Tấn Minh hát Giai điệu tổ quốc
Diễn ra tối 31-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ sau hơn 10 ngày tổ chức sản xuất, nhưng đêm nhạc "Đi qua dông bão" vừa rất chuyên nghiệp vừa có chút "cây nhà lá vườn" rất đáng yêu đã mang đến thành công lớn khi chỉ một hội nhóm ở Hà Nội (chứ không phải các ngôi sao giải trí) nhưng đứng ra quyên góp được gần 2 tỉ đồng cho đồng bào miền Trung.
Và không chỉ đạt mục đích từ thiện tốt, đêm nhạc còn rất xúc động khi gợi lên yêu thương với đất nước, với con người qua những ca khúc được tuyển lựa "hợp tình hợp cảnh".
Trọng Tấn hát Một đời người một rừng cây
Đó là những ca khúc đã nằm lòng với người dân Việt như Giai điệu tổ quốc (Trần Tiến), Màu hoa đỏ (Thuận Yến), Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn)... cho tới những sáng tác mới đây về bão lũ miền Trung, về bảo vệ môi trường, về lòng nhân ái sẻ chia, thậm chí là một ca khúc nóng hổi Về đi các anh ơi (Phạm Hùng phổ thơ Hồ Thu Trang) về 13 chiến sĩ vừa hi sinh ở Rào Trăng.
Các nghệ sĩ thuộc nhóm 9194 Hà Nội hiện đang công tác ở các nhà hát khác nhau tại thủ đô đã mở đầu đêm nhạc thật xúc động khi hát về các liệt sĩ Rào Trăng, dẫn lối mượt mà cho những phần trình diễn sâu lắng của các ca sĩ Trọng Tấn, Tấn Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Đinh Hiền Anh, Đông Hùng, Ngọc Khuê...
Các nghệ sĩ thuộc nhóm 9194 Hà Nội mang đến bài hát xúc động về các liệt sĩ Rào Trăng có tên Về đi các anh ơi
Đàm Vĩnh Hưng sau khi tổ chức đêm nhạc ở Sài Gòn để ủng hộ miền Trung, lại tất tả ra Hà Nội hát trong đêm nhạc với các nghệ sĩ Hà Nội để hướng về miền Trung
Chương trình dành hẳn một chương để hướng về miền Trung, với những ca khúc về Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc biệt là những sáng tác khá mới từ những cảm hứng đau xót trước sự tang thương mà người dân miền Trung phải hứng chịu sau mỗi cơn bão biển, lũ đêm.
Đàm Vĩnh Hưng hát Chị tôi kể câu chuyện một người chị đã chết trong cơn bão biển dữ dằn đất Quảng Trị, còn ca sĩ Đinh Hiền Anh thì hát Ru bão với nhưng lời thống thiết "bão về mái nhà trôi, lũ về hạt cơm trôi... Đêm dông lời ru đứt quãng".
Đinh Hiền Anh hát Ru bão đầy thống thiết
Cũng hát về những tang thương bão lũ, nhưng ca sĩ trẻ Đông Hùng mang đến cho công chúng sự chênh vênh cảm xúc ghê gớm với ca khúc Lũ đêm của Dương Cầm, một ca khúc chạy từ những giai điệu dìu dặt trữ tình nhảy phắt sang những điệu rock ầm ầm thác lũ, như biển khi dữ dội, lúc dịu êm.
Khi Đông Hùng hát lên những lời kết của ca khúc: "Em không dậy nữa, em không phải khóc cho ai, em chỉ lặng im giữa dòng", có lẽ đã khiến nhiều người nghe phải nức nở khóc trong lòng, như một nam phóng viên đã buông máy quay, đổ gục xuống khóc nghẹn khi thấy người ta moi lên một em bé trong đống bùn đất ở Trà Leng.
Đông Hùng với ca khúc Lũ đêm của Dương Cầm
Sau nhiều căng thẳng cảm xúc với những ca khúc về miền Trung, hai ca khúc "rất tình cảm": Về bên anh nhé (Hùng Quân) và Cơn mơ băng giá (Lê Thành Trung) của Bằng Kiều như một món quà xinh xắn "bù đắp" cho những khán giả Hà Nội vốn thích những mơ màng, lãng mạn.
Đạo diễn Việt Thanh đã tinh tế khi xen giữa những bài hát về sự đau thương là những ca khúc ngợi ca đất nước, tình yêu và sự hào phóng của biển cả ngàn năm nuôi sống người Việt.
Bằng Kiều
Chọn cái kết là bài Heal the world phiên bản tiếng Việt và trước đó là ca khúc rock Đôi bàn tay của Trần Lập do các nghệ sĩ thuộc nhóm 9194 Hà Nội hát với đầy tinh thần phóng khoáng và sự chân thành, chương trình kết thúc với sự hối thúc lớn với công chúng nghĩ về "phận người que diêm trước gió" để muốn "nắm đôi tay chân dìu nhau qua cơn khốn khó".
Ca khúc rock Đôi bàn tay của Trần Lập được các nghệ sĩ thuộc nhóm 9194 Hà Nội hát với đầy tinh thần phóng khoáng và sự chân thành
Câu hát "Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về..." trong ca khúc Màu hoa đỏ làm nhiều khán giả xúc động nghĩ về những chiến sĩ đã hi sinh trong trận bão lũ tàn khốc vừa qua
Những ca khúc về miền Trung được dàn dựng rất công phu, dù đêm nhạc chỉ được tổ chức sản xuất trong hơn 10 ngày
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận