Bởi không chỉ ở các em sinh viên đại học, mà ngay trong trường học, việc giao tiếp qua email giữa các thầy cô với ban giám hiệu và thậm chí với cơ quan chủ quản cũng có nhiều tình huống mà người nhận thư không biết nên vui hay buồn, nên cười hay khóc và tự hỏi mình: biết trách ai?
Trước hết lỗi thường gặp nhất ở các email như bài viết đã nêu đó là “No subject” - thư không có chủ đề. Người sử dụng email luôn được khuyến cáo rằng với những email dạng này, có đến 90% là những email có chứa virút độc hại, cho nên tốt nhất là không nên mở và xóa bỏ.
Vì vậy, khi thầy cô gửi email mà không được hồi đáp đều thắc mắc, thậm chí phiền lòng, nhưng khi hỏi ra mới biết cớ sự. Song bài học rút ra thì... vẫn chưa thỏa đáng, bởi nó có sự lặp đi lặp lại cho những lần gửi sau, mà khi được góp ý thì ngoài việc le lưỡi hay cười trừ, động thái điều chỉnh là... hoàn toàn xa lạ.
Nhiều lần tiếp nhận email của các bạn đồng sự, thậm chí ngay cả của các thầy cô dạy bộ môn văn, bản thân tôi cũng không hiểu mình đang đứng ở vị trí nào đối với đồng nghiệp trong thư trao đổi đó, khi không có bất kỳ một đại từ nhân xưng và cụm từ giao tiếp nào kiểu như “kính thưa” ở đầu thư và “kính thư” ở cuối thư. Và nếu có tập tin đính kèm thì trong nội dung thư cũng chẳng có một lời giải thích hay giới thiệu gì về nội dung đính kèm đó để người đọc chú ý.
Trong bài, tác giả Trần Xuân Tiến có đề nghị các trường đại học nên chăng trong các buổi đầu tiếp nhận sinh viên, cần nêu những hướng dẫn để tạo kỹ năng giao tiếp qua email cho sinh viên, và tôi cho rằng đây là một đề nghị rất hay. Bởi trên thực tế, không chỉ trường đại học cần hướng dẫn cho sinh viên mà còn ở các trường phổ thông.
Trong phiên họp chuyên môn đầu mỗi năm học, ban giám hiệu, đặc biệt là các phó hiệu trưởng phụ trách mảng hành chính, cũng luôn có phần hướng dẫn này, thậm chí gửi email mẫu cho các thành viên trong trường...
Nhưng rồi mọi việc cũng cứ diễn ra như hiện trạng bài báo phản ánh, mà chúng tôi thường phải “tự đùa an ủi” mình đó là: Dạy con từ thuở còn thơ... hướng dẫn thì phải từ thuở bơ vơ mới về trường, chứ bây giờ thói quen đã “ăn vào máu” và thầy cô cũng đã ở độ tuổi giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời thì biết làm sao?
Các nhà giáo dục học đã chỉ ra rằng quá trình giáo dục trẻ luôn song hành hai hướng và buộc phải có hai hướng, đó là giáo dục và tự giáo dục. Một khi cái lễ và tự trang bị lễ nơi mỗi người chưa là điều kiện tiên quyết trong hành xử, thì khoan nói đến những chuyện “đội đá vá trời” khác.
Và đó là lý do vì sao sau khi đọc bài viết của tác giả Trần Xuân Tiến, nhiều nhà giáo dục đã ngậm ngùi nhớ lại lời dạy rất đơn giản mà hiệu nghiệm của ông bà ta xưa: “Lời chào cao hơn mâm cỗ!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận