Tiền đổ vào mua đất - nhà, vàng hay đôla, họ mới bán được hàng. Nhưng COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả. Vàng, đôla không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Chưa thấy vốn đổ ầm ầm vào bất động sản.
Ngược lại, thị trường chứng khoán liên tục có những phiên giao dịch gần tỉ đôla với thêm trăm ngàn người mở tài khoản để mua bán chứng khoán. Nhưng cơ hội ngàn năm có một này đang bị phung phí.
Vì sao nói cơ hội bị phung phí? Từ lâu, trong suy nghĩ của nhiều người, chứng khoán là cờ bạc. Nhưng với nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhiều người rót tiền vào thị trường chứng khoán vẫn tốt hơn mua vàng hay giữ đôla. Thị trường chứng khoán lớn về quy mô lẫn chất lượng là nền tảng để doanh nghiệp phát triển (huy động thêm vốn, tăng năng lực quản trị...), góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng.
Mục tiêu đưa thị trường chứng khoán gần với người dân, trở thành kênh đầu tư chính luôn được đưa lên hàng đầu. Thậm chí có hẳn chỉ tiêu đến năm 2020 có 3% dân số tham gia thị trường chứng khoán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi khai mạc phiên giao dịch đầu năm mới gần hai năm trước đã yêu cầu "đưa thị trường chứng khoán gần người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi "chơi chứng khoán", mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả...".
Tuy nhiên nhiều năm qua, người dân vẫn ngại ngùng với chứng khoán.
Hay không bằng hên, COVID-19 đã kéo người dân đến với chứng khoán. Ước tính năm 2020 có thêm 393.000 tài khoản mới mở để giao dịch chứng khoán, cao nhất trong 20 năm qua. Nhưng từ đây lại phát sinh chuyện nghẽn lệnh trên sàn thuộc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM khiến không ít tính toán mua/ bán của nhà đầu tư bị treo gây bức xúc cho nhà đầu tư.
Sự việc diễn ra cả tháng, gần đây Ủy ban Chứng khoán nhà nước mới thừa nhận "năng lực hệ thống giao dịch của HOSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán". Nơi này cho biết phải đến cuối năm hệ thống công nghệ thông tin mới tại sàn TP.HCM mới vận hành. Thiệt hại này phải có nơi chịu trách nhiệm. Người dân không có lỗi khi đổ tiền vào chứng khoán.
Cần nhắc lại, khi mới lập thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý quy định mỗi lô giao dịch chỉ 10 chứng khoán để mọi người dù ít tiền cũng có thể tham gia. Mới đây, để hạn chế quá tải, nơi này đã tăng lên 100 chứng khoán/lô, dù vậy nhà đầu tư vẫn thấy lệnh mua/bán nhập vào hệ thống chưa thật trơn tru.
Điều đáng nói, trong lúc "chợ" chứng khoán không xử lý thông suốt lệnh giao dịch, nhà đầu tư lại nhận được thông báo về thuế thu nhập cá nhân với cổ tức được trả bằng cổ phiếu, áp dụng ngược lại từ 5-12-2020.
Nhiều chuyên gia nói kiểu thu thuế này là thuế chồng thuế khi người có cổ phiếu phải chịu 5% thuế lúc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lúc bán lại chịu thêm 0,1% trên giá trị chứng khoán bán. Chính sách thu thuế gây tranh cãi, còn tổ chức chợ thì liên tục nghẽn lệnh! Thêm thuế nhưng quyền lợi chính đáng lại bị giảm.
Lẽ ra Bộ Tài chính phải làm tốt hơn công tác kiến tạo thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải đi trước trong tổ chức chợ chứng khoán trong đó có hạ tầng công nghệ. Có vậy mới tận dụng được cơ hội ngàn năm một thuở, đưa chứng khoán thành kênh đầu tư của nhiều người dân. Nếu chợ cứ trục trặc, người dân ngán ngại, lại lơ là với chứng khoán, đó là thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận