Huấn luyện viên hướng dẫn bé cách làm quen với nước - Ảnh: DUY NGÂN
Việc tìm ra một sân chơi bổ ích cho trẻ em vào mùa hè cần kết hợp tốt giữa 2 yếu tố: học và chơi. Cho trẻ tại môi trường mát mẻ, thoải mái sẽ góp phần tạo ra không gian vui chơi lành mạnh, kích thích tính tò mò, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với smartphone, thiết bị điện tử…
Cho trẻ để vừa học, vừa chơi
Có con gái chuẩn bị vào lớp 1, chị Kiều Mơ (Thủ Đức, TP.HCM) sốt sắng tìm hiểu về các khóa học bơi ngắn hạn từ lúc bé vừa nghỉ hè. Chị kể: "Con gái tôi hơi nhút nhát nên tôi muốn cho bé đi học bơi, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa chơi đùa với các bạn.
Bé cũng thích nước nên rất hào hứng. Bé biết bơi, sau này gia đình đi biển chơi, tôi cũng an tâm hơn".
Nhằm tạo sân chơi cho con được thư giãn, vui chơi, chị T.Minh (quận 9, TPHCM) thường xuyên đưa bé đến hồ để học bơi: "Bé nhà tôi năm nay được 6 tuổi. Tôi cho bé đi học bơi mùa hè này để rèn luyện thể dục, thể thao, biết bơi để bảo vệ mình và có một kỳ nghỉ hè thú vị".
Chị Nguyễn Hồng Thúy (HLV hồ bơi Ánh Viên, quận 9 - TP.HCM) cho biết: "Số lượng trẻ em học bơi năm nay tăng đáng kể so với các năm về trước. Mỗi ngày hồ bơi tiếp nhận và dạy khoảng 40 em, chia ra 2 ca sáng và chiều. Phụ huynh có thể lựa chọn ca phù hợp".
Rất đông trẻ em đến học bơi tại hồ bơi Ánh Viên (quận 9) - Ảnh: DUY NGÂN
Cần nhưng không nên ép!
"Khi học bơi, trẻ sẽ được vui chơi giải trí cùng bạn bè, và quen biết thêm nhiều bạn mới. Điều thuận lợi trong việc giảng dạy bơi là trẻ tiếp thu rất nhanh, hiếu động nên dễ học tập.
Nhưng khó khăn ở chỗ là các bé còn quá nhỏ, ham chơi, thích chơi nhiều hơn học. Với một số trẻ sợ nước, tôi thường trò chuyện cùng trẻ, giải thích cho trẻ hiểu để trẻ quên đi nỗi sợ và dần làm quen", Trung Tính (HLV dạy bơi) nói.
Trẻ được giải thích thao tác bơi ở trên cạn trước khi xuống nước - Ảnh: DUY NGÂN
Thạc sĩ Mai Toàn Thịnh (Giảng viên Bộ môn Thể thao dưới nước - trường Đại học TDTT TP.HCM) cho biết: "Học bơi là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Các lợi ích tiếp theo là nâng cao sức khỏe, giúp phát triển thể chất, nhất là hệ thống hô hấp, tim mạch, hệ vận động, giúp trẻ cải thiện các tố chất thể lực. Từ đó, trẻ sẽ tự tin, năng động hơn khi học tập.
Việc học bơi được kết hợp với các kỹ năng an toàn và tự cứu sẽ giúp giảm thiểu mức thương vong khi xảy ra sự cố trên khu vực sông nước".
Trẻ được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ để phòng ngừa rủi ro - Ảnh: DUY NGÂN
Theo ông, việc học bơi để đạt hiệu quả cần thực hiện thường xuyên ít nhất là 4 hay 6 buổi 1 tháng, và kéo dài từ 3 đến 5 năm để hình thành kỹ năng tốt nhất. Ngoài ra, phụ huynh cần sắp xếp thời gian phù hợp và thuận lợi cho trẻ. Không nên đặt áp lực cho trẻ khi học bơi, vì việc học kỹ năng cần phụ thuộc vào khả năng và cần thời gian. Không nên cho trẻ đi học nếu trẻ đã học hay vận động nhiều trong ngày, vì sẽ gây mệt mỏi, giảm hiệu quả việc học bơi.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn hồ bơi phù hợp kinh tế gia đình, đủ giấy phép hoạt động và có đầy đủ điều kiện hoạt động vui chơi, học bơi đóng vai trò quan trọng không kém. "Nghiệp vụ sư phạm của giáo viên là yếu tố quan trọng để trẻ học bơi. Do nhiều yếu tố khách quan, việc học sẽ tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ nếu giáo viên chọn sai phương pháp dạy.
Đặc biệt, phụ huynh nếu có thể, hãy giám sát quá trình học của trẻ, để là người cứu hộ thứ 2 cùng giáo viên trong các trường hợp xảy ra sự cố", Thạc sĩ Mai Toàn Thịnh khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận