Đập chứa bùn thải được đắp bằng…đất - Ảnh: DOÃN HÒA |
Sáng 13-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Nam - phó giám đốc Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh - cho biết đơn vị đã báo cáo sự cố vỡ đập chứa thải Suối Bắc cho Tổng công ty khoáng sản TKV, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam.
Ông Nam cho biết khoảng 6h ngày 9-3, Xí nghiệp thiếc Suối Bắc phát hiện đập chứa thải xuất hiện nguy cơ bị vỡ ở giữa đập với chiều dài khoảng 12m do vị trí vỡ có mạch nước ngầm dưới chân đập. Đơn vị đã chủ động dừng mọi hoạt động liên quan đến sản xuất để tập trung xử lý.
Trước đó, từ tháng 12-2016 đến tháng 2-2017, xí nghiệp đã nạo vét, nâng cấp bể chứa bùn thải và chuẩn bị đưa vào vận hành, xử lý chất thải thì xảy ra sự cố vỡ thân đập.
“Mỏ khai thác thiếc và khu vực bể chứa bùn thải bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay và đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ lớn như vậy. Dù cá của người dân chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân vì từ vị trí suối chảy qua nhiều khu công nghiệp, nhà máy nhưng chúng tôi vẫn phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xác định thiệt hại của bà con và sẽ đền bù nếu đúng do chất thải từ đập bùn thải”, ông Nam nói.
Đáng chú ý, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng thiếc Suối Bắc mà ông Nam cung cấp cho Tuổi Trẻ, có nêu rõ đập nước tại xã Châu Thành (đập xảy ra sự cố vỡ - PV) phục vụ cho xưởng tuyển số 2 được xây dựng kè tràn xả lũ bằng đá hộc, vữa xi măng, rộng 2,5m và sâu 1,5m.
Tuy nhiên, trên thực tế quan sát, gần như ba mặt của đập tựa vào vách núi, mặt còn lại được đơn vị này đắp bằng… đất như một chiếc đê chắn, và cũng là nơi xảy ra sự cố vỡ.
Điều này cũng được ông Lô Văn Thành - cán bộ địa chính, môi trường và xây dựng xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp), người trực tiếp có mặt đầu tiên tại hiện trường sau sự cố vỡ đập để lập biên bản vụ việc, xác nhận với Tuổi Trẻ.
“Khi chúng tôi lần theo lượng bùn thải chảy về suối nhiều bất thường thì phát hiện đập chứa thải bị vỡ hoàn toàn và đập được đắp bằng đất, không có bất kỳ đá hộc, xi măng trong quá trình xây dựng kè tràn xả lũ”, ông Thành khẳng định.
Cá của người dân chết bất thường sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải của xí nghiệp thiếc Suối Bắc - Ảnh: T.PHƯƠNG |
Trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Quỳ Hợp Lê Sỹ Hào cho rằng bể chứa chất thải sau khi tuyển quặng thô nằm lưng chừng núi mà thiết kế đập chắn bằng đất là quá sơ sài, không thể đảm bảo bởi “nó giống như túi bom bẩn treo trên núi, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào”.
“Hồ sơ thiết kế thẩm định, đánh giá tác động môi trường của dự án này là của tỉnh thẩm định, phía huyện chỉ là đơn vị giám sát. Nếu đơn vị làm sai, không đúng với thiết kế để xảy ra sự cố chúng tôi sẽ đình chỉ, yêu cầu khắc phục để đảm bảo môi trường.
Chúng tôi đã yêu cầu trong vài ngày tới công ty phải nạo vét hết bùn thải trên sông suối để bà con lấy nước vào ruộng sản xuất”, ông Hào nói.
Khi được hỏi “Đê chắn bể chứa bùn thải được đắp bằng đất có đúng như hồ sơ thiết kế như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và liệu có đảm bảo an toàn hay không?”, ông Nguyễn Ngọc Nam - phó giám đốc Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh - từ chối bình luận và cho biết thêm hiện công ty đang tập trung khắc phục sự cố trước ngày 31-3 theo yêu cầu của Sở Tài nguyên - môi trường. Đồng thời đề nghị huyện giám sát, lúc nào đảm bảo an toàn mới hoạt động trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận