12/09/2020 09:03 GMT+7

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Sự pha trộn giữa phim truyền hình và phim tài liệu đã tạo nên lối kể chuyện đầy quyến rũ cho bộ phim dài 6 tập Đế quốc trỗi dậy: Ottoman.

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman - Ảnh 1.

Sultan Mehmed II được khắc họa như một vị vua trẻ thông minh và tham vọng với khát khao chinh phục Constantinople - Ảnh: IMDB

Đế quốc trỗi dậy: Ottoman (Rise of Empires: Ottoman) là bộ phim thuật lại cuộc chiến giữa Sultan Mehmed II của Vương quốc Ottoman và hoàng đế Constantine XI của Đông La Mã để giành quyền kiểm soát thành phố huyền thoại Constantinople vào năm 1453.

Ở trận chiến đã đi vào sử sách như một sự kiện thay đổi tiến trình lịch sử thế giới, nhà sản xuất đứng trước hai lựa chọn: phóng tác nội dung dựa trên kiến thức cơ bản hoặc ít hấp dẫn hơn - làm phim tài liệu. Tuy nhiên, phim lại rẽ sang hướng khác với thể loại phim tài liệu tái hiện (docudrama).

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman - Ảnh 2.

Thành phố Constantinople (nay là Istanbul) - hiện lên kỳ vỹ và đầy khiêu khích như một "trái táo đỏ" trong lời tiên tri của người Hồi giáo - Ảnh: IMDb

Sức mạnh kể chuyện của phim tài liệu tái hiện

Muốn mang đến một cái nhìn hoàn chỉnh và đầy thách thức về lịch sử, đạo diễn Emre Sahin như đi trên dây với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman.

Làm thế nào để tạo sự lôi cuốn cho một bộ phim truyền hình với ngôn ngữ điện ảnh phóng khoáng, đồng thời vẫn mang đến cho công chúng hàm lượng kiến thức giá trị?

Phim trả lời khán giả bằng lối kể chuyện đan xen vào nhau. Với từng sự kiện lịch sử, phim đi theo hướng tuyến tính nhưng trong những tường thuật về cuộc đời Mehmed, dòng thời gian phi tuyến tính được chen vào, cho người xem trải nghiệm thú vị khi đứng giữa hai lằn ranh phóng tác và thực tế trong một cách làm phim linh hoạt.

Từ một người con ngoài giá thú, Mehmed lên ngôi vua, bị cha lấy lại vương vị chỉ ít lâu sau đó, cho đến khi ông đứng trên đỉnh cao quyền lực một lần nữa và quyết chiếm Constantinople.

Tư tưởng, quyết tâm, sự thông minh của Mehmed và những biến loạn của triều đình đều được các sử gia, nhà văn lý giải xen kẽ nhịp phim mà vẫn không gây đoản mạch.

Mặc cho bản thân là một đề tài lịch sử đã rạch ròi, phim tràn ngập những khiêu khích lẫn gợi ý, khi đến từ lời thoại, cử chỉ của nhân vật, lúc lại hiện lên trong một vài mở đề của giới chuyên gia.

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman - Ảnh 3.

Hoàng đế Constantine XI trong cuộc chiến bảo vệ vương vị - Ảnh: IMDb

Tâm tư của những con người hai bên chiến tuyến

Đặc trưng của phim tài liệu tái hiện là lời bình luận của các chuyên gia đan cài vào các phân cảnh tuyến truyện. Nhưng nói như vậy là còn xem nhẹ sự nhạy cảm của những nhà dựng phim. Với một sự kiện lớn như đề cập ở trên, không ít người xem đã biết trước kết quả cuộc chiến.

Nếu đánh giá của các sử gia không được tính toán, cân đối hợp lý, người xem sẽ sớm bước vào ranh giới phim tài liệu, và vì vậy bộ phim có vẻ kém hấp dẫn, bất ngờ hẳn.

Nhà dựng phim đã khéo léo để những chuỗi lời nói, hành động này không "giẫm chân" lên nhau. Có như thế, cốt cách của Mehmed II và Constantine XI, những chiến lược táo bạo trong trận chiến 53 ngày ở Constantinople mới cuốn lấy người xem trong từng phân đoạn mà không bị thông tin gây nhiễu.

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman - Ảnh 4.

Cảnh vua Constantine XI bàn bạc chiến lược như được sao ra từ bích họa Bữa ăn tối cuối cùng - Ảnh: IMDb

Bộ phim còn là một tác phẩm đẹp, rọi vào tâm tư của những con người hai bên chiến tuyến bên cạnh dòng chảy lịch sử. Ở tuổi 21, vị vua trẻ vừa lên ngôi Mehmed mang trong mình một khao khát cháy bỏng chinh phục "quả táo đỏ" Constantinople, sánh ngang mình với Julius Caesar, Alexander Đại đế và mở rộng lãnh thổ Ottoman ra toàn thế giới.

Phía còn lại, Constantine XI hi sinh bản thân để bảo vệ thành phố đã tồn tại 1.500 năm từ thời cha ông lập quốc, chấp nhận cầu cạnh những kẻ khác tôn giáo và sẵn sàng chết trên chiến trường quê hương.

Chậm rãi dẫn nhân vật đến cảnh không còn gì để mất, bộ phim như sợi dây thòng lọng hờ, sau khi cuốn được chân lại quăng khán giả vào những tình huống nghẹt thở - ít thấy ở phim tài liệu và thường bị cường điệu hóa quá đỗi ở phim điện ảnh, truyền hình.

Nghẹt thở với Đế quốc trỗi dậy: Ottoman - Ảnh 5.

Cuộc chiến tàn khốc được tái hiện trên màn ảnh - Ảnh: IMDb

Khơi dậy tò mò nơi người xem

Những bộ phim đình đám như Game of Thrones, Vikings... luôn biết cách khơi dậy tò mò nơi người xem bằng cách hé ra những tình tiết được lấy cảm hứng từ lịch sử.

Tắt màn hình đi, khán giả lao đến kệ sách hoặc tra trên Internet theo chỉ dấu của tác giả và bắt đầu những cuộc tranh luận không ngớt, độ vênh của phim với thực tế được mang ra mổ xẻ.

Các nhà làm phim khôn ngoan tận dụng mức độ tham gia của công chúng để tạo nên đời sống cho tác phẩm.

Kẻ cắp nhân dạng: Ngọt ngào và day dứt Kẻ cắp nhân dạng: Ngọt ngào và day dứt

TTO - Khi ngoài rạp nhan nhản phim "bom tấn" trung bình với chất nguyên gốc ít ỏi như Bán đảo (Peninsula), khán giả nên trao cơ hội cho những bộ phim có ý tưởng lạ lẫm và tính nguyên gốc cao hơn như bộ phim Pháp Kẻ cắp nhân dạng.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên