Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội - Ảnh: PHẠM THẮNG
Đây là thông điệp có lẽ sẽ được cử tri ghi nhớ lâu nhất. Quả thực, nói về tâm thế của cán bộ, công chức trong tình hình hiện nay như vậy là nói ngắn mà nói được rất nhiều.
Trong gần một tháng qua, qua các phương tiện truyền thông, đông đảo cử tri đã có thể theo dõi các đại biểu thảo luận tại Quốc hội. Mà theo dõi thì điều quan trọng nhất là lắng nghe các đại biểu phát biểu thảo luận, tranh luận tại nghị trường. Để lại ấn tượng mạnh là nhiều phát biểu sắc sảo, thẳng thắn và trí tuệ, như câu nói trên mà đại biểu Nguyễn Hữu Thông đưa ra. Tuy nhiên, những phát biểu chưa được tán đồng hoặc gây tranh luận cũng không ít.
Đã có nhiều người bàn tán về một số kiến nghị được đưa ra tại các phiên thảo luận của Quốc hội, như về việc không cấp các biển số xe có số cuối là 49, 53; việc phải thu hồi bằng lái xe lâu ngày không sử dụng; việc không để xe dưới hầm chung cư để phòng chống cháy nổ...
Những kiến nghị như vậy nên được đánh giá như thế nào quả thực còn phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Có người sẽ cho là sâu sát, thiết thực. Nhưng cũng có người sẽ cho là không phù hợp, không đúng tầm. Cử tri là hàng chục triệu người và mỗi người đều có thể có góc nhìn riêng.
Vấn đề là khi phát biểu tại diễn đàn số 1 của quốc gia thì quyền rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn. Những cuộc thảo luận, tranh luận có chất lượng, có chứng cứ tại nghị trường sẽ không chỉ làm cho chính sách, pháp luật trở nên minh bạch mà còn nâng cao tầm trí tuệ của quốc gia. Những cuộc thảo luận, tranh luận chỉ dựa trên tư biện và suy diễn chủ quan sẽ gây thất vọng và ý kiến trái chiều.
Quả thực nếu các cử tri rất khác nhau thì các vị đại biểu Quốc hội cũng rất khác nhau. Mỗi đại biểu phát biểu dựa trên góc nhìn, sự từng trải và kinh nghiệm thực tế của mình. Không ai có quyền ra lệnh cho các vị đại biểu phải phát biểu như thế này mà không được phát biểu như thế khác. Điều chỉnh phát biểu của các vị đại biểu chủ yếu chỉ là văn hóa nghị trường.
Tuy nhiên, phát biểu ở nghị trường là phát biểu tại diễn đàn số 1 của quốc gia, vì vậy: 1. Vấn đề được đưa ra phải ở tầm quan trọng của quốc gia. Những vấn đề dưới tầm quốc gia nên tránh đưa ra nghị trường; 2. Phát biểu ở nghị trường thì phải dựa trên chứng cứ và số liệu, không thể suy diễn chủ quan (không thể nói cử tri đề nghị hoặc mong muốn điều gì đó mà không thể đưa ra chứng cứ về ý chí như vậy của cử tri).
Để giúp bảo đảm chất lượng của các phiên thảo luận, tranh luận tại nghị trường, Quốc hội nhiều nước trên thế giới đều có cơ quan dịch vụ nghiên cứu phục vụ các dân biểu. Về cơ bản, các dân biểu đều đề nghị cơ quan dịch vụ nghiên cứu này cung cấp chứng cứ, phân tích cho phát biểu của mình. Ở nước ta, các đại biểu có thể đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp và Thư viện Quốc hội cung cấp dịch vụ này (Thư viện Quốc hội có thể cung cấp dịch vụ nghiên cứu so sánh).
Cuối cùng, phát biểu tại nghị trường như thế nào là quyền của các vị đại biểu. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội nước ta cũng cần cân nhắc một thực tế là ở nước ta các vị đại biểu không có đặc quyền. Đặc quyền của đại biểu Quốc hội là quyền không phải chịu trách nhiệm dân sự và hình sự về phát biểu tại nghị trường.
Hầu như ở tất cả các nước trên thế giới, các nghị sĩ đều có đặc quyền này. Hiến pháp năm 1946 cũng đã từng ghi nhận quyền này của các vị đại biểu. Tuy nhiên, các hiến pháp sau đó và hiến pháp năm 2013 lại không ghi nhận quyền này. Không có đặc quyền thì các vị đại biểu lại càng cần phải thận trọng hơn trong các phát biểu của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận