19/06/2016 07:00 GMT+7

Nghẹt thở mùa hè của bé

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG

TTO - Hết học sáng, học chiều, học thêm, học chính khóa trong năm, đến mùa hoa phượng nở học sinh lại phải cắp sách đi học hè.

Ngoài giờ ôn tập văn hóa trên lớp, học sinh Trường tiểu học Châu Văn Liêm (Q.6, TP.HCM) còn được học các giờ ngoại khóa, kỹ năng sống trong dịp hè - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngoài giờ ôn tập văn hóa trên lớp, học sinh Trường tiểu học Châu Văn Liêm (Q.6, TP.HCM) còn được học các giờ ngoại khóa, kỹ năng sống trong dịp hè - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều người lo lắng đặt vấn đề liệu học sinh có được hưởng những năm tháng mùa hè tuổi thơ đúng nghĩa không hay với áp lực học tập như vậy?

Phụ huynh nói gì?

Lý giải về việc tại sao gửi con đi học hè, chị V.T. (Q.3, TP.HCM) cho rằng nỗi khổ của các bậc phụ huynh là con cái nghỉ hè nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm. Nếu không cho con đi học thì để ở nhà ai trông?

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng thà để con đến trường học tập nhiều điều bổ ích còn hơn suốt ngày ở nhà chơi game, xem tivi.  

Bên cạnh việc cho con đi học hè vì sợ con ở nhà không ai quản lý, nhiều gia đình còn chọn giải pháp gửi con vào trường vì phí tham gia các trại hè, các lớp học kỹ năng sống hiện nay còn đắt đỏ.

Học hè là nhu cầu xã hội?

Theo thạc sĩ (ThS) tâm lý Lê Thị Minh Hoa, sự lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng.

Trong dịp hè, nếu phụ huynh bỏ các con ở nhà để đi làm thì thường có tâm lý không yên tâm, lo sợ các mối nguy hiểm bủa vây xung quanh con.

Nhiều phụ huynh lại cho rằng nếu không cho con học trước kiến thức trong dịp hè thì vào năm học con sẽ không theo kịp các bạn đã được học trước.

Tuy nhiên theo ThS Lê Hoàng Giang - giảng viên Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), phụ huynh không nên cho học sinh học trước chương trình trong dịp hè, bởi việc này khiến các giáo viên khi vào năm học không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của mỗi em.

Không những thế, việc học trước còn khiến các em chủ quan, ít quan tâm đến chuyện học trên lớp vì cho rằng kiến thức này mình đã biết rồi.

Bên cạnh đó ThS Lê Hoàng Giang cũng cho rằng việc dạy trước chương trình là không đúng quy định, vì chương trình học phải được đảm bảo dạy theo đúng tiến độ trong năm học.

“Chương trình SGK hiện nay mang tính pháp lệnh, giáo viên phải dạy đúng tiến độ chứ không thể dạy trước hay sau. Trường nào, giáo viên nào tổ chức dạy trước chương trình mà bị Bộ Giáo dục - đào tạo phát hiện thì chắc chắn bị kỷ luật” - ThS Lê Hoàng Giang cho biết.

Mùa hè cho trẻ học gì?

Một lớp học hè tư duy cờ vua cho các em từ lớp 2 đến lớp 9  - Ảnh: Như Hùng

Theo GS, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, sự phát triển của một đứa trẻ cần phải toàn diện về các mặt: ngôn ngữ, toán học, không gian - thị giác, âm nhạc, thể chất, tương tác xã hội…

Do vậy, nếu chỉ tập trung trang bị kiến thức sẽ làm các em gặp nhiều áp lực không cần thiết, bên cạnh đó còn phát triển thiếu toàn diện.

Nếu phụ huynh muốn cho con rèn luyện trong dịp hè thì nên cho các em trải nghiệm các hoạt động ở CLB, trung tâm sinh hoạt thể dục thể thao, văn nghệ… chứ không nên cho đi học kiến thức.

ThS Lê Thị Minh Hoa cũng cho rằng học sinh hiện nay quá thiếu các kỹ năng xã hội.

“Tôi dạy các lớp kỹ năng, thấy nhiều em mười mấy tuổi rồi mà không biết cầm dao, không biết nấu cơm, không biết tự chữa trị những vết thương đơn giản như bỏng, đứt tay… Vì vậy phụ huynh nếu cho con đi học hè thì nên cho các em học những lớp kỹ năng này” - ThS Hoa kể.

Theo ThS Hoa, xã hội hiện nay đang thiếu trầm trọng những hoạt động sinh hoạt hè cho học sinh.

Đội thiếu niên và Đoàn thanh niên nên tổ chức nhiều hoạt động hơn, giúp các em vui chơi trong dịp hè, có thể tổ chức các buổi cắm trại, tham quan, các lớp học kỹ năng sống… Ở địa phương có thể tổ chức những hoạt động này.

Ở góc nhìn khác, ThS Lê Thị Minh Hoa cũng cho rằng học thêm kiến thức trong dịp hè cũng không hoàn toàn là xấu, vấn đề là học thế nào cho hợp lý.

Nhiều em trong quá trình học trên lớp có thể bị hổng kiến thức ở môn này, môn kia, vì vậy trong dịp hè có thể đi học thêm những môn này để bù đắp kiến thức và kỹ năng.

“Học sao cho vừa đủ là tùy vào hoàn cảnh và năng lực của mỗi em. Tuy vậy, các em chỉ nên học những môn mình còn yếu” - ThS Hoa nói.

Theo GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, các ban ngành chức năng cần phải hướng cho phụ huynh, giáo viên hiểu rõ vấn đề này để đáp ứng mọi nhu cầu một cách lành mạnh mà không gây tiêu cực, khó khăn trong hoạt động giáo dục.

Trẻ hiện nay quá thiếu tự chủ, tự lập

Nhiều người so sánh việc học sinh ở VN mùa hè phải đi học, trong khi học sinh ở Nhật Bản mùa hè được tự động đi chơi.  

Theo GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, trẻ em Nhật Bản được dạy cách sống tự lập từ rất sớm trong khi ở VN thì ngược lại, các em luôn sống trong sự bao bọc của gia đình.

Cùng với khả năng tự lập còn yếu của hầu hết trẻ em VN, môi trường xã hội với tình hình an ninh trật tự còn nhiều bất ổn đã khiến ông bố, bà mẹ không thể an tâm để con ở nhà dịp hè.

Theo ThS Lê Hoàng Giang, việc phụ huynh để cho nhà trường quản lý con cái mình trong dịp hè vấp phải một vấn đề là khiến học sinh ngày càng phụ thuộc vào nhà trường và các lớp học thêm mà không tự chủ trong vấn đề học tập.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> GS Nguyễn Võ Kỳ Anh:

>>  ThS Lê Thị Minh Hoa:

>> ThS Lê Hoàng Giang: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục