16/08/2018 12:26 GMT+7

Nghỉ học thứ bảy: làm được nếu có giải pháp linh hoạt

V.HÀ - H.HƯƠNG. - L.TRUNG - B.ĐẤU - TR.NH. ghi
V.HÀ - H.HƯƠNG. - L.TRUNG - B.ĐẤU - TR.NH. ghi

TTO - Nếu được nghỉ học thứ bảy, học sinh có thêm thời gian để học kỹ năng sống, phụ giúp gia đình... Tuy nhiên việc này sẽ gây xáo trộn, đòi hỏi phải có giải pháp linh hoạt.

Nghỉ học thứ bảy: làm được nếu có giải pháp linh hoạt - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu được nghỉ ngày thứ bảy nên tổ chức cho tham gia các hoạt động giáo dục thể chất, năng khiếu, kỹ năng... Trong ảnh: học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) hào hứng tham gia ngày hội STEM, một hoạt động ngoài giờ của trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là ý kiến của các chuyên gia giáo dục liên quan đề xuất cho học sinh thay vì chỉ nghỉ chủ nhật như hiện nay.

Khó thực hiện nếu học 1 buổi/ngày

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ông ủng hộ phương án cho học sinh nghỉ học 2 ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật.

Tuy nhiên, do đặc thù của TP.HCM học sinh quá đông nên các trường không đủ phòng học để tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Đối với các lớp học 1 buổi/ngày, bắt buộc phải học cả ngày thứ bảy.

"Vì vậy, Sở GD-ĐT TP giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường phổ thông sắp xếp, bố trí ngày nghỉ cho học sinh sao cho phù hợp với điều kiện từng trường (tức là học sinh học 2 buổi/ngày thì hoàn toàn có thể nghỉ học cả thứ bảy và chủ nhật).

Nhưng nghỉ không có nghĩa là cho học sinh ở nhà, Sở GD-ĐT TP khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa về đạo đức, kỹ năng sống, thể dục thể thao... vào ngày thứ bảy cho học sinh tham gia và trải nghiệm.

Thậm chí những hoạt động này cũng có thể tổ chức cả vào ngày chủ nhật nếu phụ huynh tự nguyện đưa đón con em tham gia", ông chia sẻ.

Còn theo ông Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, ngành GD-ĐT nên khuyến khích những trường có đủ cơ sở vật chất và nhân lực có thể chủ động sắp xếp kế hoạch chương trình phù hợp để cho học sinh nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật.

Những nơi nào không có điều kiện sắp xếp thì có thể vẫn học ngày thứ bảy để đảm bảo thực hiện đúng chương trình.

Với thời lượng của chương trình hiện hành thì muốn cho học sinh nghỉ hai ngày cuối tuần, ít nhất các trường phải có đủ phòng học để học trái ca một số giờ học.

Ngoài ra có thể xây dựng kế hoạch dạy học với các cách tổ chức linh hoạt, đa dạng.

Còn nếu không có các giải pháp linh hoạt, chỉ triển khai chương trình bình thường như hiện nay trong điều kiện chỉ học 1 buổi/ngày thì không thực hiện được đề xuất "nghỉ ngày thứ bảy".

Dành ngày thứ bảy để dạy kỹ năng sống, định hướng nghề

Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho rằng nếu cho học sinh nghỉ ngày thứ bảy thì chương trình học phải tính lại, sắp xếp lại vì nó có sự xáo trộn. Vì vậy phải hết sức cân nhắc, tính toán thật kỹ.

"Thay vì cho học sinh nghỉ ngày thứ bảy, ở nhà chơi thì nên dùng ngày đó để dạy cho học sinh kỹ năng, dạy các hoạt động có tính chất bổ trợ cho học sinh phát triển toàn diện hơn như: giáo dục thể chất, kỹ năng sống, kỹ năng mềm...

Chứ còn nghỉ hẳn ở nhà thì không nên. Bởi vì chúng ta đang cần một quỹ thời gian để tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp... cho học sinh nhưng hiện nay chương trình bố trí đã kín hết rồi, thời gian cho những hoạt động ấy rất thiếu", ông nói.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cũng cho rằng việc cho học sinh nghỉ học hai ngày cuối tuần phải tùy thuộc vào cơ sở vật chất từng trường mới sắp xếp thời khóa biểu để học sao cho kịp chương trình.

Nếu các trường có đủ phòng học và trang thiết bị học tập rồi linh hoạt sắp xếp cho học sinh học tập đủ theo thời lượng chương trình của Bộ GD-ĐT thì các trường hoàn toàn tự chủ sắp xếp được cho học sinh nghỉ ngày thứ bảy.

Bà cho biết tại An Giang, Sở GD-ĐT đã giao các trường tự chủ thời gian học tập từ nhiều năm nay. Hiện cấp THCS và THPT nhiều trường có đủ cơ sở vật chất đã cho học sinh nghỉ hẳn hai ngày cuối tuần, như Trường THPT Tân Châu.

Nghỉ thứ bảy sẽ giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh

Theo sắp xếp hiện nay trong hệ thống trường công lập, học sinh tiểu học chỉ học 5 ngày/tuần. Theo đó, học sinh bậc này có thể được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc nghỉ ngày chủ nhật và một ngày bất kỳ trong tuần.

Học sinh các trường THCS, THPT học 6 ngày/tuần, chỉ được nghỉ ngày chủ nhật.

Chỉ các trường tư thục ở bậc trung học được chủ động về thời gian năm học, một số trường công lập có điều kiện cơ sở vật chất đủ để học 2 buổi/ngày thì mới có điều kiện sắp xếp thời khóa biểu để học sinh nghỉ hai ngày cuối tuần.

Có con đang học lớp 7 ở Nam Định, ông Nguyễn Minh Tuấn, TP Nam Định, cho biết ông rất ủng hộ đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy.

"Lịch học hằng tuần của con tôi rất căng thẳng, gồm học trong trường và học thêm, dù xót con nhưng sợ con không theo kịp bạn bè trong lớp nên phải theo.

Được nghỉ ngày thứ bảy sẽ giảm tải áp lực lên con tôi. Ngoài ra, gia đình tôi cũng có thời gian thong thả ngày cuối tuần thay vì phải dậy thật sớm chuẩn bị cho con đi học rồi lại canh giờ đón về", ông nói.

Em Lê Nguyễn Phương Trúc, học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc B, TP.HCM, chia sẻ em đã học ngày thứ bảy từ năm lớp 6 cho đến năm nay lớp 10.

Với em, nếu được nghỉ học ngày thứ bảy sẽ khỏe hơn vì giảm được một lượng bài tập, ngoài ra có thời gian ở nhà phụ giúp gia đình hoặc đi chơi cùng bạn bè, hay ít nhất cũng cân bằng lại giữa việc học và cuộc sống.

Nghỉ học thứ bảy, được không?

TTO - GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng đề xuất nghỉ học thứ bảy đối với học sinh có ý nghĩa tích cực nhưng sẽ rất khó thực hiện trong điều kiện thực tiễn giáo dục hiện nay.

V.HÀ - H.HƯƠNG. - L.TRUNG - B.ĐẤU - TR.NH. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên