Nghĩ nhiều thì nguy hiểm lắm

KHÁNH NGUYÊN 20/12/2024 05:07 GMT+7

TTCT - Suy nghĩ quá mức (overthinking) là một từ "thời thượng" của năm nay. Phụ nữ hay đàn ông gì cũng có lúc cả nghĩ. Có chăng là tác động ngược của việc nghĩ nhiều với tâm trí khác nhau theo giới.

Nghĩ nhiều thì nguy hiểm lắm - Ảnh 1.

Overthinking - tác phẩm của nghệ sĩ Monika Bulanda. Nguồn: Aria Art Gallery

Đàn ông và phụ nữ ghen tị điều gì ở nhau? Khảo sát trên 1.769 người do Đại học Ostrava (Czech) thực hiện cho thấy câu trả lời vừa quen thuộc vừa bất ngờ, lại gợi nhiều suy ngẫm. 

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology hồi tháng 9, đàn ông "ghen tị với sự giàu cảm xúc của phụ nữ", bởi phụ nữ "được phép thể hiện cảm xúc bất cứ lúc nào"; trái lại, phụ nữ ghen tị với khả năng "xem mọi thứ nhẹ nhàng" và "không làm to chuyện" của đàn ông, nhất là khi họ có thể "chỉ cần ngủ mà không suy nghĩ nhiều". Nghiên cứu một lần nữa cho thấy "đàn ông vô lo hơn phụ nữ" là một quan niệm phổ biến.

Mặc dù đúng là phụ nữ được ghi nhận là có tỉ lệ lo lắng và suy nghĩ quá mức cao hơn nam giới, hậu quả của việc suy nghĩ thái quá ở nam giới có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. "Dữ liệu cho thấy có mối liên hệ giữa việc suy nghĩ dai dẳng, ý định tự tử và hành động cố tự tử" - tiến sĩ Jett Stone, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về liệu pháp tâm lý cho nam giới, viết trên Psychology Today cuối tháng 10. 

Theo số liệu thống kê tại Mỹ năm 2021, nam giới có tỉ lệ tự tử cao gấp bốn lần so với nữ (22,8 so với 5,7) và ít có khả năng biểu hiện suy nghĩ tự tử. Ở nam giới, những cảm xúc khó chịu, lo lắng hay suy ngẫm thường biểu hiện bằng các hành động thiếu kiểm soát như lái xe liều lĩnh, hung hăng... theo Sổ tay Oxford về các rối loạn phổ hướng ngoại.

Các chàng trai trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như sự thay đổi về giáo dục, kinh tế, vai trò văn hóa và vai trò gia đình. Sẽ có người bảo đây là những vấn đề về mặt chính sách, nhưng gốc rễ vẫn là những suy nghĩ trong đời sống nội tâm của nam giới. 

Từ khi còn nhỏ, các bé trai đã được truyền cho thông điệp phải cứng rắn, phần nào định hình nhận thức của họ về quá trình suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, đàn ông thường xem việc suy nghĩ quá mức của họ là mối đe dọa, thế nên họ tìm cách dìm chúng đi và chống lại chúng. 

Càng chế ngự thì càng lo lắng và trầm cảm hơn, càng chống chế và trấn an thì càng tệ, thậm chí có thể làm trầm trọng hơn tình trạng lạm dụng rượu ở một số người, Stone dẫn nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Addictive Behaviors.

Một số nhà tâm lý học lâm sàng gọi cách kiểm soát, trốn tránh cảm xúc hoặc cảm giác không mong muốn này là "tránh né trải nghiệm". Tuy vậy, nếu yêu cầu người đàn ông chậm lại, khơi gợi chủ đề kích hoạt suy nghĩ quá mức của họ và giải mã chúng, họ sẽ bộc lộ sự cô đơn trong hôn nhân, sự đố kỵ với đồng nghiệp, sự tuyệt vọng khi không bao giờ đáp ứng kỳ vọng của sếp, sự xấu hổ với những thất bại. Nhưng kỳ vọng xã hội khiến nam giới không đi tìm sự trợ giúp như thế.

Con người ước tính có 6.000 suy nghĩ mỗi ngày, theo nghiên cứu của Julie Tseng và Jordan Poppenk đăng trên Nature Communications. Ngần ấy suy nghĩ chắc sẽ xoắn não chúng ta, trớ trêu là càng nỗ lực nới lỏng nút thắt thì càng bị thắt chặt hơn. 

Nghiên cứu của Edward R Watkins (Đại học Exeter) cho thấy rằng việc chậm lại, học hỏi từ những trải nghiệm nội tâm sẽ làm dịu "tâm trí lắm lời" của bản thân. "Lắm lời" tới mức nhiều người thà bị điện giật còn hơn ngồi một mình suy nghĩ mà không có gì khác để làm, theo nghiên cứu trên hàng trăm tình nguyện viên của Timothy Wilson, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Virginia (Mỹ).

Đầu tiên những người tham gia phải ngồi trong một căn phòng thiết kế sơ sài và suy nghĩ từ 6-15 phút về bất kỳ điều gì, hoặc đề tài gợi ý có sẵn. Kết quả là khoảng 50% cho biết họ không thích trải nghiệm này và thấy nó thật nhàm chán. Thay đổi bối cảnh sang nhà riêng của tình nguyện viên, kết quả vẫn không có gì đổi khác. 

Đẩy mức độ khó thêm một bậc, nhóm của Wilson để người tham gia ở một mình trong phòng thí nghiệm 15 phút, ngồi suy nghĩ hoặc là nhấn nút tự sốc điện bản thân. Kết quả còn sốc hơn điện: 67% nam giới và 25% phụ nữ chọn nút sốc điện thay vì lặng yên suy nghĩ một mình.

Tiến sĩ Stone khuyên hãy bình thường hóa chuyện suy nghĩ quá mức, vì hầu hết chúng ta đều vậy, cả nam và nữ. Cần bình tĩnh nhận biết, hiểu và gọi tên được các cảm xúc của mình trong quá trình suy nghĩ đó để hiểu nó. 

Điều quan trọng là đừng làm nhà phê bình nội tâm nghiêm khắc của bản thân mà thay vào đó là trở thành một huấn luyện viên hướng dẫn tự thân về sự điềm tĩnh, không phán xét, tò mò và vui vẻ.

Nghiên cứu của Đại học Ostrava cũng đưa thông điệp tương tự: bằng cách nhận thức được những áp lực mà mỗi giới phải đối mặt, có thể cùng nhau phá bỏ định kiến và xây dựng một xã hội công bằng hơn. Chỉ cần nam giới không xem "nghĩ nhiều" là biểu hiện yếu đuối cần chối bỏ thì đã tốt cho cả hai giới rồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận