Đó là "cuộc chiến" đang diễn ra với nhiều gia đình trẻ mỗi khi con nghỉ hè nhưng cha mẹ phải đi làm.
Gian nan đưa con về quê
Hai con vừa thi xong học kỳ 2, anh Hùng (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã lên kế hoạch đưa tụi nhỏ về quê gửi ông bà suốt ba tháng hè.
Các năm trước, khi con còn học mẫu giáo, trường chỉ nghỉ khoảng hai tuần rồi vẫn tổ chức giữ trẻ dịp hè, hai vợ chồng anh Hùng còn thay phiên nhau nghỉ phép để ở nhà canh con.
Năm nay đứa nhỏ mới xong lớp 1, đứa lớn vừa xong lớp 3, trường tiểu học nghỉ hè ba tháng liền, vợ chồng anh Hùng phải cầu cứu ông bà nội ngoại ở quê.
Giá vé máy bay cao ngất ngưởng, ba cha con mua vé tàu từ ga Sài Gòn về quê Quảng Trị cho tiết kiệm. Tàu ra tới Phú Yên thì phải lỉnh kỉnh đồ đạc trung chuyển sang xe khách qua đoạn có hầm đường sắt đang sạt lở. Hành trình đưa con về quê nghỉ hè cũng thật gian nan.
Lúc mới về tụi nhỏ rất hào hứng. Nhưng hôm anh Hùng trở lại TP.HCM làm việc, cậu con út buồn thấy rõ. Anh Hùng vừa vào tới nơi thì cậu con lớn đã nhắn hỏi mẹ: "Khi nào mẹ về đón con?". Khi nghe mẹ nói đến cuối tháng 8, cậu bé nói: "Mong sao cuối tháng 8 đến nhanh. Em Pen nhớ mẹ lắm".
Vợ anh Hùng chia sẻ câu chuyện này lên Facebook, nhiều bạn bè đồng cảm cho biết: "Sao giống cảnh nhà tôi lúc này quá. Mỗi lần con nghỉ hè là cả nhà náo loạn".
Ba tháng nghỉ hè dài như ba năm
Với vợ chồng chị Trang (ngụ quận Gò Vấp), ba tháng con nghỉ hè ở nhà dài như ba năm.
Cứ đến ngày con nghỉ hè là gia đình chị Trang bước vào cuộc chiến vật lộn gửi con. Mấy năm trước, có năm thì gửi con qua lớp giữ trẻ gần nhà, có năm lại phải tha con vào công ty.
Năm nay công ty mới chuyển về trụ sở mới nhỏ hẹp nên chị Trang không thể mang con vào chỗ làm được nữa. Trong khi đó ông bà nội ngoại ở quê đang bệnh già, cũng khó đưa con về quê nhờ vả ba tháng hè.
Vậy là vợ chồng chị quyết định cho con học lớp 4 ở nhà mà cứ lo ngay ngáy. Vừa tập trung làm việc ở công ty, vợ chồng chị Trang vừa canh điện thoại để ý con qua camera ở nhà.
"Hai đứa cũng ngoan, tự giác lo lắng chuyện chơi chuyện làm việc nhà. Dặn con cẩn thận bếp núc, điện đóm, nhưng tôi vẫn canh cánh những nỗi lo. Cảm giác ngày hè sao dài quá" - chị Trang bày tỏ.
Còn anh Quang (ngụ Bình Thạnh, làm việc ở huyện Hóc Môn) mấy nay cứ tranh thủ giờ nghỉ trưa là chạy từ công ty về nhà để "giám sát" con trai vừa học xong lớp 6 đang nghỉ hè.
Nhà có người giúp việc, có lắp camera để giám sát từ xa nhưng nghỉ hè là cậu bé cứ dán mắt vào điện thoại chơi game quên ăn quên ngủ. Anh Quang phải ngày đi về mấy lượt để nhắc nhở con.
Anh Quang nói: "Nhiều địa phương ra thông báo cấm trường dạy thêm dịp hè. Quy định đúng chủ trương, nhưng nỗi khổ không biết gửi con ở đâu trong mùa hè là chuyện có thật trong các gia đình ở thành phố.
Mong mỏi của tôi là ngành giáo dục có thể có những giải pháp thú vị cho mùa hè của các con, thay vì để phụ huynh nhốt con trong nhà, đẩy con về quê hay đưa con đến công ty cùng cha mẹ".
Dưới bài viết Công ty biến thành nhà trẻ mini và chuyện đau đầu gửi con dịp hè, nhiều bạn đọc chia sẻ thêm nỗi niềm.
Bạn đọc Hạnh Đoàn viết: "Đúng là đau đầu chuyện gửi con mỗi khi hè về. Nhà tôi một đứa theo ba, một đứa theo mẹ đến công ty ròng rã mấy tháng hè như vậy. Con nhỏ không thể yên tâm đế tụi nó đóng cửa ở nhà từ sáng đến chiều tối, trong khi ông bà đều ở xa".
Theo bạn đọc Hưng NP: "Đem con theo khi đi làm chắc có lẽ người cha người mẹ nào cũng từng trải qua. Nhưng nói thế nào đi chăng nữa mọi người cũng nên quản trẻ, không để các cháu quá hiếu động làm phiền người khác".
Còn độc giả Nhan bày tỏ: "Đem trẻ theo cha mẹ vào cơ quan là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng cũng đừng làm quá, làm lố, xem công ty như cái chợ và để trẻ tự tung la hét om sòm như ngoài đường. Đó cũng là cách dạy trẻ biết tôn trọng người khác".
Thăm dò ý kiến
Để mùa hè của con không trôi qua lãng phí, bạn sẽ:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận