31/08/2018 10:16 GMT+7

Nghi vấn chủ đầu tư 'mớm lời' các tỉnh xin làm siêu dự án

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - “Siêu dự án” hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé một lần nữa “nóng” lên khi UBND hai tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng “cần thiết” và đề nghị “phải làm sớm”.

Nghi vấn chủ đầu tư mớm lời các tỉnh xin làm siêu dự án - Ảnh 1.

Hai văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang có đoạn dài giống nhau đến từng chữ

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé với công trình chính là hai cống Cái Lớn, Cái Bé đã "nóng" lên trở lại vào đầu năm 2018 khi có động thái triển khai. 

Đây là dự án nhằm kiểm soát mặn xâm nhập từ Biển Tây và giữ ngọt để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho diện tích hơn 891.000ha thuộc các tỉnh thành Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.

Thế nhưng sau khi báo chí phản ánh nhiều lo ngại về tác động tiêu cực của hệ thống cống tới môi trường và hệ sinh thái ĐBSCL, đặc biệt là lập luận phản đối của một số nhà khoa học ở ĐBSCL, dự án trên đã tạm lắng một thời gian cho tới nay.

Hai tỉnh đồng lòng, công văn gửi giống hệt

Sau thời gian tạm lắng thì gần đây, chỉ cách nhau khoảng một tuần, UBND tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang đã gửi hai công văn cho Bộ NN&PTNT bày tỏ sự đồng tình với siêu dự án nêu trên, nhưng nội dung hai công văn này gần như y hệt nhau, thậm chí tới từng dấu chấm, dấu phẩy.

Đó là công văn số 1034/UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng ký ngày 7-8 gửi Bộ NN&PTNT. Tiếp đó là công văn của UBND tỉnh Hậu Giang do chủ tịch tỉnh ký ngày 15-8 gửi lên Bộ NN&PTNT có đoạn nội dung chính y chang.

Trong đó, lãnh đạo cả hai tỉnh trên đều khẳng định việc đầu tư xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé là "rất cần thiết, cấp bách và có hiệu quả ngay khi hoàn thành công trình" không chỉ cho những tỉnh này, mà cho cả khu vực bán đảo Cà Mau.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tính "cần thiết" của hai "siêu cống" trên là theo gợi ý bằng văn bản của chủ đầu tư (Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, gọi tắt là Ban 10) trực thuộc Bộ NN&PTNT. 

Trả lời câu hỏi về việc có hay không chuyện Ban 10 gửi văn bản "gợi ý" nội dung để UBND tỉnh Kiên Giang soạn thảo công văn gửi lên, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - thừa nhận "có".

Văn bản mà UBND tỉnh Kiên Giang gửi cho Bộ NN&PTNT là soạn theo một báo cáo tư vấn của chủ đầu tư (tức Ban 10) gửi. Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang chỉ căn cứ theo đó điều chỉnh tiêu đề, căn cứ và thể thức văn bản rồi gửi lại cho bộ.

Một cán bộ ở UBND tỉnh Kiên Giang

Còn ông Nguyễn Chí Hùng - chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang - cũng thừa nhận Ban 10 đã gửi nội dung cho văn phòng thẩm định lại, rồi mới làm công văn trên gửi cho Bộ NN&PTNT.

PGS.TS Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ bày tỏ: "Tôi có cảm giác như những văn bản này do một nơi viết ra, chỉ là khác người ký vào. Ý tưởng, quan điểm có thể giống nhau nhưng không thể trùng hợp tới từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy như vậy được".

Có không chuyện vận động làm dự án?

Ngày 30-8, ông Lê Hồng Linh - giám đốc Ban 10 - khẳng định với Tuổi Trẻ không hề có chuyện "gợi ý" cho tỉnh làm công văn xin thực hiện dự án, hoặc vận động hành lang cho dự án được khởi công.

Ông giải thích về chuyện công văn giống nhau của hai tỉnh là "chúng tôi có mail văn bản của Kiên Giang gửi cho chúng tôi để Hậu Giang tham khảo. Còn Kiên Giang thì chúng tôi không hề tham gia văn bản của họ".

Ông Linh giải thích thêm: "Dự án bao giờ cũng có mặt tốt và mặt xấu, mà tốt nhiều hơn xấu thì chọn làm. Vấn đề là làm sao hạn chế mặt xấu của dự án. Riêng với dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều nên chính phủ, một số bộ trưởng cũng đã biết".

Theo ông Linh, Ban 10 đã trình ba phương án: một là làm cống Cái Lớn và Cái Bé, hai là không làm hai cống đó và ba là làm cống Cái Bé, không làm cống Cái Lớn. 

"Ngày 7-9 tới đây, bộ sẽ tổ chức hội thảo ở Kiên Giang do một thứ trưởng chủ trì. Tại đây sẽ công khai kết quả nghiên cứu, có thể thời gian qua thông tin chưa được đầy đủ, thiếu thông tin, nhiều người nghĩ là trong ngọt ngoài mặn, đóng cống chặn dòng lại một cách cứng nhắc" - ông Linh khẳng định với Tuổi Trẻ.

Siêu dự án

phoi canh cái lon 3(read-only)

Phối cảnh dự án cống Cái Lớn - Ảnh: T.TRÌNH

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xem là "siêu dự án", bởi trong giai đoạn 2017-2020 sẽ tiêu tốn khoảng 3.300 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ cho các hạng mục: cống Cái Lớn, cống Cái Bé, đê nối hai cống với quốc lộ 61, kênh nối hai dòng sông Cái Lớn, Cái Bé để điều tiết mực nước, âu thuyền. Và nếu hoàn thành hai giai đoạn sẽ hơn 8.000 tỉ đồng.

Các đơn vị lập dự án chủ yếu là Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II) và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.

Đề nghị dừng dự án thủy lợi nghìn tỉ trên sông Cái Lớn - Cái Bé

TTO - Nhiều chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về Đồng bằng sông Cửu Long đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối dự án ước tính tiêu tốn hơn 8.000 tỉ đồng trên sông Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang).

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên