TTCT - Dự thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương trình Chính phủ, chờ ban hành, nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn chưa giải quyết được điều cốt lõi là cạnh tranh giữa các đầu mối. Người tiêu dùng cần sự minh bạch trong cách điều hành và quản lý ngành xăng dầu, không nửa vời như hiện nay - Ảnh: Thuận Thắng Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn là thứ yếu khi quy định mới chưa mở đường cho sự chênh lệch giá giữa các cây xăng. Các chuyên gia khẳng định còn không ít vấn đề sẽ phải phụ thuộc công tác điều hành của các bộ và khả năng giám sát của báo chí, dư luận xã hội. Bộ nào chịu trách nhiệm? Điểm đầu tiên khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn là Bộ Tài chính sau một thời gian điều hành đã có văn bản đề nghị trả lại quyền chủ trì điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công thương. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, cho rằng dư luận đã ngay lập tức đặt câu hỏi về tính khách quan trong điều hành tới đây khi Bộ Công thương đang quản lý các doanh nghiệp, nay lại điều hành luôn giá. Dù thực tế có nhiều bộ chuyên ngành đang điều hành giá trong lĩnh vực mình quản lý, như Bộ Thông tin - truyền thông quản lý giá cước viễn thông, nhưng “lâu nay vẫn thấy khi doanh nghiệp đề nghị tăng giá là Bộ Công thương ủng hộ ngay, nên nay giao họ điều hành thì đúng là có băn khoăn” - ông Long nói. Trả lời TTCT về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng việc chuyển giao là rất bình thường, xuất phát từ xu hướng điều hành cần giao việc quản lý giá một số ngành về cho các bộ chuyên ngành, chẳng hạn Bộ Y tế đang quản giá thuốc, Bộ Công thương quản giá điện... Ông Tuấn khẳng định Bộ Tài chính không “bỏ” việc quản lý giá xăng dầu mà “lùi lại một bước để tăng trách nhiệm giám sát chung”, từ giám sát việc tăng giá của doanh nghiệp đến các quyết định điều hành giá của Bộ Công thương, vì Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Với nỗi lo “lợi ích nhóm”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, một quan chức Bộ Công thương chịu trách nhiệm soạn thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 cho rằng khi giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, doanh nghiệp được quyền tự tăng giảm giá trong phạm vi 2% thì cơ quan nhà nước không thể can thiệp và khó có thể phát sinh lợi ích nhóm. Khi giá thế giới tăng cao khiến phải điều chỉnh (ở mức tối đa 7%) thì vẫn do cơ chế liên bộ quyết định, nghĩa là Bộ Công thương chủ trì nhưng phải có ý kiến của Bộ Tài chính. Nếu Bộ Tài chính không đồng ý cho tăng giá mà Bộ Công thương vẫn điều hành tăng thì Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về quyết định này. Người dân được lợi gì? Một điểm sửa đổi quan trọng được chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình soạn thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 là quyền tự quyết điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Theo dự thảo ban đầu, doanh nghiệp được quyền tự điều chỉnh khi giá cơ sở (gồm giá thế giới cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng đến 5% (thay mức 7% hiện hành). Nếu như trước đây giá xăng dầu chỉ ở mức 20.000 đồng/lít thì doanh nghiệp được quyền quyết định giá ở mức 7%, có nghĩa họ có quyền điều chỉnh giá khoảng 1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, nay giá xăng đã lên tới khoảng 25.000 đồng/lít, nếu vẫn giữ mức trên, doanh nghiệp có quyền tăng đến khoảng 2.000 đồng/lần/lít. Vì vậy, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải từng phải có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương giảm định mức doanh nghiệp được quyền tự quyết định điều chỉnh xuống mức 2% “cho phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế”. Theo mức này, người dân sẽ được lợi ở chỗ khi giá thế giới biến động, chỉ phải chịu mức tăng giá khoảng 500 đồng/lít/lần điều chỉnh, không bị tăng giá sốc. Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, với nghị định mới, người dân sẽ dễ có thông tin để giám sát hơn nếu các quy định trong dự thảo được thực hiện nghiêm túc và cập nhật, chẳng hạn Bộ Công thương sẽ phải công bố trên trang web của bộ về giá thế giới, giá cơ sở, các biện pháp bình ổn đang thực hiện... Bộ Tài chính phải công bố số trích lập, số đã sử dụng và số dư còn lại của quỹ bình ổn giá xăng dầu hằng quý, đồng thời công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Bản thân các doanh nghiệp xăng dầu cũng phải công bố số tiền đã sử dụng từ quỹ bình ổn, số dư quỹ... hằng tháng và trước khi tăng giá bán xăng dầu... Nhưng giá sẽ tăng nhanh hơn... Theo ông Ngô Trí Long, với tinh thần trao quyền cho doanh nghiệp và tinh thần điều hành giá của Bộ Công thương, nghị định mới nếu được thông qua sẽ khiến giá xăng dầu trong nước dễ tăng nhanh hơn và tăng nhiều lần hơn so với hiện nay. Dù cho rằng dự thảo nghị định mới có nhiều điểm tiến bộ, minh bạch hơn, song ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, vẫn cho rằng với các quy định này, thị trường xăng dầu vẫn phụ thuộc rất lớn vào điều hành thực tế. Dù Bộ Công thương điều hành giá, nhưng theo ông Ruệ, Bộ Tài chính lại nắm công cụ thuế, phí, khi cần có thể điều chỉnh. Điều 36 dự thảo nghị định, theo ông, vẫn nêu khá chung chung: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định thuế nhập khẩu đối với từng chủng loại xăng dầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”. Như vậy, trong trường hợp giá thế giới giảm, Bộ Tài chính hoàn toàn có thể quyết định tăng thuế, bác khả năng giảm giá cho người dân với lý do “phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”. Và khi đó, chỉ Bộ Tài chính mới biết và có quyền suy diễn thế nào là “phù hợp”, người dân thì kiểu gì cũng phải chịu. Trong một trao đổi với TTCT, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho rằng thuế nhập khẩu xăng dầu là công cụ quản lý của Nhà nước, dù mức thuế là bao nhiêu thì cuối cùng nó sẽ được đưa vào giá bán và người tiêu dùng sẽ là người chi trả cuối cùng. Ông Năm cũng đồng tình cần quy định thuế nhập khẩu xăng dầu ổn định trong ít nhất sáu tháng để doanh nghiệp có thể chủ động trong kinh doanh. Ông Phan Thế Ruệ cho biết Hiệp hội Xăng dầu đã có văn bản gửi cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng không nên dùng các từ định tính, như “điều hành thuế nhập khẩu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ” hay việc dùng quỹ bình ổn khi “việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”. Theo ông Ruệ, cần quy định con số cụ thể, hoặc rõ ràng hơn như “khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành” thì dùng quỹ bình ổn. Hay thuế nhập khẩu, theo quan điểm của hiệp hội, phải ổn định trong vòng một năm. Ông Ruệ cho rằng điều này vừa giúp Nhà nước có nguồn thu ổn định, vừa giúp doanh nghiệp không bị động và minh bạch hóa hoạt động điều hành, tránh chủ quan, duy ý chí. Ngoài ra, dự thảo nghị định lần này vẫn chưa giải quyết vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu. Chuyện doanh nghiệp cùng “nhìn nhau tăng giá” sẽ tiếp tục xảy ra. Chênh lệch giá giữa các cây xăng không xuất hiện thì sự lựa chọn của người tiêu dùng đương nhiên bằng 0. Để tăng thị phần và tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chỉ có động lực mạnh nhất là tăng chiết khấu để lôi kéo đại lý bán hàng cho mình, thay vì giảm giá cho người tiêu dùng. Để giải quyết tình trạng này, ông Phan Thế Ruệ đề nghị cần áp khung chiết khấu, hoa hồng cho các đại lý, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh bằng cách cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mạnh hơn. Trước áp lực của cổ đông, doanh nghiệp sẽ buộc phải cạnh tranh mạnh hơn bằng việc giảm chi phí, tăng chất xám để mua được hàng thời điểm rẻ nhất. Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng quản lý giá xăng dầu theo kiểu ba bước là theo “kiểu của VN”. Việc quy định doanh nghiệp được tự tăng từ 0-2%, trên 2-7% thì doanh nghiệp quyết một phần, trên 7% Thủ tướng xem xét, theo ông Long, là chưa phù hợp với Luật giá, bởi luật này quy định rõ trường hợp nào Nhà nước định giá, trường hợp nào doanh nghiệp định giá. Thị trường xăng dầu hiện nay, theo ông Long, là độc quyền nhóm, vì vậy nếu chỉ sửa mức tăng từ 7% xuống 2% nhiều khả năng việc điều hành giá xăng dầu tới đây vẫn không nhận được sự đồng thuận xã hội. Do vậy, giải pháp vẫn là tính toán áp giá trần cho xăng dầu, tùy biến động giá đầu vào. Ngoài ra, để thị trường thật sự vận hành, cần giảm vai trò thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp thị phần lớn, theo hai cách: hỗ trợ để 20 đầu mối ngoài Petrolimex nâng thị phần và tính toán cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia cạnh tranh tại thị trường xăng dầu VN. Dự thảo nghị định lần này đề xuất việc tính giá cơ sở dựa vào chu kỳ 15 ngày thay vì tính bình quân 30 ngày như hiện nay cũng chưa giải quyết rốt ráo câu chuyện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Với Petrolimex, nhờ có hệ thống bán lẻ, cửa hàng quá lớn (trên 60% thị phần) nên việc tính giá cơ sở dựa trên 30 ngày hay 15 ngày đều chẳng ảnh hưởng… Việc tính giá cơ sở nếu tính theo sát giá thế giới, nghĩa là lên hoặc xuống đều được thực hiện tức thì tương tự các nước làm, mới giúp các đầu mối cạnh tranh thật sự, đem lại giá tốt cho người tiêu dùng. Để có cạnh tranh thật sự, theo một chuyên gia trong ngành xăng dầu, điều kiện tiên quyết là không để tồn tại một đầu mối chiếm thị phần ưu thế như Petrolimex hiện nay mà nên có nhiều đầu mối với thị phần không vượt quá 30%. Petrolimex quá mạnh để dẫn dắt về giá, các công ty nhỏ sẽ vẫn nhìn vào “anh cả” này để định giá. Vì thế, nhiều ý kiến vẫn e ngại khi Nhà nước giao quyền tự quyết về giá cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm với Quỹ bình ổn Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu theo tinh thần dự thảo nghị định mới, sẽ trích thường xuyên. Nếu vậy thì không đúng tinh thần của một quỹ bình ổn. Đúng ra khi giá thế giới giảm mới nên trích quỹ. Khi giá thế giới tăng mà vẫn trích theo kiểu “thường xuyên” thì lúc này quỹ không còn tính chất bình ổn mà khiến giá đã cao phải đội thêm một khoản phí khiến tăng cao hơn nữa. Như thế, người tiêu dùng luôn phải ứng trước một khoản tiền dự phòng cho tăng giá. Bên cạnh đó, theo tôi, hiện nay chỉ người tiêu dùng có trách nhiệm đóng quỹ bình ổn giá xăng dầu là không hay. Doanh nghiệp cũng là một bên tham gia, tại sao họ không đóng? Dù ít hay nhiều, doanh nghiệp nên trích một phần lợi nhuận của mình đóng vào quỹ để chia sẻ với người tiêu dùng và tăng trách nhiệm của họ khi sử dụng quỹ. PGS.TS NGÔ TRÍ LONG Tags: Bộ Công thươngQuỹ bình ổnNghị định kinh doanh xăng dầuCạnh tranh các đầu mối
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.