Một người Việt được cho là nạn nhân buôn người đang sống ở Anh sau khi được giải cứu khỏi một trang trại trồng cần sa - Ảnh: Guardian
Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Anti-Slavery International, Pacific Links Foundation và Every Child Protected Against Trafficking UK (Ecpat UK), mỗi năm có hàng ngàn trẻ em Việt Nam chịu nguy cơ bị bóc lột và xâm hại ở các nước châu Âu trong khi chờ cơ hội vượt biên trái phép sang Anh.
Trong giai đoạn 2009-2018, chính phủ Anh thống kê được 3.187 công dân Việt Nam - cả trẻ em và người lớn - là nạn nhân của tội phạm buôn người. Các nhà hoạt động xã hội đánh giá con số trên thực tế có thể nhiều hơn.
Theo báo The Guardian, qua tìm hiểu người ta phát hiện trẻ em Việt thường được các băng nhóm đưa sang Nga bằng đường hàng không, rồi sau đó đi đường bộ qua Belarus, Ukraine, Ba Lan, CH Czech, Đức, Hà Lan và Pháp.
Trong một số trường hợp, những người nhập cư từ Việt Nam lén lút xâm nhập khu vực EU bằng đường rừng để tránh con mắt của lực lượng biên phòng, nếu không thì các phương tiện phổ biến là ôtô, xe tải và phà.
Những câu chuyện người thật việc thật từng được kể lại trên truyền thông.
Khoảng 50.000 visa du lịch được Nga cấp cho người Việt mỗi năm, con số nhiều đến mức các tổ chức nghiên cứu nghi ngờ một phần trong số đó dùng để chuyển lậu người sang châu Âu.
Theo bà Mimi Vu - đại diện cho Pacific Links Foundation, dù hoàn cảnh là gì đi nữa, chính phủ các nước châu Âu nói trên đã không thể giải quyết vấn đề vì không có nguồn lực, chẳng hạn họ không có sĩ quan cảnh sát hoặc các nhà hoạt động xã hội hiểu và nói được tiếng Việt.
Việt Nam-Anh ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán người
Ngày 21-11-2018 tại London (Anh), thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, ông Sajid Javid đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về hợp tác phòng chống mua bán người.
Để góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bộ, trong thời gian tới, hai bên nhất trí hằng năm sẽ duy trì, triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ trên các lĩnh vực về phòng chống mua bán người, như: trao đổi thông tin, điều tra các vụ án, đường dây, băng nhóm tội phạm, truy bắt, bàn giao đối tượng và giải cứu, bảo vệ, hồi hương nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền và phòng chống di cư bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận