Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn rơi vào đúng mùa bướm ở vườn quốc gia này - Ảnh: MINH ĐỨC
Tuần lễ sẽ có trình diễn múa cồng chiêng, múa sạp; giao lưu nghệ thuật quần chúng của các đoàn tham gia; đêm hội âm nhạc; hội diễn nghệ thuật quần chúng, các hoạt động thể thao như bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co…
Huyện Nho Quan (Ninh Bình) có khoảng 29.000 người là dân tộc Mường sinh sống (chiếm 15% dân số của huyện) và điều đặc biệt là các bản người Mường ở đây hiện còn bảo tồn rất tốt văn hóa dân tộc mình nên tuần lễ hứa hẹn sẽ có nhiều khám phá thú vị cho du khách.
Khách khám phá Động người xưa giữa Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh: T.ĐIỂU
Vừa đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan với phương châm hòa hợp với thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa để phục vụ phát triển du lịch, ông Lê Quốc Thịnh - giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương - vui mừng khoe ở huyện Nho Quan vẫn còn nhiều bản Mường nguyên vẹn.
Chỉ có một điều đổi thay trong mấy năm gần đây khi du lịch Cúc Phương phát triển hơn đó là đời sống của đồng bào Mường được nâng lên rõ rệt khi vừa tham gia sản xuất vừa làm dịch vụ du lịch, "bà con đã biết mang củ sắn, củ khoai, con gà nhà trồng, nuôi được ra trước nhà để bán cho du khách".
Ngoài sức hấp dẫn của văn hóa thì Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn còn hấp dẫn khách tham quan bởi chính Vườn quốc gia Cúc Phương - khu vườn 2 năm liền nhận danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á do World Travel Awards bình chọn (năm 2019, 2020).
Công trình nhà tre lớn nhất miền Bắc của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa vừa hoàn thành tại xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - Ảnh: CTV
Điểm du lịch này không chỉ nổi tiếng trong nước và thế giới với khu bảo tồn động, thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ sơ kỳ đồ đá mới… mà còn có lợi thế đặc biệt với mùa bướm vào tháng 4-5.
Sau khi kết thúc mùa mưa ẩm ướt, những đàn bướm sẽ đổ về bay rợp cả một khu rừng, nhất là thời điểm trời hửng nắng sau những ngày mưa lớn.
Tại đây có khoảng 400 loài bướm với đầy đủ chủng loại như bướm khế, bướm phượng… Nếu tình riêng lượng cá thể thì con số này phải lên đến hàng triệu con.
Ngoài check-in với muôn cánh bướm đủ sắc màu, du khách sẽ được tham gia mô hình mê cung Kỳ thú Cúc Phương; các trò chơi dân gian như đu tiên, bập bênh… nơi khu vườn quốc gia hấp dẫn này.
Với những khách ưa du lịch "sang chảnh" cũng sẽ được thỏa nguyện bởi gần đây, huyện Nho Quan đã tạo nhiều cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư vào ngành công nghiệp không khói.
Ít ai ngờ, ngay tại bìa rừng Cúc Phương, bãi đá lộ đầu trước kia vốn chỉ bỏ hoang, không bóng cây ngọn cỏ nào mọc được thì nay đã là một khu nghỉ dưỡng sinh thái với nhiều bóng mát, và những công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư nổi tiếng và khắt khe Võ Trọng Nghĩa thiết kế.
Nơi đây không chỉ có công trình bằng tre lớn nhất miền Bắc được tạo lên từ 110.000 cây tre, bởi 80 người làm trong 2 năm, giành 3 giải thưởng kiến trúc quốc tế.
Khách sạn 5 sao do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế ở Cúc Phương từng bị gọi là 'trụ sở ủy ban phường' - Ảnh: T.ĐIỂU
Nó còn có khu khách sạn được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc đầy cá tính, gam màu xám trầm lẩn khuất giữa màu xanh của núi rừng.
Ban đầu khi thuê kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, ông Lê Quốc Thịnh đã ngán ngẩm "không muốn nhìn" bản vẽ thiết kế. Ông Thịnh muốn đặt vào đây một công trình thật lóng lánh, sang trọng, bắt mắt chứ không phải một công trình xám lạnh với những khối kiến trúc mặt "đơn điệu" như "trụ sở ủy ban phường".
Nhưng rồi càng ngày ông Thịnh càng bị hấp dẫn bởi công trình như "trụ sở ủy ban phường này" bên rừng Cúc Phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận