12/03/2011 15:05 GMT+7

Nghị lực của cô sinh viên liệt tứ chi

LƯƠNG ĐÌNH KHOA(Hà Nội)
LƯƠNG ĐÌNH KHOA(Hà Nội)

AT - Ở Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội), có lẽ không ai không biết Nguyễn Thùy Chi - cô sinh viên đặc biệt ngồi trên xe lăn của khoa quản lý xã hội, bởi hoàn cảnh éo le và những nghị lực phi thường của Thùy Chi để theo đuổi con đường học tập với ước mơ trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.

Qza5Yxcv.jpgPhóng to
Thùy Chi và cô giáo chủ nhiệm Đào Thị Thông

12 năm đến trường trên đôi vai ông bà nội

Không may mắn như những đứa trẻ khác, Thùy Chị bị cứng cơ bẩm sinh ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Gia đình đã đưa Chi chạy chữa nhiều nơi, nhưng bệnh không khỏi khiến mẹ em không đủ kiên nhẫn đã bỏ đi vào năm Chi lên 7 tuổi, để lại con cho người chồng là công nhân khai thác mỏ nhưng bị mất sức lao động nên đã nghỉ việc, cùng ông bà nội già hơn 80 tuổi.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, các bác gái của Chi cùng góp tiền làm mấy gian nhà trọ nhỏ cho thuê trong con ngõ nhỏ số 98B đường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai để ông bà và bố Chi có chút thu nhập và chăm sóc cho em.

12 năm đến trường trên đôi vai gầy yếu của ông bà nội là 12 năm vươn lên với nghị lực phi thường của Thùy Chi. Những bài giảng của thầy cô trên lớp, em phải nhờ bạn chép hộ bằng cách đặt tờ giấy than xuống dưới trang vở ghi bài của bạn để có tư liệu học bài, và những kỳ thi nhà trường dành cho Chi luôn là những kỳ thi đặc biệt với hình thức vấn đáp. Những nỗ lực đó của Chi đã được đền đáp một cách xứng đáng khi 12 năm học Chi đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và được Trường THPT Lào Cai 1 đặc cách tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.

Ước mơ chinh phục giảng đường đại học

Khi Thùy Chi quyết định thi tiếp vào đại học, cả gia đình em ai cũng lo lắng bởi việc dự thi với một thí sinh khuyết tật cả tay và chân như Chi là một điều vô cùng khó khăn. Cảm phục trước nghị lực và tinh thần học tập của Thùy Chi, cô giáo chủ nhiệm đã tìm cách đề đạt nguyện vọng của em lên ban giám hiệu nhà trường, trường lại chuyển lên Sở GD&ĐT Lào Cai, rồi từ đó nguyện vọng của Chi đến được với Bộ GD&ĐT.

Cơ hội đã mỉm cười với Chi khi Bộ GD&ĐT chấp nhận cho em tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học 2010 với hình thức thi đặc biệt: Thùy Chi sẽ thi trong một phòng thi riêng với ba giám thị: một người chép bài hộ Chi, một người thu âm và người còn lại quay camera.

Địa chỉ liên lạc của Nguyễn Thùy Chi: Lớp quản lý xã hội K30, Học viện Báo chí & tuyên truyền, 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 01682304805.

Thùy Chi tâm sự: “Em thích học văn và làm thơ từ hồi lớp 4. Khi đó trong lớp có một nhóm bạn sinh hoạt về thơ, rủ em tham gia cho vui và thật bất ngờ khi em thấy mình có duyên với thơ, có thể dùng thơ để bày tỏ những tâm sự, mơ ước của mình. Chính vì vậy em đã chọn thi vào khoa văn Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng do thiếu điểm nên em chuyển nguyện vọng 2 sang khoa quản lý xã hội của Học viện Báo chí và may mắn trúng tuyển”.

Tháng 9-2010, Thùy Chi chính thức trở thành sinh viên Học viện Báo chí & tuyên truyền Hà Nội. Nhà trường sắp xếp cho Chi ở trong một căn phòng nhỏ riêng biệt của ký túc xá, miễn hoàn toàn chi phí học tập cho em cũng như dành hình thức thi vấn đáp cho Chi trong tất cả các kỳ thi học phần.

Cần những tấm lòng để đi tiếp ước mơ

“Cô như vầng trăng sáng/ Soi bước đường em đi/ Là ngọn đèn tri thức/ Thắp sáng bao diệu kỳ...”.

Đó là những vần thơ Thùy Chi viết dành tặng cô Đào Thị Thông - giáo viên chủ nhiệm lớp đại học - trước sự quan tâm đặc biệt dành cho Chi.

Cô Thông chia sẻ: “Ban đầu khi mới nhập học, có một người bác gái theo Chi xuống ở cùng. Cả gia đình ở quê quyên góp được hơn 2 triệu đồng, xuống Hà Nội mua sắm một số thứ cần thiết còn lại 1,8 triệu. Vậy mà gần một tháng sau khi tôi hỏi em Chi còn bao nhiêu tiền, em nói vẫn còn khoảng 1,4 triệu mà tôi không tin vào tai mình. Một tháng trời mà hai bác cháu chỉ dám tiêu mỗi ngày 15.000 tiền mua thức ăn, hôm nào “lãng phí” lắm thì mua thêm 3.000 hoa quả nữa... Tôi đã thức gần như trắng đêm với những trăn trở không biết phải làm cách nào để tìm người hỗ trợ em Chi trong sinh hoạt và học tập hằng ngày, rồi nguồn tài trợ cho các chi phí đắt đỏ chốn Hà thành...”.

Thật may mắn khi cô Thông và bạn bè trong lớp của Chi liên hệ được với bên Trung tâm Sống độc lập, và trung tâm đã giúp Chi tìm được một bạn gái hằng ngày hỗ trợ em trong tất cả các sinh hoạt.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thùy Chi rụt rè: “Em mong muốn những bạn khuyết tật đều có thể làm việc được như những người bình thường. Với cá nhân em, em muốn mình có thể viết báo. Các thầy cô bên khoa báo chí đã nhận lời giúp đỡ em trong thời gian tới, nhưng em nghĩ để đạt được ước mơ đó là cả một quá trình không hề đơn giản. Em không biết mình sẽ đi được đến đâu trên đoạn đường ấy với những điều kiện và hoàn cảnh khó khăn đang đối mặt, nhưng sẽ cố gắng hết sức khi còn có thể!”.

Cần lắm những bàn tay của cộng đồng để giúp đỡ Thùy Chi đến với ước mơ của mình, bởi một bàn tay có thể là đơn độc, bé nhỏ nhưng khi có nhiều bàn tay cùng chung lại thì có thể làm nên những điều kỳ diệu cho những người giàu nghị lực và khao khát vươn lên như Thùy Chi.

xgMnHw0m.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LƯƠNG ĐÌNH KHOA(Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên