Với những người dân buôn bán hoặc mê thể thao quanh vùng Q.5, Q.8, TP.HCM, nhiều người không xa lạ gì cái tên Dũng "một chân” - cách gọi thân thuộc dành cho ông Tạ Anh Dũng, một người vừa đa tài vừa có nghị lực phi thường. Từ chỗ là một người khuyết tật, ông Dũng không chỉ biết cắn răng mưu sinh mà còn nỗ lực đạt được đam mê từ thuở thiếu thời của mình: trở thành một HLV thể thao - công việc tưởng chừng không dành cho những con người bị khiếm khuyết về thể chất.
Bàn chân phải “không sợ lửa”
Gặp ông Dũng vào một buổi chiều tối tại Trường THCS Lý Phong (Q.5) - nơi ông có lớp dạy võ hằng đêm - chúng tôi dễ dàng nhận ra vị võ sư một chân ngay từ đằng xa bởi cái nạng gác trên xe của ông. Nhưng rồi khi ông Dũng bước xuống xe, chúng tôi phải một phen bất ngờ. Ngoài mái đầu bạc và khuôn mặt dạn dày sương gió, ông Dũng không còn vẻ gì của một người khuyết tật đã 55 tuổi. Trên đôi vai, cánh tay ông là những cơ bắp cuồn cuộn, bộ lưng thẳng và chắc nịch. Vẻ ngoài trai tráng của ông Dũng khiến chúng tôi ấn tượng đến mức nhất thời không chú ý đến dáng đi “nhảy lò cò” rất đặc biệt của ông sau đó.
Vừa bước xuống xe, ông Dũng lập tức soạn đồ, lấy binh khí, sửa soạn lớp học, tất cả đều được ông làm mà không cần đến chiếc nạng. Trước vẻ thắc mắc của chúng tôi, ông giải thích: “Đi trên đường sá gập ghềnh mới cần đến cái nạng cho vững, còn bình thường tôi vẫn đi bằng một chân như thế này”. Hỏi ông chẳng lẽ đi một chân như vậy không thấy mỏi hay sao thì ông Dũng cười: “Chừng này mà ăn thua gì. Trước đây ngày nào tôi cũng đạp xe cả trăm cây số đi giao báo ấy chứ, đến mức bàn chân phải chai sần hết, đạp lên lửa cũng chẳng sao”. Nói xong ông Dũng cho chúng tôi xem thử bàn chân phải còn lại của ông - bàn chân một mình cày ải khắp mảnh đất Sài Gòn hơn 30 năm qua gồ lên một lớp chai e dày gần nửa phân.
Những tòa soạn báo, đại lý bán báo ở TP.HCM thật ra không xa lạ gì với ông Dũng, người đã hành nghề giao báo từ năm 1987. Hai mươi mấy năm trời, ngày nào ông cũng đạp xe ngang dọc Q.Phú Nhuận, Q.3 - những nơi ông lấy báo rồi đem giao tận bên các chợ ở các quận 5, 6, 8... Hành trình mưu sinh đó giản dị nhưng lại phi thường. Ông Dũng đạp xe chỉ bằng duy nhất một chân, sau lưng và trước yên xe là mấy trăm, có khi cả ngàn tờ báo, nặng đến mấy chục ký và ông phải đạp suốt từ 4 - 5g sáng đến gần giữa trưa mới giao xong hết số báo của mình.
Theo năm tháng, hành trình mưu sinh gian khổ này cũng dần thay đổi khi ông Dũng được một người bạn để lại cho chiếc xe máy cũ. Thêm vào đó, công việc giao báo của ông cũng thu hẹp dần, từ vài trăm số báo nay chỉ còn vài chục tờ mỗi ngày. Nếu trước đây ông phải đi giao báo đến trưa thì nay chỉ khoảng 9 - 10g sáng là xong việc.
Bị giảm nguồn thu nhập chính, ông Dũng lại phải căng lưng kiếm thêm việc để phụ giúp con gái nuôi cháu. Sau giờ giao báo buổi sáng, ông đi dạy bóng bàn, dạy bơi, tối đến lại mở lớp dạy võ. Và đó lại là cả một câu chuyện phi thường khác.
HLV đa tài
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống luyện võ, từ nhỏ ông Dũng đã nuôi dưỡng hoài bão nối nghiệp cha là ông Tạ Ánh Đăng - một đấu sĩ có tiếng trên võ đài võ cổ truyền thời đó. Không chỉ võ thuật, ông Dũng đam mê hầu như mọi môn thể thao, từ bơi lội đến bóng bàn. Thế rồi đến năm 21 tuổi, trong một lần đi chở củi ông Dũng bị tai nạn nghiêm trọng. Vào Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Dũng phải cưa mất chân trái và đó là một cú chấn động kinh hoàng với chàng thanh niên trai tráng đang nỗ lực tập luyện lấy bằng võ sư võ cổ truyền khi ấy.
Nhưng rồi người thanh niên ấy cũng vượt qua. Chưa đầy một năm sau tai nạn, ông Dũng khôi phục sức khỏe và tiếp tục công việc... chở củi. Ông tâm sự: “Cuộc sống khi đó khổ quá nên cũng giúp con người ta có thêm nghị lực. Ai gặp tôi cũng thương cảm, nhưng tôi chẳng thể sống bằng sự thương hại được. Phải cố đứng dậy để đi làm, kiếm sống thôi”.
Vài năm sau, ông Dũng chuyển sang làm nghề giao báo, công việc giúp ông dần ổn định được cuộc sống. Khi vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn cũng là lúc ông Dũng quyết tâm trở lại với nghiệp thể thao. Ông bắt đầu luyện võ trở lại, bên cạnh đó còn ráng tập luyện thêm nhiều môn thể thao khác. Nhiều người dân sống quanh khu Q.1 đến giờ vẫn còn nhớ như in một câu chuyện thú vị tại một giải thi việt dã dành cho người dân ở Sài Gòn vào năm 1992.
Một người đàn ông cụt chân đăng ký dự giải và thế rồi... nhảy lò cò suốt chặng đường dài 3,5km, bắt đầu từ hội trường Thống Nhất, vòng quanh nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi... khiến rất đông người hiếu kỳ đi theo vừa chỉ trỏ, bàn tán vừa chụp ảnh... “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi bị sốc và hơi mặc cảm, nhưng cũng là lần duy nhất” - ông Dũng cho biết.
Dần dà, ông Dũng trở thành khách quen của nhiều nhà thi đấu thể thao tại TP.HCM, từ CLB Tinh Võ ở Q.5 đến Cung văn hóa Lao động khi chơi đủ các môn thể thao, khi thì bóng bàn, lúc lại bơi lội, thể hình... Nhiều bạn tập luyện cảm phục trước nghị lực phi thường của ông Dũng đã mời ông kèm con họ tập võ, chơi bóng bàn hoặc bơi. Thế là nghề HLV đến với ông Dũng. Buổi sáng sau giờ đi giao báo, ông lại xách vợt đến một số lò bóng bàn ở Q.5 để dượt bóng cho những người mới tập chơi.
Bữa nào không có ai mời dợt bóng bàn thì ông Dũng đi bơi hoặc tập thể hình. Đến trưa ông lại đi chợ, về nhà nấu ăn cho ba đứa cháu ngoại nhỏ tuổi. Nghỉ ngơi chỉ được vài giờ thì đến chiều tối ông lại tiếp tục ra sân đi dạy võ. Cuộc sống bôn ba chỉ trên duy nhất một chiếc chân phải, nhưng ông Dũng dường như không biết mỏi mệt là gì.
Lấy bằng võ sư từ năm 2002, ông Dũng tiếp tục phát triển võ phái Kim Kê của sư phụ mình và trở thành một vị võ sư tên tuổi trong làng võ cổ truyền, thậm chí còn từng đào tạo không ít VĐV cho các đội tuyển pencak silat, muay Thái của TP.HCM.
[quote]Ai gặp tôi cũng thương cảm, nhưng tôi chẳng thể sống bằng sự thương hại được
Ông Tạ Anh Dũng[/quote]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận