20/04/2014 08:46 GMT+7

Nghẹn ngào đưa tiễn các anh

ĐỨC BÌNH - QUANG THẾ
ĐỨC BÌNH - QUANG THẾ

TT - Sáng 19-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại hiện trường vụ việc “người Trung Quốc vượt biên nổ súng, bảy người chết” tại trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Phong Sinh.

g83OLbe8.jpg
Đồng đội đưa thi thể trung úy Lê Vũ Việt Khánh từ bệnh viện về nhà riêng ở thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) để làm lễ truy điệu - Ảnh: Đ.Bình

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, khoảng 12g ngày 18-4 tại trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh), trong khi làm thủ tục để bàn giao 16 người Trung Quốc (10 nam, 4 nữ, 2 trẻ em) vượt biên trái phép vào VN cho cơ quan chức năng Trung Quốc, các đối tượng này đã cướp súng và tấn công vào cán bộ, chiến sĩ biên phòng VN.

Vụ việc đã khiến hai chiến sĩ biên phòng của đồn biên phòng Quảng Đức hi sinh. Năm chiến sĩ khác (trong đó có một công an huyện) bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hà.

Máu các anh đã đổ

Ngồi trên giường bệnh với ba vết thương trên vai được băng trắng xóa, trung úy Trần Văn Ngọc, đội trưởng đội chống ma túy đồn biên phòng Quảng Đức, kể: “Khoảng 5g sáng 18-4, khi biết nhóm đối tượng người Trung Quốc vượt biên trái phép vào VN qua lối mòn gần cửa khẩu quốc tế Bắc Phong Sinh, chỉ huy đồn biên phòng Quảng Đức huy động lực lượng phối hợp với lực lượng công an huyện truy đuổi. Đến khoảng 7g, các lực lượng bắt gọn nhóm đối tượng khi đã vào sâu đất liền VN khoảng 20km.

Trưa cùng ngày, sau khi thẩm vấn, đồn biên phòng Quảng Đức thực hiện bàn giao nhóm đối tượng cho phía cơ quan chức năng Trung Quốc tại trạm cửa khẩu quốc tế Bắc Phong Sinh.

Trong khi chờ hoàn tất các thủ tục, một người đàn ông trong nhóm đối tượng xin đi vệ sinh. Trung úy Lê Vũ Việt Khánh áp giải đối tượng này ra ngoài. Khi đối tượng kia đi vệ sinh về, ngang qua anh Cưu đang bồng súng gác ngoài hành lang thì bất thình lình nhảy vào giằng súng của anh Cưu.

Lúc này, trong phòng nhóm đối tượng nói với nhau bằng tiếng Trung Quốc bất ngờ vơ bút trên bàn đâm vào mặt tôi, rồi đạp bàn bẻ chân ghế, chân bàn lao vào tấn công tôi. Khoảng 4-5 tên lao ra cửa cùng tấn công anh Cưu và anh Khánh... Tôi vùng chạy xuống cầu thang tầng 2 nhưng ngoái nhìn lại thấy anh Cưu đang bị nhóm đối tượng tấn công nên quay trở lại trợ giúp anh Cưu...”.

Theo thiếu tá Cưu và trung úy Ngọc, khi các anh thoát được xuống tầng 1, máu me bê bết trên đầu, trên vai thì không thấy Khánh đâu. Ngay sau khi xuống tầng 1, các anh được đồng đội đưa đi cấp cứu. “Ra đến viện, khoảng 16g thì đồng đội báo tin cho chúng tôi biết đã khống chế được nhóm đối tượng. Tiếc rằng Khánh và Đãi đã hi sinh...” - anh Ngọc ngân ngấn nước mắt kể lại.

CEvgK51y.jpg
Em trai út của thiếu tá Nguyễn Minh Đãi là Nguyễn Văn Đã nức nở khóc bên linh cữu người anh cả của mình - Ảnh: Đ.Bình

Chưa kịp làm cha

Từ sáng sớm 19-4, rất đông đồng đội, người dân đã kéo về Bệnh viện Đa khoa Hải Hà để dự lễ viếng, truy điệu hai chiến sĩ đã hi sinh. Đồng đội thì gấp rút hoàn tất các thủ tục pháp lý và chuẩn bị lễ truy điệu.

Những người thân của hai chiến sĩ thất thần trước sự ra đi đột ngột của trung tá Nguyễn Minh Đãi và trung úy Lê Vũ Việt Khánh.

Ngồi phía ngoài, anh Nguyễn Văn Đã (30 tuổi, em ruột trung tá Đãi) nức nở: “Chiều qua gia đình nhận điện thoại từ đơn vị mà không thể tin đó là thật. Chị dâu tôi đang nuôi hai cháu nhỏ đã ngất lịm khi nghe tin dữ. Mãi 1g sáng nay gia đình tôi mới lên đến đây, suốt dọc đường, mọi người đều bấn loạn. Lúc này tôi cũng rối bời, vẫn chưa tin anh tôi đã mất...”.

Ông Đào Văn Phan, cậu ruột của trung tá Đãi, quệt áo lau dòng nước mắt, xúc động: “Khổ thân cháu tôi, vợ nó vừa đẻ sinh đôi, con mới được ngoài 1 tuổi, lại đang ốm. Vợ nó chăm bốn đứa con mấy hôm nay cũng đã ốm, hôm qua nhận tin dữ đã gục hẳn rồi, không thể lên đây đón thi thể chồng về. Hai đứa con lớn một đứa 11, đứa 6 tuổi cũng chưa thể cảm nhận được sự mất mát lớn lao này. Không biết mai này bốn đứa con thơ của cháu tôi sẽ sống thế nào”.

Theo ông Phan, trung tá Đãi nhập ngũ năm 1992, sau đó đi học ở Trường Nghiệp vụ biên phòng rồi công tác tại biên giới Cao Bằng. Đến năm 1999 học ngoại ngữ tại Học viện Biên phòng.

Khi tốt nghiệp (2001) về công tác tại các đồn thuộc biên giới Quảng Ninh làm công tác phiên dịch. Từ năm 2011 anh được chuyển về công tác tại đồn biên phòng Quảng Đức.

Vợ anh hiện là giáo viên tiểu học dạy tại Trường tiểu học Quế Tân (Quế Võ, Bắc Ninh). Vợ chồng anh có bốn người con, lần sinh thứ ba thì sinh đôi. Cuộc sống gia đình cũng khá vất vả, cơ cực vì anh luôn ở xa, cách nhà tám giờ xe chạy.

Nỗi đau với gia đình trung úy Lê Vũ Việt Khánh cũng như nhân lên gấp bội. Bên thi thể con, ông Lê Ngọc Thức (58 tuổi, bố đẻ Khánh) thẫn thờ cho biết gia đình ông ở thị trấn Quảng Hà, vợ chồng ông chỉ có hai đứa con, Khánh là con thứ hai, anh trai Khánh hiện vẫn không có công việc gì ổn định.

Năm 2010, Khánh vào học tại Trường trung cấp Huấn luyện chó biên phòng, sau đó về công tác tại đồn biên phòng Quảng Đức (từ tháng 9-2012 đến nay). Khánh mới lấy vợ năm 2013, hiện vợ Khánh đang mang thai đứa con đầu lòng và sắp sửa sinh.

“Từ chiều qua, vợ tôi, con dâu tôi ngất lên ngất xuống, mọi người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cùng với nỗi đau mất con, lúc này tôi còn thêm nỗi lo con dâu vì quá đau buồn mà có khi còn sinh non, ảnh hưởng đến đứa bé...” - ông Thức gục xuống ôm mặt nức nở.

Có mặt tại lễ viếng, ông Trần Văn Lâm - bí thư Huyện ủy Hải Hà - không giấu được xúc động: “Sự hi sinh của hai chiến sĩ là mất mát to lớn không thể bù đắp đối với người thân, gia đình các anh và cũng là mất mát lớn đối với chúng tôi. Trong công cuộc bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm nơi biên giới có nhiều mất mát hi sinh, nhưng những mất mát hi sinh ở thời điểm này quả là đau đớn”.

Nhanh chóng ổn định tình hình

Trao đổi qua điện thoại, trung tá Nguyễn Trọng Khải - đồn trưởng đồn biên phòng Quảng Đức - cho biết ngay sau khi khống chế, bàn giao các đối tượng cho phía Trung Quốc, biên phòng tỉnh đã chỉ đạo đồn biên phòng Quảng Đức nhanh chóng ổn định tình hình, sớm đưa cửa khẩu hoạt động trở lại bình thường. Bên cạnh đó tập trung chăm sóc những cán bộ chiến sĩ bị thương, lo chu toàn đám tang cho hai chiến sĩ hi sinh. Đến chiều 19-4, các lực lượng của đồn vẫn đang tập trung tối đa cho việc tang lễ, chăm lo cho các đồng đội bị thương đang nằm viện.

Theo đại tá Lê Như Đức - phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Biên phòng, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng cũng như Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh mỗi cơ quan đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi chiến sĩ hi sinh, hỗ trợ 10 triệu đồng/chiến sĩ bị thương.

Tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ mỗi chiến sĩ hi sinh 50 triệu đồng. Các chiến sĩ bị thương 5 triệu đồng/người...

Phối hợp với Trung Quốc điều tra và giải quyết hậu quả

* Đồn Trà Cổ bắt 20 người Trung Quốc vượt biên vào VN

Ngày 19-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Huy Hậu - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết trước mắt là hoàn tất việc trao trả người nhập cảnh trái phép theo quy định. Sau đó cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và các ngành liên quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục xem xét, điều tra và giải quyết hậu quả vụ việc theo quy chế phối hợp biên phòng giữa hai nước và theo thông lệ quốc tế.

* Đêm 18-4, lực lượng trinh sát đồn biên phòng số 3 và số 4 đồn biên phòng Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh đã bắt giữ 20 người Trung Quốc vượt biên trái phép vào VN bằng đường biển. Lãnh đạo đồn biên phòng Trà Cổ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đều khẳng định chưa có cơ sở để kết luận nhóm người này có liên quan đến nhóm người Trung Quốc nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Hiện đồn biên phòng Trà Cổ đã hoàn tất các thủ tục trao trả số người này cho các cơ quan chức năng Trung Quốc.

THÂN HOÀNG

ĐỨC BÌNH - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên