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận