Phan Chí Công bên vựa thu mua dưa của mình - Ảnh: K.Nam |
“Mình đi xa học được cái nghề thì cũng nên chia sẻ với bà con. Trước mắt chưa tính lời lãi bao nhiêu, nhưng thấy bà con có thu nhập là vợ chồng mình mừng. Mình có lòng, chắc ông trời không phụ đâu |
Nông dân trẻ Nguyễn Hoàng Đạt |
Anh Phan Chí Công (37 tuổi, ngụ ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ như trên.
Tai không rời điện thoại, miệng liên tục báo giá dưa, giá ớt, giá hoa màu cho thương lái, anh Công kể lại mối duyên của mình với giống dưa hoàng kim vàng rực có vị ngọt rất thanh.
Người đầu tiên gieo giống dưa hoàng kim
Xuất phát từ việc thích giống dưa có màu sắc bắt mắt, cách đây 17 năm, từ chỗ làm thuê ở Thủ Đức (TP.HCM), anh Công quyết định bỏ việc đi tìm giống dưa về trồng tại quê nhà.
Sau mấy lần thất bại, Công rút ra kinh nghiệm là phải trồng dưa hoàng kim vào mùa khô, nước tưới thì phải khoan giếng ngầm. Vậy là lần đầu tiên vùng quê Vĩnh Thuận biết tới loại trái cây mới.
Ban đầu, Công thu hoạch rồi chất xuống xuồng chèo đi bán ở các trường học. Dần dần dưa hoàng kim của Công bén khách, được thương lái đưa ra chợ huyện.
Công nhẩm tính mỗi công đất trồng dưa sau vụ lúa đông xuân cho thu nhập cả chục triệu đồng, tính ra gấp hơn 10 lần trồng lúa. Làm có hiệu quả, Công vận động bà con quanh xóm trồng theo nhưng không ai chịu làm.
Thấy vậy, Công mạnh dạn nhờ Huyện đoàn Vĩnh Thuận rồi Tỉnh đoàn Kiên Giang giúp sức “quảng bá” cách làm mới phá thế độc canh cây lúa. Kiên trì mấy năm ròng rã bà con mới tin tưởng làm theo.
Kết quả là bây giờ về xã Vĩnh Bình Bắc sau mùa lúa đông xuân sẽ thấy nhà nhà đều trồng dưa. Giống dưa vàng cũ đã được thay thế bằng giống dưa lê mới. Tuy không còn màu vàng bắt mắt, nhưng bù lại dưa lê cho trái to, vị ngọt và giòn hơn dưa hoàng kim.
“Ở không làm chi”
Đó là câu “cửa miệng” mà anh nông dân Nguyễn Hoàng Đạt (31 tuổi) và vợ thường dùng để vận động bà con nông dân tranh thủ lúc nông nhàn tham gia đan ghế nhựa gia công kiếm thêm thu nhập.
Đạt kể cách đây 9 năm, Đạt một mình tìm tới xưởng đan ghế nhựa ở TP.HCM để vừa làm thuê kiếm sống, vừa học nghề. Chín năm cặm cụi nơi đất khách, Đạt dành dụm được khoảng 50 triệu đồng.
Có tiền, Đạt rủ vợ trở về quê nhà ở ấp Ruộng Sạ 1, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận mua được miếng đất ngang 11m, dài 50m.
Lúc này, chủ xưởng đan ghế gợi ý Đạt mang nguyên liệu thô về quê gia công thành phẩm để lấy tiền công. Nhìn quanh ấp, Đạt thấy nhiều bà con nông dân thất nghiệp vì không có đất sản xuất.
Tính toán kỹ lưỡng, Đạt vay mượn 30 triệu đồng thuê một sân trượt patin bỏ không rộng khoảng 150m2, đầu tư một số máy móc cần thiết rồi bắt đầu “tuyển dụng lao động”.
Ông Đặng Minh Khá (63 tuổi) mới học nhưng đã đan ghế nhựa thành thạo - Ảnh: K.Nam |
Ấn tượng nhất là hôm ghé qua xưởng đan ghế của Đạt, tôi phải hỏi mới được các “công nhân” chỉ chỗ hai vợ chồng ông bà chủ cũng đang cặm cụi đan ghế giống như mọi người.
Đạt chia sẻ nghề này có cái hay là không phân biệt già trẻ, trai gái, thậm chí người khuyết tật cũng làm được. Người nào sáng dạ thì mình dạy 1-2 ngày là họ làm được, người nào chậm hiểu lắm thì cũng chỉ 5-7 ngày.
Hiện tại mỗi ngày một người đan giỏi có thể hoàn thành hai chiếc ghế và có thu nhập 200.000 đồng.
“Về quê vô hợp tác xã mấy bạn!”
Khác với Công và Đạt, đảng viên trẻ Lê Trung Kiên - 28 tuổi, phó ban lãnh đạo kiêm bí thư chi đoàn ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận lại thấy cám cảnh vì làng xóm vắng bóng người trẻ. Vậy là Kiên tìm cách lôi kéo trai tráng trở về quê nhà.
Tìm trong huyện không thấy cách gì khả thi, Kiên lên tới tỉnh, rồi sang tỉnh bạn. Và giải pháp tìm ra là nuôi cá bống tượng - một loài cá thuộc hàng đặc sản chỉ dành cho người “có điều kiện” thưởng thức vì giá cao. Hiện tại giá thương lái mua tại ao cá loại 1 từ 800g - 1kg là 360.000 đồng/con.
Cũng như Công và Đạt, ban đầu Kiên tự bỏ vốn mua cá giống, tự lấy đất nhà làm “thí điểm” theo kiểu “lời mình ăn, lỗ mình chịu, hiệu quả tốt thì cả làng hưởng chung”.
Bất ngờ là giống cá “cao cấp” này lại khá dễ nuôi. Mỗi ao cá chỉ cần diện tích từ 150-200 m2 là đủ. Mật độ thả cá cứ 1 con/1m2, thức ăn thì coi như của trời cho quanh năm không hết vì cá bống tượng chỉ ăn cá tạp.
Thí điểm ba ao cá, qua ba năm Kiên thu nhập gần 300 triệu đồng. Tính mỗi ao cho thu nhập tròm trèm 30 triệu đồng sau 12-14 tháng nuôi.
Kiên mạnh dạn lên xã rồi lên huyện xin chủ trương thành lập hợp tác xã (HTX) thanh niên nuôi cá bống tượng. Ban đầu HTX có chín thành viên, dần dà tăng lên 30 thành viên, đông quá phải tách ra làm hai HTX.
“Cái hay của HTX là thả giống, cho ăn, quản lý nguồn nước cùng lúc nên ít rủi ro. Rồi khi thu hoạch cá thương lái họ cũng khoái vì đi một chuyến mà được gần hết ao cá.
Nhưng khoái nhất là chuyện vay vốn, không có HTX ai cho vay tín chấp. Hiện tại cứ thành viên mới là sẽ được ngân hàng hỗ trợ ngay 15 triệu đồng làm vốn nuôi cá” - Kiên hồ hởi nói.
Với mô hình của Kiên, thanh niên trong xã không cần đất rộng, không cần có vốn, chỉ cần chịu khó cần cù là đã có nguồn thu nhập ổn định quanh năm từ con cá bống tượng.
Giúp thanh niên khởi nghiệp tại quê nhà “Qua những mô hình thanh niên khởi nghiệp tại quê nhà Vĩnh Thuận, tôi thấy đây là cách nghĩ và cách làm rất hay, mới mẻ. Điểm chung ở họ là không suy nghĩ theo lối mòn, dám bứt phá ngay trên mảnh ruộng với những truyền thống lâu đời của chính mình, và họ đã thành công. Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ thanh niên nông thôn vừa khởi nghiệp, cải thiện đời sống, vừa có kỹ năng quản trị kinh doanh. Về lâu dài, sản xuất nông nghiệp dù với loại hình nào cũng cần phải theo hướng tạo ra sản phẩm xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích” - ông Nguyễn Quốc Nam, phó bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận