Nhạc sĩ Phú Quang kể lại câu chuyện buồn về thân phận một người Việt bỏ mạng xứ người phía sau bài hát Chiều đông Matxcơva của ông - Ảnh: BTC
Từng lời ấy đã được nhạc sĩ Phú Quang kể lại ngắt quãng, khó khăn trong cơn nấc nghẹn vì nỗi đau buồn ông vẫn còn giữ bao năm về một người Việt xa xứ đã bỏ mạng nơi đất khách quê người, trong lạnh lẽo, cô đơn.
Phú Quang đã lần đầu tiên kể với công chúng câu chuyện quá buồn này trong một chương trình truyền hình vừa được phát sóng.
Câu chuyện buồn của người nhạc sĩ được kể ra giữa lúc mà mọi người đang thắt lòng thương xót 39 đồng bào bỏ mạng bi thảm ở Essex, nước Anh xa xôi và lạnh lẽo đã khiến nhiều nghệ sĩ, khán giả có mặt ở trường quay và sau đó là khán giả truyền hình phải thắt tim bởi câu chuyện về những thân phận người Việt tha hương mưu sinh.
Nghẹn ngào với chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang về những người lao động xa xứ | Ký Ức Vui Vẻ - Teaser
Cũng từ câu chuyện này, có lẽ lần đầu tiên nhiều người mới biết rằng bài hát Chiều đông Matxcơva ngỡ là một khúc tình ca dang dở cho đôi trai gái lại là ca khúc mà nhạc sĩ viết từ niềm xúc động trước một đồng bào mà ông chỉ vừa bén duyên chút ít đã vội chết tủi hờn, lạnh lẽo nơi xứ người.
Ca sĩ Tấn Minh là một trong những ca sĩ hát rất thành công ca khúc này của Phú Quang nhưng cho tới tận lúc này anh vẫn không hề hay biết về câu chuyện quá buồn phía sau bài hát. Tấn Minh vẫn tưởng bài hát về một chuyện tình buồn dang dở và nhiều tiếc nuối của một đôi trai gái.
"Đấy là một kỷ niệm rất buồn", nhạc sĩ Phú Quang phải rất khó khăn kìm chế cảm xúc để bắt đầu câu chuyện. Ông kể khi ông sang Matxcơva, ông hay lang thang ra chợ Vòm (chợ trời) ở Liên bang Nga mua đồ và gặp gỡ đồng hương.
Chiều đông Matxcơva - Tùng Dương
Một lần ông chọn được vài món đồ ở quầy hàng của một người Việt, ông rút ví trả tiền thì bất ngờ thấy người bán hàng nhất định từ chối không lấy tiền. Anh bán hàng muốn tặng những món đồ đó cho nhạc sĩ Phú Quang bởi "anh ở Việt Nam sang, em rất nhớ Việt Nam, cái này em tặng anh thôi".
Vài món quà nhỏ không có giá trị vật chất lớn nhưng khiến người nhạc sĩ đa cảm rất xúc động trước tấm lòng thương nhớ quê hương và tình đồng hương của những đồng bào xa xứ. Hai ngày sau, nhạc sĩ Phú Quang quyết định trở lại khu chợ, mang theo chút tiền và một cái đĩa hát của ông được làm rất cầu kỳ để tặng cho người đồng hương giàu tình cảm.
Nhưng nhạc sĩ ngơ ngác không thấy bóng dáng người cũ. Rồi một tiếng sét đánh ngang tai khi ông được những người Việt ở chợ cho biết người bán hàng kia vừa chết vì lạnh. Đó là một chiều đông Matxcơva, "một chiều đông giá trắng trong lòng tôi", nhiệt độ xuống dưới âm 40 độ.
Từ nỗi bàng hoàng, xót thương phận người xa xứ mà ông từng có chút duyên nợ, nhạc sĩ đã viết lên bài hát Chiều đông Matxcơva ngập tràn nỗi xót xa, day dứt và tiếc nuối, dành tặng cho người đồng hương xấu số.
"Từng bông tuyết nhẹ rơi/ Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi/ Niềm cô đơn lẻ loi/ Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi/ Về đâu hỡi người ơi/ Để hàng bạch dương xót xa chờ mong/Cánh chim chiều đông lặng lẽ âm thầm…"
Trích Chiều đông Matxcova (Phú Quang) - Ngọc Anh
Khán giả trong nước trước đây ít biết về câu chuyện cảm động này, có lẽ vì nó quá buồn đến độ người nhạc sĩ không muốn/dám nhớ lại, kể lại; nhưng nhiều kiều bào ở Nga thì lại biết rõ hoàn cảnh sáng tác của bài hát này.
Thế nên, mỗi lần nhạc sĩ Phú Quang sang Nga là bà con kiều bào lại nằng nặc yêu cầu ông hát bài hát đó, một bài hát ông đã viết bằng tình cảm thật. "Nếu mà bạn đi như thế thì bạn sẽ rất thương những người lao động của chúng ta sang buôn bán ở đấy", nhạc sĩ Phú Quang nói trong nghẹn ngào.
Từng hát rất tình cảm ca khúc Chiều đông Matxcơva của Phú Quang cách đây đã lâu, nhưng chỉ vài năm gần đây, Tùng Dương mới được nhạc sĩ tiết lộ câu chuyện buồn phía sau bài hát trong một lần gặp gỡ.
Biết rồi thì Tùng Dương mới vỡ lẽ ra nhân vật "em" trong bài hát không phải một cô gái nào đó, mà chính là thành phố Matxcơva, là những nhân vật bất hạnh, những người Việt xa xứ kém may mắn.
"Đó là một tâm trạng có lẽ rất buồn", Tùng Dương bày tỏ nỗi đồng cảm với người nhạc sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận