Sáng 30-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức tọa đàm về nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Cần thêm cơ chế đột phá, vượt trội để phát triển TP.HCM
Đa số các đại biểu thống nhất cao với những cơ chế, chính sách được đưa ra trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đòi hỏi thêm những chính sách đột phá, vượt trội cũng như thảo luận đa chiều về việc làm sao để nghị quyết sau đó được thực hiện hiệu quả.
Sở dĩ có những lo lắng, thảo luận về việc thực thi nghị quyết (dù chưa được thông qua) là bởi khi tổng kết việc thực hiện nghị quyết 54, một trong những hạn chế dẫn đến việc thực hiện nghị quyết không hiệu quả là do một số nội dung dù được phân cấp cho TP nhưng khi làm phải hỏi ý kiến các bộ và phải quy lại các quy định của pháp luật nên không thể thực hiện.
PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhìn nhận, nghị quyết về cơ chế đột phá, đặc thù phát triển TP.HCM là vấn đề lớn của quốc gia để tạo ra một cực tăng trưởng, động lực phát triển cho cả nước.
Nghị quyết này nhằm chuẩn bị khung chính sách phát triển cho tình hình mới có rất nhiều biến động về khoa học công nghệ, tình hình địa chính trị. TP.HCM có tiềm năng, lợi thế, thuận lợi để phát triển. Vấn đề là phải tạo ra một nghị quyết để giải quyết kỳ vọng, ước mơ của TP.HCM.
Nói sâu vào nội dung dự thảo nghị quyết, theo ông Bình, TP đã đưa ra 7 nhóm khó khăn và cố gắng đề xuất các cơ chế chi tiết để giải quyết khó khăn đó. Tuy nhiên, ông nhìn nhận tư duy xưa nay thường dừng lại ở việc hệ thống pháp luật vướng gì, địa phương sẽ xin cơ chế "lách" để vượt qua, chứ không phải tư duy đưa ra các cơ chế đột phá, vượt trội để tạo ra cực phát triển mới.
Do vậy, ông Bình đề nghị việc xây dựng các cơ chế phải thật sự đột phá, vượt trội, không chỉ dừng lại giới hạn "lách luật". Mặt khác, cần tính đến việc các địa phương trong vùng khi làm các dự án (liên kết vùng) có được áp dụng cơ chế nghị quyết như TP.HCM.
"Nếu một dự án đi qua nhiều địa phương, địa phương này được áp dụng cơ chế đặc thù, địa phương khác không được lại tắc nghẽn nữa. Mà ở ta, tắc là tắc cả hệ thống nên cần tính toán kỹ", ông Bình nêu.
Trao quyền nhiều hơn
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng để thật sự đột phá, nghị quyết phải trao quyền nhiều hơn cho TP.HCM và kiểm soát ít hơn. Như vậy lãnh đạo TP phải có trách nhiệm hơn và các sở, ngành phải có động lực phụng sự công.
Theo ông Hoài, đọc dự thảo nghị quyết có vẻ trao quyền cho TP nhưng nội dung lại hơi ràng buộc bằng các luật, nghị định, thông tư... Nếu như vậy sẽ dễ bị đi vào "vết xe đổ" khi thực thi nghị quyết 54.
Do vậy, ông Hoài kiến nghị: "Việc xây dựng nghị quyết phải đạt được mục tiêu trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn. Trong khuôn khổ đó, nghị quyết này mới đi vào hiện thực được. Còn nếu theo cơ chế cũ, cuối cùng 5 năm nữa chúng ta tổng kết, để có sự vượt trội về con số đạt được trong lĩnh vực tài chính hay các lĩnh vực khác sẽ rất khó".
Ở góc độ khác, PGS.TS Võ Trí Hảo - nguyên trưởng khoa luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cũng nhìn nhận nghị quyết cần "thà xin một lần chứ đừng xin 25 lần". Theo ông Hảo, nếu soạn không rõ, khi thực hiện nghị quyết, TP lại phải đi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan khi thực hiện các cơ chế.
Do vậy, ông Hảo đề nghị thay đổi tư duy và cách soạn thảo theo hướng quy định chi tiết cơ chế về phân cấp, phân quyền cho TP, thay vì cơ chế xin cho.
Không đặt nặng nguồn thu, chỉ xin cơ chế đột phá
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết khi xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển TP.
Theo ông Mãi, đây là những cơ chế mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát triển TP để khai phóng, huy động các nguồn lực để phát triển TP.
Trong dự thảo nghị quyết, TP xác định tập trung làm sao có những cơ chế chính sách phân cấp phân quyền mạnh mẽ để tạo sự chủ động cho TP. Một mặt để TP giải quyết các vấn đề nhanh hơn, mặt khác cũng để rút kinh nghiệm, sau này các cơ quan trung ương có thể phân cấp phân quyền mạnh hơn cho các địa phương. Qua đó giải phóng được năng lượng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các vấn đề nhanh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận