Nhà Vua Bhumibol Adulyadej tại lễ đăng cơ ngày 5-5-1950 - Ảnh: AFP
Mới đây, tờ The Nation của Thái Lan đưa tin bộ văn hóa nước này đã phát hành một bộ sách gồm 4 quyển nhằm kiến thức và hiểu biết về nghi lễ lịch sử này, cũng như các thủ tục sẽ được tiến hành.
Bộ sách được phân phối đến khắp các thư viện và trường học trên cả nước, đồng thời bản e-book cũng có thể được tải miễn phí.
Bìa sách về lễ đăng cơ do bộ văn hóa Thái Lan phát hành - Ảnh: The Nation
Theo một bài viết có tựa đề "Lễ đăng cơ của Nhà Vua" trên The Nation tuần trước, lễ đăng cơ diễn ra trong 3 ngày này "đòi hỏi những thủ tục toàn diện, công phu và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng theo Ấn Độ Giáo và Phật giáo".
Bộ sách 4 quyển trên, hầu hết đều bằng tiếng Thái, sẽ cung cấp cho độc giả lịch sử của lễ đăng cơ, các công đoạn chuẩn bị để tấn phong nhà vua, những địa điểm thiêng từng được tổ chức lễ đăng cơ, những bài báo về lễ đăng cơ của Hoàng gia Thái từ thời Vua Rama II và V do các học giả như Hoàng tử Damrong Rajanubhab và Hoàng tử Narisara Nuvadtivongse viết.
"Sau khi thành lập triều đại Chakri và thành phố Bangkok vào năm 1782, vua Rama I đã nghiên cứu lại hồ sơ của các lễ đăng cơ được tổ chức vào cuối thời Ayutthaya, từ đó ban hành một quy trình sửa đổi cho lễ đăng cơ mà sau này đã trở thành nguyên mẫu của các nghi thức kế vị truyền thống từ đó đến nay", Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam phát biểu trong buổi ra mắt sách tại tòa nhà Chính phủ cuối tháng 2 vừa qua.
Trong suốt 9 đời vua của vương triều Chakri, 11 lễ đăng quang đã được tổ chức.
Các vì vua của vương triều Chakri Dynasty: Rama IV, V, VI, VII và IX - Ảnh: The Nation
Torng đó, các vị Vua Rama I, V và VI đã tổ chức lễ đăng cơ 2 lần, còn Vua Rama VIII chẳng may lại băng hà trước khi chính thức lên ngôi.
Lễ đăng cơ đầu tiên của Vua Rama I được tổ chức ngắn gọn vào năm 1782, không lâu sau khi ông thành lập triều đại Rattankosin.
Ba năm sau, một buổi lễ toàn diện được tổ chức lại khi các công trình hoàng gia được hoàn thành.
Trong khi đó, Vua Rama V thực hiện lễ đăng cơ đầu tiên vào năm ông 15 tuổi, và lần thứ hai khi ông trưởng thành vào năm 20 tuổi.
Còn Vua Rama VI lần đầu lên ngôi với những nghi lễ đơn giản, không lâu sau khi phụ vương của ông là Vua Rama V qua đời, sau đó một buổi lễ hoàn thiện hơn mới được tổ chức.
Các nghi lễ với nước thiêng
"Vào lễ đăng cơ sắp tới đây, ngày 4-5 là ngày quan trọng nhất bởi đó là ngày đức vua thực hiện nghi thức Song Phra Muratha Bhisek (tắm thanh tẩy) và Abhisek (nghi thức quán đỉnh, tấn phong hoàng gia), cũng như sẽ được trao vương miện và biểu tượng của hoàng gia, trong đó bao gồm chiếc ô 9 tầng trắng (biểu tượng quan trọng nhất của vương quyền tối cao", Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam giải thích.
"Mặc dù ở nhiều quốc gia, hành động trao vương miện là tâm điểm của lễ đăng cơ, nghi thức chính trong tập tục truyền thống Thái Lan là lễ tắm thanh tẩy và quán đỉnh với nước thiêng", ông nói.
Theo sử sách Bà la môn cổ đại, nước thiêng phải được lấy từ 5 con sông năm dòng chính ở Ấn Độ là sông Hằng, Mahi, Yamuna, Aciravati và Sarabhu.
Giáo sư MR Suriyavudh Suksvasti, nhà sử học nghệ thuật đồng thời là trưởng ban cung cấp thông tin về lễ đăng cơ, cho biết vào cuối thời Ayutthaya, 5 con sông của Thái Lan là Bang Pakong, Pasak, Chao Phraya, Ratchaburi và Phetchaburi được xem là tượng trưng cho 5 dòng chính của Ấn Độ.
Trong vương triều Ban Phlu Luang từ năm 1688 đến 1767, vương triều của những vị vua cuối cùng của vương quốc Ayutthaya, nước từ bốn chiếc ao thiêng cổ là Sa Ket, Sa Kaeo, Sa Khongkha và Sa Yamuna ở tỉnh Suphan Buri cũng được dùng cho nghi lễ.
Nước từ năm con sông và bốn chiếc ao này được dùng trong lễ đăng cơ cho đến thời Vua Rama V.
Nhà Vua Maha Vajiralongkorn, tức Vua Rama X - Ảnh: Reuters
Trong lễ đăng cơ của Vua Maha Vajiralongkorn, tức Vua Rama X, nước thiêng cho lễ tắm thanh tẩy sẽ được lấy từ năm dòng chính và bốn chiếc ao ở Suphan Buri.
Đối với nghi thức quán đỉnh (rưới nước thiêng), nước thiêng sẽ được lấy từ 107 địa điểm quan trọng ở 76 tỉnh và từ Hoàng cung.
Nghi thức thu thập nước tại mỗi địa điểm sẽ bắt đầu vào cùng một thời điểm tốt lành vào ngày 6-4, sau đó nghi thức dâng tế nước sẽ được thực hiện tại một ngôi chùa lớn của mỗi tỉnh hai ngày sau đó.
Tiếp theo, tất cả nước thiêng sẽ được mang đến chùa Wat Suthat Thep Wararam ở Bangkok cho lễ dâng tế một lần nữa vào ngày 18-4, trước khi được đưa đến Chùa Phật Ngọc vào ngày hôm sau để chuẩn bị cho lễ đăng cơ.
Sáng 4-5, Nhà vua Rama X sẽ mặc trang phục trắng, ngồi trên một băng ghế gỗ để thực hiện lễ tắm thanh tẩy trong Hoàng cung.
Sau đó Nhà vua sẽ thay vương phục và thực hiện nghi thức rưới nước thiêng trên ngai làm bằng gỗ sung, trước khi chuyển sang một ngai vàng khác cùng chiếc ô trắng 9 tầng cho nghi thức đăng cơ, đội vương miện và tuyên thệ kế vị.
Tiếp theo đó, Nhà vua sẽ ra mắt Hoàng gia và quan chức cấp cao, trước khi thực hiện nghi lễ ban tên hoàng gia cho Đức Vua mới đăng cơ vào ngày hôm sau.
Nghi thức cuối cùng là một lễ rước hoàng gia đến các ngôi chùa Wat Bovoranives, Wat Rajabopidh và Wat Phra Chetuphon để viếng tượng Phật và các vị vua và hoàng hậu đã qua đời.
Vào ngày lễ cuối cùng, 6-5, Vua Maha Vajiralongkorn sẽ ra mắt dân chúng và quan chức ngoại giao tại Hoàng cung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận