TTCT - Mấy năm gần đây, không ít đề văn nghị luận được đưa ra với tâm điểm là một số sự kiện thời sự nóng bỏng. Có vẻ như mục đích là để chuẩn bị cho học sinh vào đời qua việc nhìn, thấy và giải thích một số hiện tượng xã hội, như tập bơi trước khi nhảy vào bể đời. Thế nhưng, liệu việc “tập bơi” như thế đã là đầy đủ và an toàn chưa? Minh họa Bên cạnh những đề nghị luận ngữ văn lớp 9 rất "kinh điển" như: “Hãy giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn, hay Ở hiền gặp lành, Gần mực thì đen. Gần đèn thì sáng”... còn có những đề sát thời cuộc như: “Bình luận về thói ăn chơi đua đòi”, hoặc sát cuộc sống như: “Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì quá mải chơi mà sao nhãng việc học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về hiện tượng đó”... Có những đề gợi mở suy tư như: “Em có suy nghĩ gì về vẻ đẹp tâm hồn của một con người?”, thậm chí rất triết lý như: “Nitsơ cho rằng: Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ. Nhà văn Nam Cao lại cho rằng: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Nêu suy nghĩ của em về hai câu nói đó...”... Ở lớp 12, các đề nghị luận “nặng đô” hơn: “Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”; “Hiện nay, nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó”. Hoặc: “Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động 'nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'”... Bơi bằng gì ? Giờ ta nhìn vào “gợi ý làm bài” của đề thi: “Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động 'nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'”. “Tư liệu” được gợi ý sử dụng trong “gợi ý làm bài” này là “trong đời sống xã hội”, tỉ như “hiện tượng tiêu cực trong thi cử trong nhà trường hiện nay là một hiện tượng xấu cần xóa bỏ, nó làm cho học sinh ỷ lại, không tự phát huy năng lực học tập của mình; hiện tượng lấy tỉ lệ để nâng thành tích của nhà trường...”. Từ đó, “phân tích hiện tượng, phê phán các biểu hiện sai trái: thái độ học tập gian lận; phê phán hành vi cố tình vi phạm, làm mất tính công bằng của các kỳ thi”. Rồi kết bài bằng cách: “Kêu gọi học sinh có thái độ đúng đắn trong thi cử, phê phán bệnh thành tích trong giáo dục”. Ta thấy gì ở đề và gợi ý làm bài này? Có cảm giác như người học sinh, một khi có đề bài trước mắt, tự nhiên nhìn và thấy đâu là tiêu cực, đâu là tích cực, như thể bản thân đang là hiện thân của “chân lý”. Còn đây là gợi ý đề nghị luận về tai nạn giao thông: Phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông: “Khách quan: cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên... Chủ quan: ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh. Xử lý chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lý”. Rồi có luôn dẫn dắt phê phán: “Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống. Tai nạn giao thông ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý. Tai nạn giao thông gây rối loạn an ninh trật tự. Tai nạn giao thông gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế. Tai nạn giao thông làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động”. Kết luận của gợi ý làm bài này là: “Do đó, giảm thiểu tai nạn giao thông là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội. Thanh niên, học sinh cần có hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông. Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu: “Nói không với phóng nhanh vượt ẩu”... Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ...”. Cứ như thể các học sinh chỉ cần “xuống đường làm nhiệm vụ”, “giương cao khẩu hiệu”..., bản thân và xã hội sẽ tự khắc tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Cách tiếp cận các vấn đề xã hội như trên cho thấy một nếp không rõ là suy nghĩ hay hành vi tự động. Có thể mượn kiểu bài tập substitution drills (tập thay thế, giao hoán) để đề xuất các nội dung “chiến dịch” như: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với xả rác”. Thay thế túc từ “xả rác” bằng “chạy chỗ, chạy chức”, “tham nhũng”, “uống rượu bia”, “đi lễ cúng bái trong giờ hành chính” sẽ có những đề tài và khẩu hiệu mới: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với chạy chỗ”, “nói không với tham nhũng”, “nói không với uống rượu bia trong giờ hành chính”, “nói không với đi lễ cúng bái trong giờ hành chính”... Cứ thế mà giao hoán các túc từ, bài tập substitution drills này sẽ cho phép tạo ra... 1.001 đề văn nghị luận cùng những lý giải nghị luận nghe chừng rất dễ dàng. Cho mượn cái phao để tập bơi Ở các nước khác, nhà trường cũng dạy nghị luận xã hội và luân lý, đạo đức. Có thể lấy thí dụ chương trình đạo đức học trong cụm môn gọi chung là triết học (gồm luận lý học, tâm lý học và đạo đức học) mà nay vẫn được nối tiếp ở Pháp cùng một số nước, dạy cho học sinh trung học, xoay quanh một số chủ đề nền tảng như “đạo đức và chân lý”, “thế nào là một hành động đạo đức”, “chúng ta có nghĩa vụ với ai?”, “đạo đức và hạnh phúc”, “đạo đức và tự do”, “đạo đức và lao động”, “đạo đức và nghệ thuật”, “đạo đức và khoa học”... Học sinh được giới thiệu một số khái niệm cơ bản của các tác giả triết học liên quan (Kant, Rousseau, Locke, Nietzsche...), được yêu cầu đọc thêm về các tác giả đó, giới thiệu và giải thích, suy luận qua các thảo luận, các thuyết trình, các bài kiểm tra... mà mục đích là để đoan chắc rằng học sinh đã được trang bị một nền tảng tham chiếu, viện dẫn các tư tưởng từ cổ đại tới đương thời, như một cây thước có ý nghĩa toàn cầu để cùng căn vào đó... Khi các thành viên trong các xã hội (kể cả khác nhau) cùng được trang bị một “cây thước tham chiếu” có ý nghĩa toàn cầu, từ đạo đức cá nhân đến đạo đức xã hội, đến thế giới, thế giới sẽ vận hành trên kỷ cương luật pháp quốc tế (a rules - based international order), mà mọi Công ước của Liên Hiệp Quốc (từ Hiến chương tới công ước luật biển, chống tham nhũng, chống tra tấn...), mọi tuyên bố chung của các hội nghị từ G-7 tới G-20 hay của ASEAN đều nêu ra làm nền tảng. Cũng từ đó mà nhận rõ được hành vi của những cá nhân, tổ chức và thậm chí quốc gia đang chà đạp những cam kết này, như công ước luật biển, chống tra tấn... Học sinh sẽ không tự “bơi” mà sẽ viện dẫn các kiến thức, các khái niệm đã được giới thiệu, và rồi tự suy nghĩ trước mỗi chọn lựa. Và cũng từ đó mà các câu hỏi cần đến nghị luận và suy xét như: “Khoa học mà không lương tâm chỉ là sự hủy hoại của con người”, “Lòng từ thiện bắt đầu từ bản thân”, “Hãy cư xử sao cho việc cư xử với loài người, với chính bản thân cũng như với bất cứ ai khác đều cùng là một mục đích chớ không chỉ là một phương tiện”, “Tòa án mà người ta cảm nhận trong lòng chính là lương tâm”... mới có thể được trả lời từ chính các em. Người ta không học triết học, mà là học luận minh triết. Học bơi, tập bơi để tự bơi Cách “tập bơi” như thế đem đến cho học sinh các điểm tựa tư duy, một thói quen tư duy, tự nhận thức đúng, sai không chủ quan mà là hướng đến và nắm rõ các giá trị phổ quát toàn cầu. Tôi còn nhớ đề thi triết ban C, năm 1969, chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Mỗi lần ta xuất hiện với tha nhân, ta lại vong thân”, anh/chị nghĩ gì?”. Tất nhiên, không đợi đến lớp cuối trung học mới học, mà bắt đầu từ tấm bé, các em đã cần được học cách biết sống lễ phép sao cho tối thiểu cũng biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, nhường người lớn, phụ nữ, trẻ em, đi ngang đám tang biết giở nón chào... Cốt yếu, nhà trường phải ra sức làm ngược lại điều mà Jean-Jacques Rousseau đã quở trách: “Người ta sinh ra đời là thiện, xã hội làm hư hỏng con người”. Rất mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra yêu cầu giáo dục học sinh về “lòng dũng cảm truy bắt tội phạm của hiệp sĩ đường phố và vận động quyên góp giúp đỡ các hiệp sĩ thương vong”. Một sự nghiệp giáo dục rất cần tới những bình tĩnh, thấu đáo, lâu dài. Điều tối kỵ khi nghị luận về các đề tài thời sự là nhấp nhổm vì cảm tính, vì cảm xúc tập thể..., nhất là khi đang ở trong một bối cảnh đầy những cảm xúc. Bởi một khi đã được cung cấp một nền tảng tham chiếu rộng lớn và đủ đầy, học sinh bắt đầu tập bơi, lần hồi chẳng cần tới cái phao nữa, do cái phao đã trở thành một thuộc tính có sẵn trong tư duy, từ đó tạo thành một thói quen tự luận suy trước khi hiểu biết vững vàng mà dấn bước vào hành động.■ Từ những giờ lên lớp nghe giảng, thảo luận, đọc thêm, học sinh sẽ lần hồi có đủ hiểu biết vững vàng để có thể trả lời được vô vàn những đề bài rất “ngóc ngách”, không chỉ để lấy điểm thi mà để tự nhìn đời, như: Thế nào là một hành động đạo đức? Trong những điều kiện nào một hành động là đạo đức? Liệu chỉ cần ý định tốt thì một hành động là đạo đức? Đạo đức có thể được phán xét qua các hành vi? Có ý thức tốt, liệu đã đủ để hành động một cách đạo đức? Làm tròn nhiệm vụ của mình, phải chăng đã là đạo đức rồi? Liệu có thể làm nhiều hơn nhiệm vụ? Đạo đức có phải chỉ là một tập hợp những quy ước? Nghĩa vụ đạo đức phải chăng chỉ là một nghĩa vụ xã hội? Đạo đức có tùy thuộc vào văn hóa? Các giá trị đạo đức phải chăng chỉ là một sự chọn lựa? Người ta có thể làm tròn nhiệm vụ theo thói quen?... Chúng ta làm trọn nhiệm vụ của mình vì ai? Ta có nghĩa vụ yêu thương người khác? Ta có nghĩa vụ với bản thân hay không? Là chính mình có phải là một bổn phận hay không? Yêu cầu đạo đức có phải là một trở ngại trong việc đeo đuổi hạnh phúc? Các yêu cầu đạo đức có tương thích với các khao khát của ta không? Hành động một cách đạo đức có nhất thiết là phải chống trả lại các ham muốn của ta? Ta có nhiệm vụ đem đến hạnh phúc cho người khác? Chỉ cần làm tròn nhiệm vụ đã là hạnh phúc rồi?... Tags: Nghị luậnThời sựTập bơi để tự bơi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).