11/07/2015 12:04 GMT+7

Nghị lực của người thượng úy sống sót sau vụ máy bay rơi

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Đã một năm từ sau vụ máy bay quân sự rơi ở Hòa Lạc (7-7-2014), thượng úy Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong chuyến bay định mệnh - hiện đang được điều trị phục hồi chức năng tại Viện Bỏng quốc gia.

*** Error ***
Sau một năm điều trị, sức khỏe của thượng úy Đinh Văn Dương đang phục hồi tích cực. Trong ảnh: Thượng úy Dương được trung úy Đoàn Đức Dục hỗ trợ trong sinh hoạt cá nhân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trái với hình ảnh bất động của một năm trước, anh Dương giờ đây có thể vận động hai cánh tay, đi lại nhẹ nhàng mà không cần người đỡ, đặc biệt là tinh thần của anh Dương rất tốt. Trong lúc tiếp chuyện chúng tôi, có lúc anh trầm giọng, rớm nước mắt nhớ lại phút giây sinh tử kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến sự hi sinh của đồng đội.

Những ngày gần đây, cảm xúc của anh Dương về thời khắc đó càng mãnh liệt. “Đó là ký ức buồn tôi muốn quên nhưng không thể, càng không thể quên nụ cười tươi rói của cậu bạn thân vì trước lúc máy bay phát nổ chúng tôi còn cười đùa với nhau.

Sau này, biết mình là người duy nhất sống sót, nhận được rất nhiều tình cảm không chỉ của người thân mà còn của đồng đội, của người thân những đồng đội đã mất khiến tôi nhận ra rằng mình phải sống, sống hộ các bạn đã hi sinh” - anh Dương nói.

Đan xen với kỷ niệm buồn, anh Dương kể về những câu chuyện của gia đình, cuộc sống thường ngày nơi bệnh viện, của hai đứa con và cả những dự định tương lai đầy lạc quan. Anh Dương bảo: “Tuy chưa thạo hẳn nhưng giờ tôi đã bước được 20-30 bước ra cửa phòng mà không cần người đỡ. Sau này nếu được phục hồi bàn tay, tôi có thể làm những việc nhẹ nhàng, đỡ đần mọi người trong gia đình”.

Anh Dương đã có 120 ngày hôn mê, nhiều lần trái tim của mẹ và vợ anh bị bóp nghẹt trước thông tin về tính mạng của anh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Anh Dương kể lúc mở mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh là nụ cười của mẹ và vợ cùng các con. Nhưng lúc đó anh chưa định hình được vì sao mình nằm viện, vì sao nhiều người đến thăm cũng như chưa hề biết mình đã bị cắt chân. Khoảng một tuần sau đó, ký ức bắt đầu phục hồi dần, anh mới biết mình vừa trải qua biến cố gì. Khi biết đồng đội trong chuyến bay ấy đã hi sinh hết, anh Dương đau đớn vô cùng nhưng cùng lúc lại biết tin con trai ra đời - điều này kịp thời giúp anh có thêm động lực chiến đấu với tử thần.

Lúc xảy ra vụ nổ máy bay, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hải, 31 tuổi, đang mang bầu con thứ hai ở tuần thứ 38. Khi biết tình hình nguy kịch của anh Dương, lãnh đạo bệnh viện nơi chị Hải công tác đã động viên chị Hải sinh mổ luôn để phòng trường hợp anh Dương mất, chị Hải sẽ suy sụp tinh thần không tốt cho việc sinh nở. Đúng ngày 9-7, chị Hải lên bàn mổ sinh con trai là lúc anh Dương phải cắt đi đôi chân. Sau này, những lúc gặp con, anh Dương thường trêu đùa con trai lớn lên liệu có trân trọng ngày trọng đại này.

Một năm qua, anh Dương đã trải qua 21 cuộc phẫu thuật: cắt chân, khoét thịt ở mông, đắp da, cắt sẹo... và chắc chắn tương lai còn trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khác nhằm khôi phục chức năng vận động và thẩm mỹ. Nhà neo người, suốt một năm trời mẹ anh bỏ việc nhà lên chăm con, trong khi chị Hải bận con mọn vừa học liên thông, nhà xa bệnh viện nên cuối tuần mới có thể lên thăm chồng. Hai con nhỏ thì thưa hơn, vì muốn lên thăm bố phải đi taxi (khá tốn kém), do đó hàng tháng cả nhà mới gặp nhau trong bệnh viện. Anh Dương chia sẻ: “Có lẽ do tôi từng là lính đặc công, có võ, có sức nên khả năng phục hồi nhanh nhưng gia đình mới là động lực giúp tôi có nghị lực sống tiếp đến hôm nay”.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên