18/08/2024 09:23 GMT+7

Nghĩ về chữ hiếu nhân mùa Vu Lan: Báo hiếu không có mùa

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, chia sẻ với Tổ ấm như vậy.

Báo hiếu không có mùa - Ảnh 1.

Mùa Vu lan là dịp để nhắc nhớ hiếu đạo, để cha mẹ và con cái biết ơn nhau, sống tốt cho nhau - Ảnh: QUẢNG ĐẠO

Theo vị giảng sư trẻ này, đạo hiếu thấm nhuần trong mỗi người dân Việt, bắt đầu bằng những bài học về kính lễ, phụng dưỡng cha mẹ khi con sống và luôn tưởng nhớ khi đã khuất.

Nhân mùa Vu lan báo hiếu, đại đức THÍCH NGỘ TRÍ DŨNG dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện xoay quanh về hiếu hạnh, cách báo ơn cha mẹ ý nghĩa nhất...

* Thưa đại đức, báo hiếu là việc mỗi ngày chứ đâu cần theo mùa, đợi dịp gì?

Báo hiếu không có mùa - Ảnh 2.

Đại đức THÍCH NGỘ TRÍ DŨNG

- Đúng vậy! Báo hiếu là bổn phận của mỗi người con trong suốt cuộc đời này, mọi lúc, mọi nơi, như Đức Phật đã chỉ dạy: "Cho dù hai vai cõng cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di, trải qua trăm ngàn kiếp cũng chưa đền đáp được ơn đức của cha mẹ".

Lời dạy ngắn của Đức Phật đủ để ta thấy còn cơ hội là ta vẫn còn tiếp tục báo hiếu, chứ việc báo hiếu mẹ cha chưa khi nào là đủ cả.

Còn vào tháng 7 hay rằm tháng 7 chỉ là một dịp để chúng ta cùng nhau ngồi lại, nhắc lại, ôn lại về công ơn, cách báo hiếu cho cha mẹ theo lời Phật dạy gắn liền với pháp Vu lan bồn, tích truyện Mục Kiền Liên cứu mẹ - vốn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Theo đó, dịp này, mọi người thường về chùa để có thể hiểu được sâu sắc hơn về cách báo hiếu mẹ cha của một người con Phật. Vì vậy, tháng 7 được xem là "mùa báo hiếu" trong ý nghĩa nhắc nhớ này.

Thật ra mà nói, cha mẹ chưa bao giờ tính đếm với chúng ta theo kiểu cho một phải trả một, mà tình thương của cha mẹ lúc nào cũng là tình thương vô điều kiện. Cho nên, dù là vật chất hay tinh thần, cái ba mẹ cần nhất vẫn là cái tâm hiếu thảo, luôn thương yêu hướng về cha mẹ của những người con.
Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng

* Vậy bạn trẻ cần làm gì để báo hiếu một cách thiết thực nhất?

- Thiết thực nhất trong hiện tại này đó là bằng những gì mình có thể làm được, mang lại hạnh phúc cho cha mẹ trong cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Theo tôi, bạn có thể báo hiếu bằng các việc làm cụ thể như cung cấp cho ba mẹ các vật dụng cần thiết bằng chính sức lực của mình làm ra, chăm sóc ba mẹ khi ba mẹ bệnh, luôn bên cạnh tâm sự chia sẻ cùng ba mẹ (nếu ở xa có thể thường xuyên gọi điện, thăm hỏi), vâng lời ba mẹ, thực hiện các tâm nguyện của ba mẹ...

Thật ra mà nói, cha mẹ chưa bao giờ tính đếm với chúng ta theo kiểu cho một phải trả một, mà tình thương của cha mẹ lúc nào cũng là tình thương vô điều kiện. Cho nên, dù là vật chất hay tinh thần, cái ba mẹ cần nhất vẫn là cái tâm hiếu thảo, luôn thương yêu hướng về cha mẹ của những người con. Dù làm gì đi nữa, chúng ta hãy luôn đặt cái tâm đó của mình vào.

Bên cạnh đó, khi thấy ba mẹ mình có những việc làm sai trái, mình phải tìm cách khuyên ngăn, giúp cho ba mẹ tránh tạo ác nghiệp.

Là một người trẻ, nếu đồng thời là một người Phật tử nữa, tôi tin các bạn sẽ nhận thức được mọi ý nghĩ, lời nói, hành động trên lý nhân quả. 

Do vậy, mỗi người sẽ chủ động khuyên ba mẹ năng làm lành và tránh làm các nghiệp ác, để ba mẹ không chỉ hạnh phúc trong hiện tại mà còn trong cả tương lai.

* Trong cuộc sống, cũng có những người con không sống với hiếu đạo. Đối với người con bất hiếu, không phải trong đạo Phật mà ứng xử bình thường hình như cũng không ai chấp nhận được?

- Đây là điều trước giờ mọi người vẫn xem là một sự băng hoại đạo đức cần chấn chỉnh. Tuy nhiên, Phật giáo không cho rằng con người sẽ xấu ác, bất hiếu mãi. Mỗi người chúng ta luôn có phần thiện bên trong, dù là một người con bất hiếu nhưng nếu nhận thức và có sự hối cải thì vẫn có thể trở thành một người con hiếu thảo.

Chúng ta không nên nhìn vào hành động bất hiếu của một người trong một thời điểm nào đó mà khắt khe, chấp chặt họ sẽ như vậy hoài.

Mình cần có tâm thái bao dung. Sự bao dung ở đây không phải là sự nhún nhường, chấp nhận một cách vô cảm mà bao dung để cho họ một cơ hội, đánh thức hạt giống hiếu hạnh vốn cũng có, đang tiềm ẩn trong tâm thức, để họ có thể thay đổi tốt hơn theo từng ngày.

Báo hiếu không có mùa - Ảnh 3.Mùa Vu lan, đề nghị Phật tử không mua chim phóng sinh

Kiểm lâm Thừa Thiên Huế chỉ đạo lực lượng đi đến các chùa, địa điểm sinh hoạt Phật giáo trên địa bàn để tuyên truyền, đề nghị Phật tử không mua, bán chim phóng sinh mùa Vu lan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên